Giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa trong phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế
(DNTO) - Đảng ta xác định: Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nền kinh tế vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường đồng thời bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước.
Đối với Việt Nam, định hướng xã hội chủ nghĩa là nội dung chủ yếu và là nguyên tắc trong xây dựng nền kinh tế thị trường. Thực hiện đúng định hướng xã hội chủ nghĩa cũng đồng thời là chủ trương lớn và giải pháp hữu hiệu để giữ vững độc lập, tự chủ trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Điều đó được khởi nguồn từ nhận thức và cùng với nó là tổ chức thực hiện trong thực tiễn.
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa qua thời gian đã từng bước hình thành, có nhiều đặc điểm của nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập. Hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách theo đó ngày càng hoàn thiện và phù hợp hơn với luật pháp quốc tế, đồng thời đáp ứng yêu cầu thực tiễn và thực hiện cam kết hội nhập quốc tế. Chế độ sở hữu, các thành phần kinh tế, loại hình doanh nghiệp phát triển đa dạng. Các quyền và nghĩa vụ về tài sản được thể chế hóa tương đối đầy đủ. Hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế được nâng lên.
Trong những năm qua, nhận thức của chúng ta về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ngày càng đầy đủ hơn. Đảng ta xác định: Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nền kinh tế vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường đồng thời bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước. Đó là nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế; có sự quản lý của Nhà nước, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, nhằm mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Việc đổi mới, sắp xếp, cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước được đẩy mạnh; kinh tế tập thể được quan tâm đổi mới; kinh tế tư nhân ngày càng được coi trọng; đội ngũ doanh nhân không ngừng lớn mạnh; thu hút vốn đầu tư nước ngoài đạt được kết quả tích cực.
Các yếu tố thị trường và các loại thị trường được hình thành đồng bộ hơn, gắn kết với thị trường khu vực và thế giới. Hầu hết các loại giá hàng hoá, dịch vụ được xác lập theo cơ chế thị trường. Môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện và thông thoáng hơn; quyền tự do kinh doanh và cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế được bảo đảm hơn.
Hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng trên nhiều cấp độ, đa dạng về hình thức, từng bước thích ứng với nguyên tắc và chuẩn mực của thị trường toàn cầu. Việc huy động, phân bổ và sử dụng nguồn lực phù hợp hơn với cơ chế thị trường.
Các cơ chế, chính sách đã chú trọng kết hợp giữa phát triển kinh tế với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, tạo cơ hội cho người dân tham gia và nhận được thành quả từ quá trình phát triển kinh tế. Phương thức lãnh đạo của Ðảng, hoạt động của Nhà nước từng bước được đổi mới phù hợp hơn với yêu cầu phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
Việt Nam đã tranh thủ tiến trình hội nhập cải cách có hiệu quả môi trường pháp luật và thể chế kinh tế thị trường trong nước; hệ thống pháp luật được sửa đổi phù hợp với thông lệ quốc tế, môi trường thể chế minh bạch hơn. Việc bảo đảm độc lập, tự chủ trong hội nhập quốc tế gắn với giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa trong kinh tế thị trường ở nước ta đã được tiến hành đồng bộ trong việc phát triển lực lượng sản xuất, trong phát triển các hình thức sở hữu, chế độ sở hữu và phát triển các thành phần kinh tế, giải quyết thấu đáo giữa tăng trưởng kinh tế và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội.
Những thành tựu đã đạt được trong xử lý mối quan hệ giữa độc lập, tự chủ và chủ động, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế đã làm tăng thế và lực của nước ta, để nước ta chuyển từ chủ động, tích cực hội nhập sang chủ động, tích cực tham gia xây dựng quy tắc và luật lệ trong quan hệ quốc tế; đồng thời là cơ sở để mở rộng hợp tác quốc tế trên các lĩnh vực khác một cách chủ động và tích cực.
Phát huy những thành quả đã đạt được, tự tin hơn trong quá trình hội nhập vào nền kinh tế thế giới, chúng ta đã chủ động hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực theo tinh thần phát huy tối đa nội lực, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, bảo đảm độc lập, tự chủ và định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích dân tộc, an ninh quốc gia, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, bảo vệ môi trường.