Gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất: Liều thuốc quý giúp doanh nghiệp 'hồi sức'
(DNTO) - Theo các chuyên gia, để hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng Covid-19, bên cạnh việc gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất theo Nghị định 52, cơ quan tài chính cần tư vấn cho Chính phủ miễn giảm thuế, hoặc miễn thuế VAT cho doanh nghiệp sản xuất vật tư phòng, chống dịch giúp giảm gánh nặng cho họ.
Doanh nghiệp kỳ vọng có gói chính sách chung đồng bộ
Tại cuộc tọa đàm "Tạo thuận lợi cho doanh nghiệp được gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất", diễn ra ngày 17/6, nhằm cung cấp thông tin về những vấn đề xung quanh việc triển khai Nghị định 52 của Chính phủ sau gần 2 tháng nghị định đi vào cuộc sống, ông Phan Đức Hiếu - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đánh giá Nghị định 52 giúp doanh nghiệp có dòng tiền để họ có thời gian sử dụng hiệu quả nhất nhằm cầm cự, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.
Bên cạnh đó, đa số doanh nghiệp cho rằng chính sách giãn, hoãn này tác động hữu ích đối với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, tạo ra cơ cấu dòng tiền, tạo thêm năng lực cho họ "cầm cự" trong thời gian tạm ngừng sản xuất kinh doanh.
Tuy nhiên, theo ông Hiếu, khi thực thi, doanh nghiệp vẫn còn những băn khoăn. Đó là việc doanh nghiệp phải ý thức rõ đây là tạm lùi thời gian nộp thuế, không phải miễn giảm nên việc cộng dồn các nghĩa vụ cùng lúc vào cuối năm 2021 có thể là khó khăn về dòng tiền, đòi hỏi doanh nghiệp phải có chiến lược rõ ràng trong hoạt động kinh doanh.
“Những chính sách của Nghị định 52 có tác động tích cực, song chưa phải là tất cả. Doanh nghiệp kỳ vọng có một gói chính sách chung đồng bộ để mở rộng nhiều đối tượng thụ hưởng hơn. Chẳng hạn có những doanh nghiệp không phát sinh thuế GTGT, thuế thu nhập doanh nghiệp hay tiền thuê đất đã đóng một lần hoặc hàng năm…” - ông Hiếu nói.
Từ phía cộng đồng doanh nghiệp vừa và nhỏ, ông Tô Hoài Nam - Phó chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) cho biết, những chính sách ưu đãi về thuế luôn được cộng đồng doanh nghiệp ưa thích, mong muốn, do đó, chọn chính sách hỗ trợ thuế là một hướng đi đúng.
Để các chính sách này được phát huy hiệu quả đến doanh nghiệp, hiệp hội đã chú trọng tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn. Trong đó đã khuyến cáo doanh nghiệp việc xin hoãn, giãn thuế chỉ là trong một thời gian nhất định, do đó, họ phải có chiến lược phù hợp khi đề nghị áp dụng chính sách này.
“Liên quan đến Nghị định 52, phía hiệp hội chúng tôi có đề nghị kéo dài thời gian trong việc kê khai thêm 6 tháng, theo đó, thời gian nộp thuế tương ứng thời gian kéo dài thời gian kê khai sẽ gỡ khó rất nhiều cho doanh nghiệp” - ông Nam nói.
Cần có chính sách đáp ứng mọi chủ thể trong xã hội
Nói lên tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp, ông Nam thẳng thắn bày tỏ: “Chúng tôi kiến nghị, khi xây dựng chính sách thì các nhà làm chính sách phải quan tâm đến tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp. Có thể có chính sách hợp với cơ quan quản lý, nhưng lại không hợp với cộng đồng kinh doanh. Vì vậy, cần phải nghe hết, nghe thẳng, tranh luận tận cùng thì sẽ có chính sách đáp ứng mọi chủ thể khác nhau trong xã hội”.
Về phần mình, ông Phan Đức Hiếu cho hay, nếu chính sách tốt mà không triển khai được thì mục tiêu của chính sách bị hạn chế. Đối với Nghị định 52, doanh nghiệp phải suy nghĩ kỹ lưỡng về vấn đề này, họ phải xem việc gia hạn nộp thuế là một phần của chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp. Theo đó, hiệp hội doanh nghiệp phải hỗ trợ nhiều để doanh nghiệp đưa ra quyết định chính xác.
Ngoài ra, cũng theo ông Hiếu, cơ quan thuế cũng nên hỗ trợ về mặt chuyên môn để biết doanh nghiệp có xác định đúng đối tượng hay không nhằm giảm thiểu rủi ro pháp lý.
“Cuối cùng, phải đặt tư duy ta đang làm tốt rồi thì liệu có thể làm tốt hơn không. Cơ quan tài chính phải tư vấn cho Chính phủ nên miễn giảm thuế để giảm gánh nặng cho doanh nghiệp. Hoặc miễn thuế VAT cho các doanh nghiệp sản xuất vật tư phòng, chống dịch để gỡ khó cho họ” - ông Hiếu nêu giải pháp.