Bức tranh bán lẻ đầu năm 2022: Chật vật để ‘vẽ’ lại các ‘gam màu’ sáng
(DNTO) - Theo chuyên gia, Việt Nam vẫn nằm trong nhóm các nước đang trong giai đoạn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid- 19, phải mất từ 9 -12 tháng mới có thể phục hồi. Do vậy, ngành bán lẻ năm 2022 vẫn cần lực đẩy rất lớn.
Mua vì “cần”, không vì “muốn”
Kể từ đầu năm 2021, khi đại dịch Covid- 19 trở lại và bùng phát trên diện rộng, “túi” chi tiêu của gia đình chị Nguyễn Phương Lan (Ba Đình, Hà Nội) buộc phải thay đổi cơ cấu. Những khoản chi tiêu phục vụ cho sở thích như thời trang, du lịch, vui chơi giải trí bị cắt giảm triệt để, nhường lại cho những nhu cầu chi tiêu cơ bản.
“Cả 2 vợ chồng là người lao động chính trong nhà đều bị giảm lương, giảm thưởng nên buộc phải cắt giảm chi tiêu, bởi dịch Covid-19 cũng không biết đến khi nào, nhỡ bùng phát trở lại còn có nguy cơ mất việc làm”, chị Lan tâm sự.
Việc thắt chặt chi tiêu của gia đình chị Lan cũng là câu chuyện chung của hàng triệu hộ gia đình Việt trong đại dịch. Gần một nửa hộ gia đình đã bị giảm thu nhập vào năm 2021, 20% các gia đình giảm ít nhất 20% so với mức lương trước đây, theo khảo sát mới nhất của YouGov - công ty nghiên cứu và phân tích dữ liệu quốc tế.
Trước bối cảnh đó, người dân thận trọng hơn khi tiêu dùng cũng như lập kế hoạch tài chính. 28% người tiêu dùng Việt tăng mức tiết kiệm và giảm chi tiêu khôngthiết yếu trong đại dịch, đứng đầu trong khu vực Đông Nam Á. Hơn 53% người tiêu dùng cắt giảm các khoản không thiết yếu trong 6 tháng qua. Trong khi đó, 80% dự định tiếp tục cắt giảm trong tương lai.
Đại dịch Covid-19 đã mang đến những nỗi lo cả vô hình, cả hữu hình đến cho người tiêu dùng Việt Nam. Theo GSO, hiện chỉ số tự tin của người tiêu dùng Việt Nam ở ngưỡng 105 điểm, giảm liên tục trong vòng 3 quý kể từ đầu năm 2021 và thấp hơn ngưỡng châu Á – Thái Bình Dương là 126 điểm. Đây là một chỉ số khá thấp, chỉ trên ngưỡng trung bình, mức 100 điểm.
Chỉ số tự tin của người tiêu dùng giảm 3 quý liên tục chứng minh người tiêu dùng có tâm lý không thoải mái khi chi tiêu, điều này tác động trực tiếp đến hành vi mua sắm các mặt hàng thiết yếu của người dân.
Mất 9-12 tháng để quay trở lại
Ông Lê Hoàng Long, Giám đốc cấp cao của Nielsen phân tích, có 3 trạng thái tiêu dùng gồm bị ảnh hưởng, tái khởi động và phục hồi. Hiện Việt Nam vẫn đang ở giai đoạn bị ảnh hưởng, chưa bước vào giai đoạn tái khởi động.
Quý 2/2021 so với cùng kì năm 2019, mức độ tiêu dùng ngành tiêu dùng nhanh FMCG vẫn đang ở mức -9%, cùng với Thái Lan và Hồng Kong. Trong khi đó các nước như Philipines, Indonesia, Malaysia đang trong trạng thái tái khởi động.
Cũng theo Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương, cuối năm 2021, nhiều hoạt động kích cầu tiêu dùng, tháng khuyến mại tập trung, ngày mua sắm black friday đã được tổ chức tại nhiều địa phương, tuy nhiên do ảnh hưởng của dịch bệnh, việc làm giảm, thu nhập giảm nên nhu cầu mua sắm chưa thể tăng trở lại như những năm trước khi có dịch.
Trước đại dịch, doanh thu bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng Việt Nam luôn tăng trên 10%. Nhưng bước sang năm 2021, số doanh thu bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng 11 tháng lại giảm tới 8,7% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá giảm 10,4% (cùng kỳ năm 2020 giảm 3,8%).
Dù giá nguyên vật liệu đầu vào trong năm 2021 liên tục tăng “phi mã”, nhưng do sức mua thấp nên chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cũng tăng rất thấp. Vì vậy, để kích cầu thị trường trong nước - một trong 3 trụ cột của nền kinh tế, trong thời gian tới cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.
Theo TS.Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia ngân hàng, các gói hỗ trợ trực tiếp thời gian tới chỉ nên ưu tiên hỗ trợ cho người lao động. Còn riêng với doanh nghiệp, ngoài gói hỗ trợ lãi suất, cần nguồn lực tài chính trực tiếp từ ngân sách để bảo lãnh cho vay với doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Điều này đặt trách nhiệm lên vai các cơ quan xây dựng các gói kích cầu kinh tế, làm sao để việc kích cầu phải đúng và trúng, để tiền chảy vào khu vực sản xuất, tiêu dùng thay vì vào các thị trường nặng tính đầu cơ như chứng khoán, bất động sản.