Hàng loạt khó khăn bủa vây thị trường bất động sản
(DNTO) - Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công cho biết, năm 2022 là một năm khó khăn toàn diện của ngành bất động sản. Các khó khăn này ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp bất động sản, nguy cơ gây tác động domino lan toả đến nhiều ngành, nhiều doanh nghiệp trong nền kinh tế.
Tại “Diễn đàn phát triển bền vững thị trường Bất động sản năm 2022”, ngày 15/12, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công phân tích, với thị trường bất động sản, nhiều khó khăn về thủ tục pháp lý đã tồn tại từ lâu. Ngay từ năm 2019, VCCI đã có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Quốc hội về các chồng chéo giữa các luật trong lĩnh vực đầu tư, đất đai, xây dựng, môi trường, nhà ở, kinh doanh bất động sản, đấu thầu. Từ kiến nghị của VCCI, Quốc hội khi ban hành Luật Đầu tư (sửa đổi), Luật Xây dựng (sửa đổi) 2020 đã thực hiện sửa đổi nhiều chồng chéo mà VCCI đã kiến nghị. Thủ tướng Chính phủ cũng thành lập Tổ Công tác rà soát chồng chéo do Bộ trưởng Bộ Tư pháp làm Tổ trưởng và Chủ tịch VCCI là tổ phó.
Tháng 11 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ cũng thành lập Tổ công tác của Thủ tướng về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản cho các địa phương, doanh nghiệp, việc làm này, đã kịp thời giúp ổn định phần nào tâm lý, niềm tin cho thị trường, cho cho các nhà đầu tư cũng như cho các doanh nghiệp phát triển bất động sản.
Lý giải nguyên nhân dẫn đến một số dấu hiệu phát triển không ổn định của thị trường bất động sản hiện nay, ông Công cho biết gồm cả nguyên nhân khách quan và chủ quan từ phía doanh nghiệp. Về khách quan, theo ông Công, tình hình kinh tế thế giới với các thị trường vốn, tài chính đều xấu đi, thế giới kết thúc thời kỳ vốn giá rẻ, bước vào thời kỳ lạm phát và lãi suất cao. Mỹ tiếp tục tăng lãi suất cơ bản liên tục, tác động tới thị trường toàn cầu. Dòng vốn vào bất động sản cao, kết thúc thời kỳ bất động tăng giá cao.
"Tại Việt Nam, dòng vốn cho bất động sản suy giảm đột ngột, tín dụng hết room. Các doanh nghiệp bất động sản vừa là nguyên nhân vừa là nạn nhân của những khó khăn này. Chứng khoán cũng giảm sâu, nhiều doanh nghiệp bán giải chấp khiến dòng vốn đầu tư ngày càng khó khăn. Tất cả những điều này tạo ra bối cảnh hết sức khó khăn cho ngành bất động sản", ông Công nói.
Về nguyên nhân chủ quan, Chủ tịch VCCI cũng thẳng thắn đặt vấn đề: “Các doanh nghiệp đã sử dụng vốn đúng, khoa học hay chưa? Khi vốn huy động xã hội không được đổ vào tạo sản phẩm cho thị trường bất động sản, mà một tỷ lệ lớn đổ vào đầu cơ, mở rộng quỹ đất thâu tóm dự án quỹ đất khiến dòng tiền tương lai bị chặn đứng. Doanh nghiệp trông chờ vào tăng giá đất đai là khiếm khuyết lớn. Chúng ta huy động vốn để tạo ra sản phẩm bất động sản không phải là thâu tóm đất đai".
Cũng tại diễn đàn, chỉ ra những nguyên nhân khiến thị trường bất động sản khó khăn như hiện nay, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho rằng, do sự thiếu hụt nguồn cung; lệch pha cung - cầu; giá nhà neo cao; doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn; khách hàng mất niềm tin…
Về những khó khăn của doanh nghiệp bất động sản, Thứ trưởng Sinh tập trung vào một số vấn đề: khó khăn trong tiếp cận vốn tín dụng, phát hành trái phiếu doanh nghiệp, khiến cho hàng loạt dự án bất động sản bị đình trệ vì thiếu vốn. Ngoài ra, lãi suất cho vay, tỷ giá ngoại tệ, giá nguyên vật liệu tăng đã làm tăng khó khăn cho các doanh nghiệp đầu tư bất động sản, khiến một số doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh, tinh giảm lao động, các nhà thầu thi công phải dừng thi công…
Cùng với đó là những khó khăn do tâm lý khách hàng. Một số dự án không đảm bảo pháp lý khiến các nhà đầu tư, người dân mất lòng tin vào doanh nghiệp, vào thị trường.
Để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, Chủ tịch VCCI cho rằng các doanh nghiệp bất động sản cần cơ cấu, kiểm soát lại rủi ro dòng tiền, lãi suất, tỷ giá. Cần có phương án xử lý việc đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp trong hai năm tới. Chủ động tìm hiểu, tiếp cận các hỗ trợ của chương trình phục hồi và phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, doanh nghiệp bất động sản cần phải chuyển đổi số để kịp thời đón đầu xu hướng mới.
Đặc biệt ông Công cho rằng, doanh nghiệp bất động sản cần phải hướng tới minh bạch, chuyên nghiệp, nhất từ khâu huy động vốn hồ sơ tín dụng, hồ sơ phát hành chứng khoán, thực hiện các cam kết... Đặc biệt, việc huy động vốn phải gắn với mục đích sử dụng cụ thể. Đi kèm với đó là quan tâm quản lý rủi ro tài chính về dòng tiền, lãi suất, tỷ giá. Các doanh nghiệp cũng cần có thêm các chính sách, tính toán lại giá bán phù hợp.
Chủ tịch VCCI cũng khuyến nghị, Nhà nước cũng cần cân nhắc hỗ trợ một nguồn lực nhất định giúp thị trường có trợ lực vượt qua giai đoạn khó khăn. Đó có thể là một nguồn vốn nhất định cho vay hoặc hỗ trợ lãi suất cho người lao động chưa có nhà được vay để mua căn hộ, hoặc nhà ở theo tiêu chuẩn trung cấp trở xuống. Điều này sẽ tạo dòng tiền mới cho thị trường, vừa kết hợp người dân mua nhà để ở theo tinh thần tự chọn lựa căn nhà phù hợp.