Giành giật ‘miếng bánh’ bán lẻ tại Việt Nam: Nhiều đại gia ngoại tiếp tục ‘hụt hơi’
(DNTO) - Thị trường bán lẻ Việt Nam được xem là mảnh đất màu mỡ nhưng cũng không kém phần khốc liệt, khi sự tham gia của các đại gia ngoại ngày càng đông đảo, cùng sự lớn lên của các doanh nghiệp nội, nên các khoản lỗ của các tay chơi tiếp tục dày thêm.
Đua nhau “bành trướng”
Trong năm 2021, giữa lúc đại dịch căng thẳng, đại gia bán lẻ đến từ Thái Lan - Central Retail vẫn mở rộng thêm 3 trung tâm thương mại và đại siêu thị mới, tại Thái Nguyên, Bà Rịa – Vũng Tàu, Thái Bình. Tuy nhiên, đây mới chỉ là bước khởi động cho tham vọng đầu tư 1,1 tỷ USD để mở rộng 300 trung tâm thương mại, đại siêu thị, siêu thị tại 55 tỉnh, thành phố Việt Nam, được Central Retail công bố từ tháng 4/2021.
Có mặt từ Việt Nam vào năm 2009, Central Retail đã trở thành một trong những nhà bán lẻ đa lĩnh vực có vốn đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam, với hơn 290 cửa hàng, 38 trung tâm thương mại có tổng diện tích bán lẻ hơn 1 triệu m2 tại 39 tỉnh thành.
Cũng với mục tiêu đa dạng hóa hệ sinh thái kinh doanh bán lẻ, AEON có kế hoạch mở khoảng 100 siêu thị MaxValu, với diện tích sàn từ 500m2 trở lên tại Việt Nam cho đến 2025.
Trong buổi làm việc với Bộ Công thương hôm qua, 7/1, ông Furusawa Yasuyuki - Tổng giám đốc Công ty TNHH Aeon Việt Nam cho biết sẽ triển khai thêm siêu thị, trung tâm bán lẻ cũng như quan tâm phát triển thương mại điện tử nhằm giúp có thêm nhiều mô hình tiếp cận hàng hoá tại thị trường Việt Nam.
Đại gia bán lẻ đến từ Nhật Bản cũng coi Việt Nam là thị trường chiến lược nước ngoài quan trọng nhất của mình, vì vậy, để cạnh tranh với Masan và Central Retail, AEON cũng có kế hoạch tăng thêm 10 trung tâm mua sắm tại Việt Nam cho đến năm 2025.
Bước vào Việt Nam sớm hơn các tay chơi khác, từ những năm 2002, MM Mega Market vẫn luôn kiên định với chiến lược phát triển bền vững và gắn bó lâu dài tại Việt Nam. Đại gia này hiện đang sở hữu 21 trung tâm bán sỉ, siêu thị, 5 khu cung ứng hàng hóa, 2 kho trung chuyển và cho biết sẽ tiếp tục mở rộng mô hình ở các tỉnh thành và đầu tư vào chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.
Việt Nam đứng thứ 6 trong nhóm 30 quốc gia có tiềm năng và mức độ hấp dẫn đầu tư trong lĩnh vực bán lẻ toàn cầu trong vài năm trở lại đây, theo báo cáo của Deloitte. Bên cạnh mô hình trung tâm mua sắm lớn là khu vực tiềm năng để đầu tư, khai thác, thị trường bán lẻ Việt Nam với quy mô dân số 100 triệu dân, mức tăng 2% mỗi năm, cơ cấu dân số trẻ, lượng người thường xuyên mua sắm tại các kênh bán lẻ hiện đại chiếm tới khoảng 50%... đang tạo nên sức hấp dẫn cho các đại gia bán lẻ trong và ngoài nước.
Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương), cũng cho biết, trong thời gian tới, Bộ Công thương tiếp tục triển khai các đề án nhằm đa dạng hóa loại hình hạ tầng thương mại, kết hợp giữa thương mại truyền thống và hiện đại, phù hợp với từng địa phương. Trong đó, các hình thức đầu tư trong và ngoài nước được khuyến khích, nhằm góp phần thúc đẩy phát triển thị trường trong nước.
“Gồng mình” chịu lỗ
Tuy vậy, “miếng bánh” thị phần bán lẻ Việt Nam dù đầy tiềm năng nhưng không dễ nuốt. Khác với sự bành trướng của một số cái tên kể trên, nhiều đại gia bán lẻ ngoại đã tỏ rõ sự yếu kém khi nhập cuộc.
Sau 11 năm bước chân vào Việt Nam với 14 siêu thị, Lotte Mart hiện đã ghi nhận khoản lỗ lên tới 1,69 triệu USD, theo KoreaTimes. Không phải chỉ riêng trong giai đoạn dịch bệnh, mà ngay cả giai đoạn 2017-2019, khoản lỗ của Lotte Mart Việt Nam đã lên tới 230 tỷ đồng đến 325 tỷ đồng. Đầu tháng 7/2021, Lotte Mart Đống Đa, siêu thị lớn nhất tại Hà Nội với quy mô lên tới 20.000 m2 đã buộc đóng cửa sau hơn 7 năm hoạt động.
Cùng cảnh ngộ với Lotte Mart, GS Retail, một đại gia bán lẻ khác của Hàn Quốc đang điều hành chuỗi cửa hàng tiện lợi GS25, ghi nhận khoản lỗ ròng liên tục tăng, từ 1,66 triệu USD (2018) lên 5 triệu USD (hiện nay).
Chuỗi siêu thị E-mart thuộc sở hữu nhà bán lẻ lớn nhất Hàn Quốc Shinsegae cũng buộc phải bán cổ phần cho Thaco, chỉ nhận phí bản quyền, sau hơn 7 năm vào Việt Nam.
Bên cạnh sự bành trướng của các đối thủ cùng với sự nổi lên của nhiều doanh nghiệp bán lẻ nội địa như Saigon Co.op, Bách Hóa Xanh, WinCommerce… nhiều đại gia ngoại đang tỏ ra khá chậm chạp trong cuộc đua bán lẻ, do hoặc là tiếp tục "gồng mình" chịu lỗ, hoặc là lầm lũi rút lui khỏi thị trường.
Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cũng cho biết, Bộ này sẽ tiếp tục tập trung hỗ trợ hình thành các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực phân phối, với mục tiêu chuyển dịch sang các loại hình phân phối hiện đại như siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi.
Điều này tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phân phối phát triển nhưng cũng càng làm nóng hơn cuộc đua giành giật thị phần bán lẻ Việt Nam, tạo sức ép cạnh tranh ngày càng lớn cho cả doanh nghiệp nội và ngoại. Trong cuộc đua này sẽ chứng kiến sự bứt tốc của các doanh nghiệp biết nắm bắt thời cơ, chuyển dịch cơ cấu để thu hút người tiêu dùng.