Giá dầu giảm làm tăng lo ngại nền kinh tế rơi vào suy thoái
(DNTO) - Hai trong số ba chỉ số chứng khoán chính của Mỹ đóng cửa cao hơn sau khi thị trường phục hồi vào cuối ngày, trong khi giá dầu giảm khiến nhà đầu tư lo ngại tăng trưởng kinh tế chậm lại có thể hạn chế tiêu thụ năng lượng.
S&P 500 tăng 0,2%, tương đương 6,06 điểm, lên 3831,39 sau khi thị trường chứng khoán và trái phiếu Hoa Kỳ đóng cửa nghỉ lễ Ngày Độc lập (4/7). Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones mất 0,4%, tương đương 129,44 điểm, đóng cửa ở mức 30967,82. Nasdaq Composite tập trung vào công nghệ đã giảm các khoản lỗ trước đó để tăng 1,7%, tương đương 194,39 điểm, lên 11322,24.
Giá cổ phiếu giảm trong phần lớn thời gian trong phiên sáng thứ Ba trước khi tăng vào phiên giao dịch buổi chiều. S&P và Dow Jones lần lượt giảm xuống mức thấp nhất là 2,2% và 2,4%.
Dầu thô Brent, tiêu chuẩn dầu quốc tế, giảm 9,5%, tương đương 10,73 USD, xuống 102,77 USD/thùng, giảm so với hơn 120 USD/ thùng một tháng trước đây. West Texas Intermediate, tiêu chuẩn Hoa Kỳ, đã giảm hơn 8%, tương đương 8,93 USD, xuống 99,50 USD, lần đầu tiên giảm xuống dưới 100 USD kể từ tháng Năm. Cả hai đều ghi nhận mức giảm lớn nhất trong ngày kể từ tháng Ba.
Nhu cầu về nhiên liệu thường giảm cùng với sự suy giảm trong tăng trưởng kinh tế do người tiêu dùng cắt giảm những chuyến đi và chi tiêu. Theo Matt Miskin, đồng trưởng chiến lược gia đầu tư tại John Hancock Investment Management: “Giá dầu đang bắt đầu phản ánh nguy cơ suy thoái lớn hơn nhiều”.
Giá dầu tăng do hậu quả từ cuộc chiến Nga-Ukraine đè nặng lên nguồn cung toàn cầu. Trong thời gian gần đây, giá ít biến động hơn nhưng vẫn trên mức 80 USD so với đầu năm.
Lịch sử cho thấy, thị trường chứng khoán Mỹ có xu hướng hoạt động tốt trong tháng Bảy, nhưng năm nay các nhà đầu tư đang chuẩn bị tinh thần cho những “nỗi đau” lớn hơn ở phía trước. Tình trạng lạm phát cứng đầu đã buộc các ngân hàng trung ương trên thế giới phải mạnh tay thắt chặt chính sách tiền tệ. Dữ liệu kinh tế cho thấy sự sụt giảm trong các chỉ số từ sản lượng nhà máy đến chi tiêu bán lẻ đã làm trầm trọng thêm lo ngại rằng nền kinh tế Mỹ có khả năng rơi vào suy thoái.
Giá vàng giảm 1,9%, trong khi chỉ số WSJ Dollar Index, đo lường đồng bạc xanh (đồng đô la) so với rổ 16 loại tiền tệ, tăng khoảng 1%.
Ngược lại, đồng euro giảm khoảng 1,5%, xuống mức thấp nhất gần 20 năm do lo ngại rằng khu vực đồng euro có thể sắp xảy ra một cú sốc năng lượng khiến đẩy khối này vào suy thoái. Đồng euro gần đây đã giao dịch ở mức 1,0266 USD, đặt trong khoảng cách ấn tượng có thể đạt mức ngang bằng với đồng đô la Mỹ.
Đầu ngày thứ Ba, các báo cáo cho rằng Tổng thống Biden dự kiến sẽ giảm bớt một số thuế quan đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc khiến thị trường có phần giảm nhẹ, sau đó đẩy giá tương lai tăng cao hơn trong giao dịch tiền thị trường (premarket) với hy vọng có thể kiềm chế lạm phát. Nhưng càng về cuối ngày, áp lực bán ngày càng gia tăng.
