‘Khâu thực thi chính sách vẫn khiến doanh nghiệp cảm thấy mọi chuyện không đi đến đích’
(DNTO) - Hỗ trợ lãi suất 2%, hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, chính sách cho vay ưu đãi…, không đạt kết quả như kỳ vọng trong khi nhiều doanh nghiệp, người dân đang kiệt sức vì khó khăn.
Trên nóng nhưng dưới vẫn lạnh
Trong công điện 436 của Thủ tướng Chính phủ ký ngày 18/5 vừa qua, yêu cầu báo cáo về việc các kiến nghị của hiệp hội, địa phương chưa được các bộ ngành giải quyết. Bởi thời hạn theo công điện trước là đến ngày 15/5, nhưng đến ngày 17/5, mới có 4/22 bộ, cơ quan ngang bộ, 2 cơ quan thuộc Chính phủ và 16 tỉnh thành phố báo cáo.
Trong chương trình đối thoại “Doanh nghiệp kiệt sức, cần chính sách mạnh mẽ”, chiều 22/5, bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc Văn phòng Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), cũng đặc biệt ghi nhận những kiến nghị mà Ban IV hay các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp thời gian qua gửi lên Chính phủ được phản hồi rất nhanh.
Những vấn về khó, lớn như visa, phòng cháy chữa cháy, hoàn thuế, kể cả câu chuyện mới gần đây như căn cứ tính đóng bảo hiểm xã hội…, những chỉ đạo của Chính phủ thông qua các Nghị quyết, Công điện chỉ đạo tháo gỡ được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá kịp thời. Nhưng vấn đề nằm ở việc tổ chức thực thi những chỉ đạo đó. Mặc dù trong tất cả các chỉ đạo của Chính phủ đều có chỉ đích danh cơ quan, bộ ngành, địa phương, thậm chí chỉ rõ khoảng thời gian cần phải báo cáo lại.
“Chúng tôi không thể biết được lý do của từng cơ quan liên quan nhưng khâu thực thi vẫn cứ là tình huống khiến doanh nghiệp cảm thấy mọi chuyện không đi đến đích. Trong khảo sát của chúng tôi, doanh nghiệp có đề cập phải chăng là nỗi lo hình sự hóa. Bây giờ làm thế nào để thúc đẩy chủ trương rất đúng là chống tham nhũng nhưng không làm tổn thương nền kinh tế và doanh nghiệp. Tôi nghĩ đây là bài toán rất lớn cần phải suy nghĩ”, bà Thủy cho biết.
Theo khảo sát mới đây của Ban IV với các doanh nghiệp, sự bi quan hiện rõ ở khối doanh nghiệp tư nhân, khối doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng của nền kinh tế, cũng như các doanh nghiệp ở khu vực đầu tàu kinh tế như TP.HCM.
Điều này tương đối tương đồng với tình hình tăng trưởng của các khu vực này. Rõ ràng, những tín hiệu như vậy không đơn thuần là câu chuyện của nhóm nhỏ mà là bài toán lớn sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế cần suy nghĩ.
Bên cạnh câu chuyện về vốn, thị trường, qua khảo sát mới đây, cho thấy tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá công tác thực thi chủ trương, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp kém hiệu quả là phổ biến. Ví dụ quy trình, thủ tục hành chính (phòng cháy chữa cháy, hoàn thuế…) chưa được giải quyết.
“Trong bài toán thiết kế chính sách, vì sao hiện chúng ta làm rất nhiều chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhưng khâu thực thi vướng mắc. Có những chương trình chúng ta làm rất nhanh, chạy đua với thời gian, nhưng nhanh có khi lại thành vội bởi đối tượng thụ hưởng không có cơ hội tham gia ý kiến.
Ví dụ quy trình vay vốn ưu đãi phải chứng minh rất nhiều giấy tờ, hồ sơ bất cập. Những chương trình theo kiểu lấy ý kiến doanh nghiệp chúng tôi luôn đề cập để phát huy trách nhiệm của doanh nghiệp nhưng chúng ta vẫn cứ làm một cách hình thức. Đây là điểm tôi nghĩ cần cải thiện để phát huy tiếng nói của họ”, đại diện Ban IV nhận định.
Để chống tham nhũng không tổn thương doanh nghiệp
Cũng trong buổi đối thoại, TS. Nguyễn Tú Anh, Chuyên gia kinh tế, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương, cho biết chống tham nhũng, làm trong sạch hệ thống chính trị là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước và đạt được nhiều kết quả được nhân dân ủng hộ.
Nhưng rõ ràng, khi có những thay đổi mạnh mẽ trong cách thức hoạt động của bộ máy Nhà nước sẽ có những tác động không mong muốn. Bộ máy và những con người trong bộ máy phải có quá trình thích nghi, có độ trễ trong khi cuộc sống vẫn chạy, dẫn đến phát sinh nhiều vấn đề.
“Cho đến nay, rõ ràng có rất nhiều báo cáo cho thấy các công chức, viên chức không biết làm thế nào cho đúng bởi hệ thống pháp luật đang có sự chồng chéo. Báo chí cũng phản ánh địa phương hỏi trung ương nhưng khi trung ương trả lời, địa phương cũng không biết làm thế nào cho đúng. Trong khi những người làm trong bộ máy họ cũng muốn giải quyết việc này cho xong, nhưng không biết làm như thế nào. Còn doanh nghiệp càng chờ đợi càng mất tiền, thiệt hại rất lớn”, ông Tú Anh nói.
Theo TS Nguyễn Tú Anh, quá trình thích nghi này gắn liền với việc hoàn thiện thể chế, hành lang pháp lý không chỉ cho khối doanh nghiệp mà cho cả bộ máy nhà nước, để đảm bảo rằng mọi công chức, viên chức nếu làm đúng theo quy định của pháp luật là làm tròn trách nhiệm. Đây là những đòi hỏi của cuộc sống, buộc cơ quan tư pháp, hành pháp phải nhận diện nhanh chóng và đúng đắn hơn, cùng phối hợp với nhau để giải quyết kịp thời.