Khó như phục vụ người dân châu Âu: Muốn mua hàng chất lượng cao nhưng giá phải rẻ

(DNTO) - Kinh tế chậm phục hồi khiến người tiêu dùng châu Âu chưa mạnh dạn mua sắm và chi tiền cho các sản phẩm hàng hóa. Điều này khiến các nhà xuất khẩu vào nước này gặp áp lực rất lớn.

Túi tiền của người dân châu Âu bị ảnh hưởng nặng nề do kinh tế suy giảm, buộc họ phải tìm cách thắt chặt chi tiêu. Ảnh: T.L.
Áp lực cũ và mới
Tháng cuối cùng của năm 2023, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tiếp tục giảm dự báo tăng trưởng kinh tế khu vực Eurozone, chỉ ở mức 0,8% trong năm 2024, thấp hơn so với mức 1% dự báo trước đó, do tác động của lãi suất cao đến nền kinh tế.
GDP của khu vực này đã trì trệ và luôn ở mức tăng trưởng 0 từ quý 4/2022 đến tới quý 3/2023. Tiêu dùng cá nhân và đầu tư đã giảm sút bởi quy mô tăng lãi suất chưa từng có của ECB suốt từ tháng 7/2022 đến tháng 9/2023.
Thông tin về thị trường EU trong cuộc họp giao ban thương vụ mới đây, ông Trần Ngọc Quân, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Bỉ và EU cho biết mặc dù kinh tế EU có dấu hiệu hồi phục, thương mại dự báo khôi phục 1,7% ở chiều nhập khẩu và 1,1% ở chiều xuất khẩu trong năm 2024 (so với mức giảm 15% của năm 2023), nhưng người dân vẫn chưa mạnh dạn mua sắm.
Dự kiến năm 2024, mức cạnh tranh về giá là một trong những ưu tiên tại thị trường EU. Đây là một trong những vấn đề mà doanh nghiệp Việt Nam phải cân đối khi xuất khẩu vào thị trường này.
“Cạnh tranh về giá liên tục được các nhà nhập khẩu, phân phối nhấn mạnh. Hầu hết các nhà phân phối hiện nay đều từ chối các đơn hàng, nhãn hàng tăng giá lớn tại các siêu thị, trung tâm phân phối”, ông Quân thông tin.
Ngoài yếu tố về giá, vị Tham tán cho biết các quy định về nhập khẩu vào EU cũng được thực hiện nghiêm ngặt hơn, chủ yếu liên quan đến kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững, phát triển xanh, sạch.
Cụ thể, cơ chế điều chỉnh carbon biên giới (CBAM) áp dụng trực tiếp cho các mặt hàng thép, xi măng, phân bón cũng bắt đầu được áp dụng từ tháng 6/2024. Các doanh nghiệp liên quan phải khai báo trong bảng kê khai tương đối phức tạp và cần nhiều thời gian nghiên cứu.
Đồng thời, các nhóm sản phẩm quy định về trách nhiệm đến hạn chống phá rừng cũng áp dụng trong năm nay và chính thức có hiệu lực vào tháng 6/2024. Yêu cầu các mặt hàng liên quan như cà phê, đồ gỗ, cao su phải thực hiện chứng nhận chống phá rừng. Bộ quy định chi tiết, kĩ thuật, đòi hỏi doanh nghiệp liên quan phải chuẩn bị dữ liệu, kê khai.
Trong năm 2024, EU cũng sẽ đưa ra quy định ecodesign trong ngành dệt may, yêu cầu giảm thiểu tối đa rác thải trong ngành. Với mặt hàng nông sản, chiến lược từ nông trại đến bàn ăn, dự kiến đưa ra quy định chống rác thải thực phẩm.
Ngoài chiến lược xanh, vị Tham tán cho biết EU cũng tăng cường kiểm soát an toàn chất lượng thực phẩm nhập khẩu. Bởi người dân EU đang bày tỏ quan ngại rất lớn về an toàn thực phẩm, không chỉ đối với hàng nhập khẩu mà ngay cả với hàng sản xuất nội địa cũng có nhiều dấu hiệu vi phạm về an toàn thực phẩm.
Trong tháng 1, EU liên tục đưa ra các bảng quy định về ngưỡng an toàn thực phẩm. Hầu hết các nhóm dư lượng chỉ ở mức tiêu chuẩn 0,01mmg/1kg. Đồng thời trong tháng 1, EU cũng phê chuẩn kế hoạch kiểm soát an toàn thực phẩm với hàng nông sản Việt Nam, tập trung vào nông sản, mật ong, đang xem xét với trứng và sữa.
“Năm 2024, EU sẽ tiến hành bầu cử. Để giành sự ủng hộ, họ sẽ tăng cường kiểm soát hàng hóa, doanh nghiệp nhập khẩu. Nếu doanh nghiệp xuất khẩu vi phạm về môi trường lao động, chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp thì chúng ta sẽ trở thành đối tượng nhắm đến trong chiến dịch tuyên truyền bầu cử, ảnh hưởng rất lớn với việc xuất khẩu vào thị trường này”, ông Quân thông tin.
Tận dụng hiệu ứng từ chuyến thăm nhà vua Bỉ

