Vấn đề toàn nhân loại
(DNTO) - Văn minh nhân loại đã có những bước tiến khổng lồ nhưng loài người cũng đang phải đối mặt với những nguy cơ khủng khiếp. Đó là những thảm họa thiên nhiên như động đất, sóng thần, biến đổi khí hậu, khủng hoảng kinh tế, khủng hoảng năng lượng, nguồn nước, thiên tai, dịch bệnh.
Thế giới đã đi qua hơn hai thập niên đầu tiên của thế kỷ XXI. Nếu như trong quá khứ, số phận con người hoàn toàn hoặc gần như hoàn toàn phụ thuộc và hoàn cảnh bên ngoài, trong khi hoàn cảnh đó vừa bị thu hẹp, vừa chậm thay đổi, thì nay, chính con người làm thay đổi hoàn cảnh, góp phần tạo ra hoàn cảnh mới ngày càng rộng mở hơn, những biến chuyển của hoàn cảnh nhanh chóng hơn và cuốn hút sự quan tâm của toàn thế giới. Có điều là hoàn cảnh càng biến đổi nhanh và rộng thì các quan hệ cộng đồng của con người cũng xuất hiện nhiều vấn đề hơn.
Theo nhiều nhà nghiên cứu, vấn đề biến đổi khí hậu sắp tới còn có diễn biến phức tạp, nước biển có thể dâng lên một mét và nhiệt độ trung bình của trái đất có thể tăng lên 40C vào cuối thế kỷ này. Vấn đề suy thoái đất, hoang mạc hóa sẽ diễn ra nhanh hơn.
Tài nguyên, khoáng sản ngày càng ít đi, nhiều nơi trên thế giới sẽ thiếu nước nghiêm trọng; xung đột, bất ổn trong việc chia sẻ nguồn nước sẽ gia tăng ở nhiều khu vực. Biển và đại dương bị ô nhiễm, chất lượng môi trường tại các sông ngòi bị ô nhiễm nặng.
Rừng tiếp tục bị tàn phá, hệ sinh thái tự nhiên bị thu hẹp, nhiều loài thú hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng. Cùng với nạn nghèo đói, bất hạnh và phi lý lớn của thế giới văn minh, đại dịch Covid-19 là nỗi khiếp sợ xuyên quốc gia mà chúng ta đang chứng kiến...Những thảm họa đó không thể kể hết, đã và đang làm thay đổi nhận thức của con người, đặt ra cho cả thế giới, toàn nhân loại một nhận thức mới và thống nhất: Đang nổi lên những vấn đề toàn cầu mà chỉ có toàn thế giới chung tay mới giải quyết được.
Vấn đề toàn cầu hay toàn nhân loại được quan niệm là những vấn đề mà tác động của nó có liên quan trực tiếp đến vận mệnh của tất cả các dân tộc, không phân biệt chế độ chính trị - xã hội, biên giới quốc gia.
Sự hình thành những vấn đề toàn nhân loại là do nhiều yếu tố khác nhau tạo nên. Những nguyên nhân trực tiếp nhất phải kể đến là sự phát triển như vũ bão của sức sản xuất, sự chuyển tiếp các nền văn minh, sự thay đổi nhanh chóng của các yếu tố khoa học - công nghệ đã dẫn đến sự phân bố lại lực lượng của xã hội trên quy mô lớn.
Sức sản xuất thay đổi không ngừng cũng gây ra những biến cố thuận và nghịch đối với thiên nhiên, đối với môi trường sống của con người. Sức sản xuất càng phát triển, khả năng con người càng lớn hơn và mạnh mẽ hơn trong việc hiểu biết, thâm nhập thế giới tự nhiên, tiến công, chinh phục thế giới tự nhiên, khai thác, tận dụng thế giới tự nhiên để phục vụ lợi ích con người. Quá trình đó vừa có lợi cho con người, nhưng vừa mang lại hiểm họa cho con người.
Thiên nhiên càng được khai thác triệt để thì thế cân bằng tự nhiên càng bị thách thức, và vì thế hậu quả của sự mất cân bằng, của sự cạn kiệt nguồn sống sẽ quay lại đe dọa con người.
Một vấn đề nữa là con người phải đối mặt với chính những hành vi của mình, thuật ngữ mới gọi là "khủng hoảng nền văn minh". Bản chất của khủng hoảng này là hoạt động của con người chứa đựng trong mình các mâu thuẫn. Sự chuyển động tự thân và mù quáng vì những động cơ và lợi ích không được điều chỉnh sẽ dẫn đến vực thẳm. Hiểm họa là ở chỗ, con người sản xuất ra vũ khí ngày càng hiện đại. Sự tiêu vong toàn thể loài người trong chiến tranh hạt nhân đã không còn dừng lại ở những khái niệm mơ hồ như trong kinh thánh nói về nạn "đại hồng thủy", mà sự hủy diệt dễ nhìn thấy.
