Hàng Việt tiêu thụ ầm ầm qua kênh thương mại điện tử
(DNTO) - Từ đầu năm đến nay, hàng loạt sản phẩm đặc sản của Sơn La, Bến Tre, Sóc Trăng, Hải Dương… được tiêu thụ mạnh mẽ thông qua “Gian hàng Việt trực tuyến” trên sàn thương mại điện tử, đập tan nỗi lo cho doanh nghiệp thương mại và người sản xuất.
Tháng 12/2019, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số khai trương Gian hàng Việt trực tuyến với việc ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược cùng sàn Thương mại điện tử Sendo và Tổng công ty Cổ phần Bưu chính Viettel (Viettel Post), về việc phát triển và thúc đẩy tiêu thụ hàng Việt trên thương mại điện tử tại Việt Nam.
Từ đó đến nay, Cục này tích cực đẩy mạnh triển khai “Gian hàng Việt trực tuyến Quốc gia” thông qua việc ký kết với các sàn thương mại điện tử khác như Sendo, Voso (Viettel Post) và Tiki, nhằm giúp các nhà sản xuất Việt mở thêm kênh phân phối mới, hiện đại, hỗ trợ mở rộng đầu tư cho các doanh nghiệp Việt tới mọi tỉnh, thành phố trên cả nước, từng bước giúp doanh nghiệp ổn định kinh doanh và phục hồi sản xuất trong giai đoạn “bình thường mới”.
Đặc biệt, Cục này cũng bước đầu bắt tay với các sàn thương mại điện tử lớn của nước ngoài như Alibaba hay Amazon với tham vọng có thể tiếp tục xuất khẩu hàng Việt uy tín ra thế giới.
Nhờ việc “kéo” các sàn thương mại điện tử vào chuỗi phân phối sản phẩm Việt, nhiều đặc sản của địa phương, vốn đang bị ngưng trệ trong tiêu thụ bởi dịch Covid- 19, tưởng chừng sẽ phải tiêu hủy vì không bán được lại có thể tiếp tục “lên đường”.
Đơn cử như hồi cuối tháng 3, chỉ sau 4 ngày được các sàn thương mại “cầm tay chỉ việc”, hàng trăm doanh nghiệp, người sản xuất tỉnh Sơn La đã bán hàng qua thương mại điện tử. Ngay trong ngày mở bán đầu tiên của chương trình “Ngày Đặc sản Sơn La” trên Sàn thương mại điện tử Sendo (từ 12 – 14/4) đã có hơn 3.000 đơn hàng cho các sản phẩm địa phương của Sơn La được chuyển đi các tỉnh, thành phố.
Hay trong 3 ngày đầu tổ chức chương trình đặc biệt “Ngày hội xứ Dừa – Quê hương Bến Tre” (từ ngày 20 – 22/4) trên Sàn thương mại điện tử Sendo, hàng nghìn đơn hàng đặc sản Bến Tre như bưởi Giồng Trôm, hàng chục loại sản phẩm mỹ phẩm, thực phẩm chế biến từ cây dừa được bán ra với khắp 56 tỉnh, thành phố.
Gần đây nhất, ngày 5/5, một khối lượng hành tím lớn tại tỉnh Sóc Trăng bị tồn đọng do ảnh hưởng bởi dịch Covid- 19 cũng đã được tiêu thụ bởi sự hỗ trợ của Sàn thương mại điện tử Vỏ Sò (Voso.vn) và Tổng Công ty Bưu chính Viettel Post. Chỉ sau gần 10 ngày chạy chương trình trên Sàn thương mại điện tử Voso và “Gian hàng Việt trực tuyến” đã hỗ trợ tiêu thụ được gần 30 tấn hành tím Vĩnh Châu. Ước tính đến hết tháng 5, lượng hành tím hỗ trợ tiêu thụ qua thương mại điện tử có thể lên tới 150 tấn.
Hiện vải thiều Thanh Hà (Hải Dương) đã chính thức được bán trên sàn thương mại điện tử Lazada. Có thể thấy, trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, thương mại điện tử đang dần trở thành kênh phân phối mới, hiện đại và hiệu quả giúp bà con nông dân, giúp cho nông sản Việt có hướng đi bền vững, hướng tới sử dụng công nghệ, từng bước chuyển đổi số và ứng dụng thương mại điện tử trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Trao đổi về tương lai gần, Ông Đặng Hoàng Hải - Cục trưởng Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số - trình bày: “Trong năm 2021, 2022 chúng tôi sẽ tiếp tục tổ chức các Chương trình đào tạo và Kết nối thương mại điện tử với các Sàn thương mại điện tử thông qua “Gian hàng Việt trực tuyến Quốc gia” ở các tỉnh, thành trên cả nước: Dự kiến tại Quảng Ninh, Nghệ An, Cần Thơ, Hải Dương, Thái Bình, Trà Vinh, Đồng Tháp, Bến Tre, Tiền Giang, Bạc Liêu, Đà Nẵng, đặc biệt là Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh . . .