Hoa Kỳ chính thức kêu gọi Apple và Google xóa TikTok
(DNTO) - 'TikTok hoạt động như một công cụ giám sát, nó thu thập lượng lớn dữ liệu cá nhân và nhạy cảm', câu nói của một quan chức quản lý truyền thông Mỹ kêu gọi Apple và Google cấm ứng dụng TikTok vì lo ngại về an ninh quốc gia.
Vào ngày 28/6, một quan chức của Ủy ban Viễn thông Liên bang Mỹ (FCC) đã thông báo trên twitter rằng ông đã viết thư cho Giám đốc Điều hành Apple Tim Cook và Giám đốc Điều hành Google Sundar Pichai, nói rõ mối đe dọa của ứng dụng chia sẻ video TikTok.
Trong thư, Ủy viên FCC Brendan Carr nói rằng TikTok đang thu thập hàng loạt dữ liệu nhạy cảm mà các báo cáo mới cho thấy đang được truy cập ở Bắc Kinh. Ứng dụng video ngắn thuộc sở hữu của ByteDance có trụ sở tại Bắc Kinh, được luật pháp Trung Quốc yêu cầu tuân thủ các yêu cầu giám sát của CHND Trung Hoa.
Bức thư đề cập đến một báo cáo tuần trước của Buzzfeed New, đưa tin rằng các nhân viên của gã khổng lồ Internet ByteDance đã nhiều lần truy cập dữ liệu về người dùng TikTok tại Mỹ. Báo cáo trích dẫn âm thanh bị rò rỉ từ hơn 80 cuộc họp nội bộ của TikTok (thuộc sở hữu của ByteDance), các kỹ sư ở Trung Quốc đã có quyền truy cập vào dữ liệu của Mỹ trong khoảng thời gian từ tháng 9/2021 đến tháng 1/2022.
Carr đã ví các tính năng chia sẻ video và meme của TikTok giống như “quần áo của những chú cừu” nhằm mục đích đánh lạc hướng, nhưng về cốt lõi nó giống như một công cụ giám sát tinh vi, thu thập dữ liệu cá nhân lớn từ lịch sử tìm kiếm, dữ liệu duyệt web, nhận dạng sinh trắc học, bao gồm cả dấu mặt và giọng nói.
Ông xác định TikTok đang gây ra rủi ro cho an ninh quốc gia, và yêu cầu lãnh đạo của 2 gã khổng lồ công nghệ nước Mỹ là Apple và Google xóa nó khỏi các cửa hàng ứng dụng. Nếu hai công ty này không xóa thì hãy giải thích lý do cho ông trước ngày 8/7.
TikTok đã bị nghi ngờ nhiều lần
Đây không phải là lần đầu tiên một quốc gia cấm TikTok vì lo ngại về an ninh. Vào năm 2020, Ấn Độ đã cấm TikTok vì tội lén lút truyền dữ liệu người dùng trái phép.
Nhiều chi nhánh quân đội Hoa Kỳ cũng đã cấm TikTok trên các thiết bị do chính phủ cấp bao gồm Hải quân, Lục quân, Không quân, Cảnh sát biển và Thủy quân lục chiến.
TikTok đã có lúc suýt bị đuổi khỏi Mỹ với lý do lo ngại về an ninh quốc gia về việc dữ liệu của người dùng rơi vào tay chính quyền Trung Quốc. Thời điểm đó, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump yêu cầu công ty mẹ ByteDance bán ứng dụng này cho một công ty Mỹ hoặc phải chịu lệnh cấm. Tuy nhiên lệnh này đã vấp phải những thách thức pháp lý và sau đó bị chính quyền Biden bỏ qua.
Vào năm 2021, TikTok đã trả 92 triệu đô la để giải quyết các vụ kiện về quyền riêng tư về lý do ứng dụng đã ghi lại trái phép hình ảnh quét khuôn mặt của người dùng và tiết lộ dữ liệu cá nhân cho bên thứ ba.
TikTok là một trong những ứng dụng truyền thông xã hội phổ biến nhất, với hơn 1 tỷ người dùng trên toàn thế giới. Mỹ là một trong những thị trường lớn nhất của TikTok, chiếm khoảng 80 triệu người dùng, vì vậy, việc không tiếp tục hoạt động tại Mỹ sẽ là tổn thất lớn đối với ứng dụng này.
Đến thời điểm hiện tại, TikTok, Apple và Google đều chưa có thông tin hồi đáp về bức thư của Carr.