Ở những thị trường khác, sự biến động đã lan rộng. Giá khí đốt của châu Âu tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 3 khi công nhân dầu mỏ ở Na Uy đình công, làm giảm sản lượng từ nhà cung cấp khí đốt lớn thứ hai của châu Âu sau Nga vào thời điểm thị trường năng lượng đã bị siết chặt.
Trong khi đó, trên thị trường trái phiếu, lợi suất trên trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm chuẩn giảm xuống 2,808%, từ mức 2,901% hôm thứ Sáu.
Các nhà đầu tư trong tuần này đang chờ đợi bản báo cáo việc làm tháng 6 được công bố vào thứ Sáu tới, báo cáo này sẽ làm sáng tỏ quỹ đạo của nền kinh tế Hoa Kỳ. Cho đến nay, thị trường việc làm không có dấu hiệu chững lại — đây là một dấu hiệu đáng khích lệ cho nền kinh tế — ngay cả khi các dữ liệu khác trong những tuần gần đây chỉ ra sự suy thoái kinh tế.
Các nhà đầu tư có thể thất vọng trong tháng này khi các công ty lớn bắt đầu báo cáo kết quả kinh doanh quý II.
Các nhà quản lý tiền tệ và chiến lược gia cũng sẽ theo dõi những diễn biến xung quanh kế hoạch thuế quan của chính quyền Biden, tác động của nó đối với lạm phát và nền kinh tế. Hôm thứ Ba, Phó Thủ tướng Trung Quốc Liu He và Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Janet Yellen đã nói chuyện qua hội nghị truyền hình về các chủ đề bao gồm thuế quan, đánh dấu lần đầu tiên hai nhà hoạch định chính sách nói chuyện với nhau kể từ tháng 10/2021.
Các nhà kinh tế cho rằng việc dỡ bỏ thuế quan của Trung Quốc không có khả năng tác động mạnh đến lạm phát. Bất kỳ đợt giảm giá nào cũng không làm thay đổi cơ bản trong mối quan hệ Mỹ-Trung hoặc triển vọng kinh tế của các quốc gia.
Frank Benzimra, người đứng đầu chiến lược cổ phần châu Á tại Société Générale, cho biết: “Quy mô của việc cắt giảm thuế quan có thể không thay đổi cơ bản lạm phát của Hoa Kỳ hoặc triển vọng xuất khẩu của Trung Quốc. Các nhà đầu tư có thể tập trung vào những căng thẳng khác giữa hai nước, chẳng hạn như các hạn chế về xuất khẩu và đầu tư”.
Giành điểm của các lĩnh vực dịch vụ truyền thông, công nghệ thông tin và hàng không thiết yếu trong S&P đã đẩy chỉ số thị trường rộng vào mức xanh trong ngày. Lĩnh vực năng lượng ghi nhận mức giảm lớn nhất so với các lĩnh vực, giảm khoảng 4%.
Cổ phiếu của Ford Motor Co. giảm 1,1%, tương đương 12 cent, xuống 11,20 USD sau khi công ty báo cáo doanh số bán hàng trong tháng 6 giảm 27% so với cùng tháng năm ngoái. Tesla tăng 2,6%, tương đương 17,41 USD, lên 699,20 USD. Nhà sản xuất ô tô điện cho biết hôm thứ Bảy rằng lượng xe giao hàng lần đầu tiên giảm so với quý trước trong hơn hai năm qua sau khi công ty phải tạm thời đóng cửa nhà máy lớn nhất của mình, ở Thượng Hải, vì các hạn chế vì Covid-19.
Ở thị trường châu Âu, Stoxx Europe 600 toàn lục địa đóng cửa giảm 2,1%, mức giảm trong ngày lớn nhất kể từ ngày 16/6. Cổ phiếu của Uniper SE, một trong những công ty tiện ích lớn nhất châu Âu, giảm khoảng 9,5% khi tiếp tục đàm phán cứu trợ với chính phủ Đức trong bối cảnh căng thẳng từ nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên từ Nga đang cạn kiệt.
Tại châu Á, Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông đã thêm 0,1%. Nikkei 225 của Nhật Bản đã tăng 1%.