Vũ khí nhiều thêm thì quả đất như bé lại. Người ta tính rằng, nếu các kho bom đạn các loại đã có trong tay con người mà được châm ngòi thì đến chục trái đất cũng sẽ trở thành tro bụi. Chưa hết, người ta còn tính rằng, nếu như các nước đang phát triển cũng tiến theo con đường tiêu xài nguyên vật liệu và năng lượng như các nước phát triển, lại đạt tới mức như Mỹ hiện nay, thì điều đó sẽ dẫn đến cực điểm của "hiệu ứng nhà kính" và đe dọa trực tiếp sự sống trên trái đất.
Vấn đề nhân loại, "cái toàn nhân loại" còn gắn bó và chịu ảnh hưởng của quan hệ giai cấp và chế độ xã hội khác nhau. Hiện tượng bị tha hóa và tự tha hóa con người dưới chế độ tư bản chủ nghĩa, thái độ thực dụng đối với môi trường sống, chính sách ngoại giao "pháo hạm", "chiếc gậy và củ cà rốt" trong quan hệ quốc tế, rõ ràng là những yếu tố vừa cản phá việc giải quyết, vừa làm nảy sinh thêm vấn đề phức tạp trong quan hệ toàn cầu.
Ngay như việc những nước giàu có giữ sạch môi trường của mình nhưng lại đưa những chất thải hạt nhân hoặc những chất thải độc hại khác sang các nước nghèo cũng là những hành vi cần phải được ngăn chặn và lên án. Đành rằng phải nhấn mạng trách nhiệm chung của tất cả mọi người trong vấn đề toàn cầu, gắn lợi ích của mình trong lợi ích toàn cầu, nhưng cũng cần hiểu rõ ai là thủ phạm chính gây ra các vấn đề toàn cầu và phải tháo gỡ từ đó. Rõ ràng là chủ nghĩa tư bản phải chịu trách nhiệm chính trong nhiều vấn đề nóng bỏng của toàn cầu hiện nay.
Vấn đề toàn cầu còn là khoảng cách chênh lệch giữa mức sống xa xỉ với sự bần hàn, và tình hình sẽ càng trầm trọng hơn bởi chính sự vô trách nhiệm của các nước phát triển phương Tây và của giai cấp những người giàu có.
Thái độ "sống chết mặc bay " vẫn là phổ biến trong hành vi cư xử thời hiện đại của những kẻ say lợi nhuận. Người ta ra sức sản xuất thêm để thu lợi, người ta hiểu và ra sức làm sạch nơi họ sống, nhưng rồi toàn bộ độc hại, rác rưởi lại chở tới các nước châu Phi. Hiểm họa của những độc chất phế thải này làm cho thế hệ hôm nay và cả thế hệ mai sau của một số nước nghèo phải gánh chịu.
Con người đang đứng trước hàng loạt vấn đề gay gắt mang tính toàn cầu. Những vấn đề đó đang tồn tại và có xu hướng gia tăng về số lượng, quy mô và mức độ. Tổng thể các vấn đề toàn cầu bao gồm một số dạng thức: Các vấn đề có liên quan đến việc khắc phục những mâu thuẫn trong các quan hệ quốc gia, dân tộc như các vấn đề lợi ích kinh tế, vấn đề lãnh thổ, quân sự, chính trị vấn đề đấu tranh ngăn chặn chiến tranh hạt nhân, bảo vệ hòa bình khắc phục tình trạng lạc hậu ở các nước đang phát triển, thiết lập trật tự kinh tế thế giới mới; những vấn đề và những mâu thuẫn giữa các hành vi của con người đối với tự nhiên, môi trường sinh thái: “Nền văn minh đang bị khủng hoảng, nền văn minh đang nức nở", người ta gọi vấn đề toàn cầu bằng các thuật ngữ như thế.
Sự khủng hoảng đó, những vấn đề toàn cầu đó đặt ra câu hỏi nghiêm túc cho cả loài người. Khả năng tiếp tục tiến lên một cách tự phát như hôm nay, mạnh ai nấy làm như hôm nay hoặc như hôm qua sẽ đưa nhân loại đi tới vực thẳm. Bởi vì có những vấn đề toàn nhân loại nếu không được giải quyết một cách căn bản và triệt để thì mọi thứ khác trên trái đất này sẽ trở thành vô nghĩa. Giả dụ như các nhà máy điện hạt nhân, các khu vũ khí hạt nhân không được quản lý chặt chẽ mà bị nổ tung thì sự sống của toàn thế giới, không kể ai đều bị đe dọa.
Thế giới đang gióng lên những tiếng chuông cảnh báo toàn cầu. Lối thoát chỉ có thể là tìm kiếm những con đường có tính chất đối sách của tiến bộ xã hội một cách hợp lý. Các quốc gia, các dân tộc cần phát triển, cần có chiến lược phát triển cho mình, nhưng cũng cần dành ưu tiên nhất định cho toàn nhân loại.