Giá heo hơi 'chìm sâu' dưới đáy: Nguy cơ thiếu heo hơi từ quý 3 đến cuối năm

(DNTO) - Từ đầu năm đến nay, giá heo hơi xuống thấp ở mức kỷ lục, nhiều địa phương chỉ còn giá 46.000 – 49.000 đồng/kg khiến người chăn nuôi kiệt sức vì thua lỗ. Nếu không có chính sách tháo gỡ kịp thời, người dân không tái đàn, nguy cơ khủng hoảng thiếu và giá heo hơi sẽ tăng đột biết thời gian tới là điều rất dễ xảy ra.

Nhu cầu tiêu dùng sụt giảm mạnh khiến giá heo trong nước liên tục xuống thấp. Ảnh: TL.
Nguy cơ khủng hoảng thiếu, giá tăng đột biến
Thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, giá thịt heo hơi cả nước tiếp tục giảm xuống dưới 50.000 đồng/kg trong tháng 2 và nửa đầu tháng 3/2023 do mức tiêu thụ thấp, trong khi nguồn cung dồi dào.
Cụ thể, tại khu vực miền Bắc, heo hơi xuất chuồng giảm về mức 49.000 - 51.000 đồng/kg, miền Trung và Tây Nguyên dao động 48.000 - 53.000 đồng/kg. Còn miền Nam ở mức 51.000 - 53.000 đồng/kg.
Đi sâu vào thực chất, giá heo hơi trung bình từ 75.000-80.000đ/kg, nay là giữa tháng 3/2023 chỉ còn 48.000-49.000đ/kg, tức giảm đến 35-37%. Trước xu hướng giảm giá của thịt heo, Bộ NN&PTNT, Bộ Công thương và các địa phương đang có những chỉ đạo nhằm từng bước nâng giá bán cho người chăn nuôi đỡ thiệt thòi, khi mà giá thành chăn nuôi nhỏ lẻ là 57.000-58.000đ/kg heo hơi, đồng nghĩa với việc cứ bán 1 con heo thì bị lỗ xấp xỉ 1 triệu đồng.
Ông Nguyễn Thế Chinh, Trưởng ban quản lý chợ đầu mối gia súc gia cầm Hà Nam cho biết, giá heo hơi hiện "chìm sâu" dưới đáy, trong khi chi phí đầu vào trong chăn nuôi dội lên rất cao. Điều này khiến người chăn nuôi càng nuôi nhiều càng thua lỗ nhiều.
Nguyên nhân được cho rằng, thời điểm này, nhiều khu công nghiệp trong cả nước đều giảm lượng công nhân nên nhu cầu tiêu thụ heo hơi thấp dẫ đến giá heo giảm và ế ẩm.
“Gần 3 tháng nay, số lượng heo hơi mỗi ngày buôn bán, tiêu thụ qua chợ đầu mối trung bình chỉ từ 7- 10 xe, tương đương từ 1.000 – 1.800 con, giảm khoảng 40% so với thời điểm trước Tết nguyên đán”, ông Chinh nói.
Trong giai đoạn hiện nay sức mua mặt hàng thịt heo và các mặt hàng tiêu dùng khác đều có xu hướng giảm 20-30% so với trước, để kích cầu, cuộc đua giảm giá heo lẻ ở các chợ dân sinh đã đồng loạt diễn ra.
Đơn cử, thịt ba chỉ rút xương giá cũ ở các chợ là 150.000-160.000đ/kg nay hạ xuống chỉ còn 120.000-130.000/kg, nạc vai còn 90.000 đồng/kg so với trước là 110.000 - 115.000 đồng/kg...
Tuy nhiên, điều đáng nói, ở kênh phân phối lớn như siêu thị, trung tâm thương mại, công ty lớn chuyên về giết mổ và phân phối thịt heo vẫn chậm giảm giá, hoặc có giảm cũng chỉ trong thời gian ngắn..., trong khi ước tính chênh lệch giảm giá, khuyến mại của hệ thống phân phối lớn nói trên bình quân từ 65.000-120.000đ/kg thịt ba chỉ rút xương... Đây là mức giá cao hơn các chợ dân sinh từ 40-60% (đã trừ yếu tố 10% VAT cho siêu thị).
Trao đổi với Doanh Nhân Trẻ về vấn đề này, ông Vũ Vinh Phú, nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại, nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội, cho rằng, nếu trừ đi yếu tố chi phí lưu thông cao ở siêu thị và thuế VAT thì giá bán lẻ khá nhiều mặt hàng ở kênh này vẫn cao hơn kênh truyền thống, điều này ngược với giá bán lẻ hàng hóa ở nước ngoài là: Siêu thị hầu hết có giá thấp hơn ở chợ dân sinh bởi sức mạnh về vốn, thương hiệu về chuỗi phân phối lớn trên toàn cầu khi làm việc với các nhà cung ứng.
Bày tỏ lo ngại trước việc giá heo hơi xuống thấp, vì thua lỗ kéo dài dẫn đến cụt vốn, người chăn nuôi sẽ không tái đàn hoặc hạn chế tái đàn. Ông Phú nhấn mạnh, điều này sẽ dẫn đến nguy cơ khủng hoảng thiếu heo hơi trong thời gian từ quý 3 đến cuối năm.

