Giai đoạn 2021-2025: Mục tiêu 100% người dân và các đảo có điện
(DNTO) - Khoảng 153.911 hộ dân và nhiều đảo, thôn đảo sẽ được bổ sung cấp điện lưới quốc gia hoặc các nguồn điện năng lượng tái tạo trong giai đoạn 2021-2025.
Số liệu từ Hội nghị Tổng kết Chương trình mục tiêu cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo giai đoạn 2016 – 2020 của Bộ Công thương, sáng 14/1 cho thấy, chương trình điện khí hóa nông thôn giúp gia tăng tỷ lệ các hộ gia đình có điện, từ 2,5% (năm 1975) lên tới 96% (năm 2009). Nếu tính cả thành thị và nông thôn, tỉ lệ hộ gia đình có điện đạt 99,53% (năm 2019).
Hiện Việt Nam đã hoàn thành cấp điện cho 17 triệu hộ dân nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Tại khu vực nông thôn, tỷ lệ số hộ dân được sử dụng điện tính đến hết năm 2019 đạt 99,26%; chỉ còn khoảng 0,74% số hộ dân nông thôn chưa được cấp điện.
Giai đoạn 2021-2025, chương trình mục tiêu cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo sẽ triển khai cấp điện cho khoảng 871.263 hộ dân (trong đó, khoảng 153.911 hộ dân, chiếm tỷ lệ 0,74% chưa có điện; 717.352 hộ dân có điện nhưng cấp điện không ổn định, liên tục) của 6.811 thôn bản trên địa bàn 2.197 xã; cấp điện 2.638 trạm bơm quy mô vừa và nhỏ tại 13 tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long kết hợp cấp điện cho nhân dân.
Chương trình đề xuất bổ sung cấp điện lưới quốc gia hoặc các nguồn điện năng lượng tái tạo cho các đảo còn lại như đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị); Thổ Chu, An Sơn và Nam Du ( Kiên Giang); các thôn đảo: Ninh Tân, Ninh Đảo, Điệp Sơn, Bích Đầm (Khánh Hòa); cấp điện lưới cho Côn Đảo (Bà Rịa – Vũng Tàu).
Nhu cầu vốn đầu tư cấp điện giai đoạn 2021-2025 là 25.884 tỷ đồng. Ngân sách nhà nước cấp tối đa 85% tổng vốn đầu tư; các địa phương và các đơn vị thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam tự thu xếp tối thiểu 15% tổng số vốn đầu tư. Ngoài ra, sẽ huy động vốn xã hội hóa bằng cơ chế chính sách, ưu đãi đầu tư nguồn năng lượng tái tạo tại chỗ thực hiện đồng thời cấp điện cho nhân dân và bán điện dư thừa và lưới điện quốc gia.
Chia sẻ trong Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công thương Đặng Hoàng An nhấn mạnh, chương trình cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo của Việt Nam không chỉ góp phần xóa đói giảm nghèo mà còn đóng góp vào phát triển bền vững cho khu vực nông thôn, miền núi, hải đảo.
“Đưa điện về nông thôn giúp người dân thay đổi cơ cấu cây trồng, thay đổi quy mô và tập quán canh tác, chăn nuôi, tăng năng suất trồng trọt, và chế biến nông lâm sản, nâng cao thu nhập; điện cũng giúp các làng nghề truyền thống sử dụng công cụ máy móc thay thế sức người, phát huy sản phẩm cổ truyền và mở rộng ngành nghề mới”, thứ trưởng Đặng Hoàng An nhấn mạnh.