Việt Nam đang có cơ hội rộng mở từ các cuộc ngoại giao thương mại với các nước trên thế giới, cần tận dụng để đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu. Ảnh: T.L.
Tham tán Thương mại Việt Nam tại Bỉ và EU cho biết, hướng tiếp cận thị trường liên minh châu Âu trong thời gian tới vẫn bám sát con đường Hiệp định Thương mại tự do Liên minh châu Âu – Việt Nam (EVFTA).
“Hiện EVFTA đã bước vào năm thứ 4 thực thi, hoàn thành cắt giảm thuế lần 3, tạo cơ hội khác biệt rất lớn đối với giữa Việt Nam và các đối thủ cạnh tranh tại thị trường này. Rất nhiều nước trong ASEAN và châu Á mong muốn có một hiệp định như EVFTA, vì vậy chúng tôi mong muốn doanh nghiệp Việt Nam tận dụng tối đa này”, ông Quân nói.
Riêng đối với thị trường Bỉ, năm nay, nhà vua Bỉ sẽ sang thăm Việt Nam. Đây là một sự kiện đặc biệt vì theo thông lệ, mỗi năm, nhà vua Bỉ chỉ thực hiện 2 chuyến công du, 1 lần tại nội khối và 1 lần ở ngoại khối. Ông Quân cho biết đây là cơ hội để Việt Nam tận dụng cơ hội quảng bá, thúc đẩy thương mại với thị trường Bỉ.
“Để đón đầu cơ hội từ chuyến thăm tới, các vùng của Bỉ cũng rất tích cực chuẩn bị cho các đoàn xúc tiến thương mại. Họ đã lên kế hoạch triển khai từ đầu năm và dự kiến vào tháng 3 sẽ có đoàn doanh nghiệp từ vùng Flanders đến Việt Nam, tiếp theo là đoàn doanh nghiệp vùng Wallonie vào tháng 5 và tháng 10 là đoàn doanh nghiệp của Bruxelles. Họ sẽ tổ chức các hoạt động thương mại, kinh tế xuyên suốt cả năm để đón cơ hội từ chuyến thăm Việt Nam của nhà vua Bỉ. Vì vậy hi vọng phía Việt Nam cũng có hoạt động chuẩn bị để kết nối hiệu quả với phía Bỉ trong thời gian tới”, ông Quân thông tin.
Về hỗ trợ quảng bá cho doanh nghiệp Việt Nam tại châu Âu, vị Tham tán cho biết sẽ bám sát các chương trình xúc tiến thương mại của Bộ Công thương và tập trung vào chuỗi sự kiện kết nối chuỗi cung ứng quốc tế tại Việt Nam (Viet nam International Sourcing). Ngoài ra, Thương vụ, Đại sứ quán Việt Nam tại Bỉ và EU đang dự kiến tổ chức Hội nghị cộng đồng Doanh nghiệp Việt Nam tại châu Âu vào cuối tháng 6 tới, nhằm kết nối doanh nhân Việt Nam trong và ngoài nước để thúc đẩy thương mại hai bên.