Chuyên gia Vũ Vinh Phú cho rằng kênh phân phối lớn vẫn chưa thật sự công bằng với người tiêu dùng. Ảnh: TL.
Những việc cần làm ngay
Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho rằng, trong lúc sức mua hàng hóa của xã hội chưa được hồi phục sau 2 năm đại dịch, Chính phủ và các bộ ngành doanh nghiệp, người tiêu dùng đang tìm mọi cách để vượt qua, thì giá cả của thịt heo lại có những điểm vô lý, kênh phân phối lớn vẫn chưa thật sự công bằng với người tiêu dùng, chưa trả lại cho người tiêu dùng giá trị thực của miếng thịt. Do đó, cần phải khắc phục sớm, để kích thích sức mua xã hội từ nay đến cuối năm.
Cụ thể, ông Phú cho rằng, phải tiếp tục thúc đẩy sản xuất với số lượng và chất lượng ngày càng cao bằng cách hỗ trợ người chăn nuôi vay vốn, giảm thuế nhập khẩu các sản phẩm chế biến thức ăn gia súc...
"Tổ chức tốt hệ thống phân phối quốc gia, thiết lập sớm các chuỗi cung ứng ngắn đi thẳng từ sản xuất đến bán lẻ, giảm trung gian, chi phí không cần thiết xây dựng các tập đoàn bán lẻ làm ăn tử tế, có tính chia sẻ với nhà cung ứng, các hợp tác xã, nông dân có hàng hóa nông sản đưa vào các kênh phân phối", ông Phú nhận định.
Phân tích cụ thể, ông Phú chỉ rõ: Lợi ích giữa các khâu trong chuỗi sản xuất phân phối hiện nay đang lỏng lẻo, do đó, việc liên kết chặt chẽ giữa sản xuất, nhập khẩu và hệ thống bán lẻ cần đảm bảo hài hòa. Kiểm soát chặt thị trường, chống đầu cơ, tăng giá và bán giá quá bất hợp lý so với thực tế từng thời kì, nhất là các hàng hóa thiết yếu như lương thực thực phẩm đặc biệt là mặt hàng thịt heo luôn luôn chiếm từ 60-70% trong cơ cấu bữa ăn của từng gia đình Việt Nam.
Đồng thời nhấn mạnh, phải kiểm soát thị trường hiệu quả, chống buôn lậu, gian lận thương mại, trốn thuế cả bán hàng trực tiếp và bán hàng online. Phát huy vai trò khách quan, công tâm của các hiệp hội bán lẻ, cục quản lý cạnh tranh, hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam trước những việc làm chưa đúng mức bị dư luận phê phán nhiều năm nay trong việc tổ chức nguồn hàng, bán ra phục vụ tiêu dùng...