Kế hoạch đầy tham vọng của nhiều công ty chứng khoán

(DNTO) - Nhiều công ty chứng khoán đã đặt ra các kế hoạch tăng trưởng khá ấn tượng bất chấp kết quả kinh doanh năm 2022 có thể thua lỗ hay chưa được như kỳ vọng.
Những kế hoạch ấn tượng
Năm 2023, trong bối cảnh thị trường chung chưa có nhiều dấu ấn nổi bật, các công ty chứng khoán vẫn đưa ra triển vọng tích cực, thể hiện qua các chỉ tiêu kế hoạch lợi nhuận đặt ra tại mùa đại hội cổ đông thường niên năm nay.
Ấn tượng nhất là Chứng khoán VIX (mã: VIX) đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế 676 tỷ đồng, trong khi năm 2022 là 376 tỷ đồng. Như vậy, kế hoạch đặt ra tăng 80% so với kết quả thực hiện cùng kỳ. Đáng chú ý, cả quý 1/2023, doanh nghiệp này mới chỉ đạt 11 tỷ đồng lợi nhuận.

Ảnh minh hoạ
VIX đang đề ra phương án phát hành thêm hơn 87 triệu cổ phiếu để tăng vốn điều lệ thêm khoảng 6,6 ngàn tỷ đồng nếu thành công. Hiện tại, thị giá của VIX đang khá thấp khi chỉ đạt 7.670 đồng/cp.
Tại Công ty cổ phần Chứng khoán APG (mã: APG), cho cả năm 2023, doanh nghiệp đã đặt ra mục tiêu doanh thu là 280 tỷ đồng, tăng hơn 51% so với con số 180 tỷ đồng đã thực hiện được trong năm 2022; lãi trước thuế kỳ vọng đạt 150 tỷ đồng, trong khi đó năm 2022, chỉ tiêu này nằm ở mức lỗ 229 tỷ đồng.
Ngay trước thềm ĐHĐCĐ, APG đưa ra tờ trình cổ đông về việc chào bán cổ phiếu để tăng vốn điều lệ cho doanh nghiệp. Theo đó, APG dự kiến phát hành 70 triệu cổ phiếu riêng lẻ cho các cá nhân/tổ chức là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, giá chào bán không thấp hơn 11.000 đồng/cp. Đối với cổ phiếu ESOP, công ty dự kiến phát hành hơn 7.3 triệu cổ phiếu, giá phát hành là 10,000 đồng/cp. Được biết, chốt phiên ngày 17/4, thị giá APG mới chỉ đạt 6.990 đồng/cp dù đã tăng 2,7% so với phiên hôm qua.
Với CTCP Chứng khoán BIDV (mã: BSC), kế hoạch kinh doanh năm 2023 với mức lợi nhuận trước thuế đạt 565 tỷ đồng, tăng 280% so với con số đã đạt được trong năm 2022 là 148 tỷ đồng. Theo đại diện của BSC, mảng môi giới được kỳ vọng sẽ đóng góp chính với khoảng 60 - 70% lợi nhuận.
Lãnh đạo doanh nghiệp cũng công bố tại ĐHĐCĐ mới diễn ra, lãi trước thuế quý 1 năm nay của công ty đạt 121 tỷ đồng, hoàn thành được 22% kế hoạch kinh doanh cả năm. Điều này có nghĩa, năm 2023, trong nhận định của BSC, cũng sẽ là năm khá nhiều thuận lợi cho họ.
Thách thức và thuận lợi đan xen
Quý 1 năm nay, thị giá nhiều công ty chứng khoán đã tăng trưởng khá tốt. Đơn cử, BSI đã tăng tới 55% tính từ đầu năm tới nay; HCM tăng 30%; VIX chỉ tăng 0,92%, APG tăng 1,1%, các cổ phiếu trụ như SSI tăng 20%; VND tăng 10%.
Đà tăng của các cổ phiếu chứng khoán có sự phân hoá trong nhóm, tuy nhiên xu hướng tăng điểm chung vẫn bao trùm. Trước các yếu tố tích cực như thông tin điều chỉnh giảm lãi suất của Ngân hàng Nhà nước, thị giá nhóm chứng khoán khá hợp lý khi so sánh với các nhóm khác, cổ phiếu chứng khoán có vẻ được hưởng lợi khi dòng tiền tìm về nhiều, xem đây là kênh trú ẩn an toàn.
Mặc dù vậy, sự lạc quan sớm với nhóm ngành này cho cả năm 2023 là điều cần cân nhắc.
Agriseco dự báo, quý 2, VN-Index sẽ tiếp tục biến động trong biên độ 1.000-1.100 điểm, tức khó có sự đột phá từng xuất hiện trong năm 2021, theo đó lợi nhuận toàn thị trường quý 1 và quý 2 của năm nay có thể suy giảm lần lượt 15-20% và 5-10% so với cùng kỳ. Đà tăng trưởng của thị trường được cho chỉ xuất hiện vào nửa cuối năm.
Agriseco chỉ ra các thách thức. Trước hết, ngành bất động sản còn khó khăn, qua đó sẽ tác động không nhỏ tới hệ thống ngân hàng với rủi ro tăng cao về nợ xấu. Hai ngành trụ cột gặp khó sẽ có tác động liên đới tới nhiều nhóm ngành khác. Trong khi đó, ngành xuất khẩu dự báo bị ảnh hưởng tiêu cực bởi các thị trường xuất khẩu chính như Mỹ, EU đối mặt với nguy cơ suy thoái. Ngoài ra, nhiều ngành khác cũng có triển vọng lợi nhuận kém khả quan trong bối cảnh nền kinh tế còn thách thức và mức nền lợi nhuận cao cùng kỳ năm 2022.
Các yếu tố rủi ro bất định từ trong và ngoài nước vẫn đang hiện hữu như: FED duy trì lãi suất ở mức cao; rủi ro hệ thống ngân hàng quốc tế; kinh tế suy thoái; áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp...
Thị trường đang đứng trước những cơ hội và thách thức đan xen khiến nhà đầu tư sẽ còn cẩn trọng hơn.
"Trong giai đoạn kinh tế thế giới nhiều bất ổn và có thể tiến gần tới suy thoái, sự thận trọng vẫn là rất cần thiết. Suy thoái kinh tế xảy ra giúp thanh lọc doanh nghiệp yếu kém và giảm tỷ lệ vay nợ là điều kiện đủ cho kinh tế và thị trường chứng khoán tạo đáy lớn và mở ra nhiều cơ hội lớn cho những ai có tình hình tài chính lành mạnh, còn nguồn lực sẵn sàng", SGI Capital nhận định.