Đường dây nóng Bộ Tài chính tiếp nhận gần 400 phản ánh về phân phối bảo hiểm qua ngân hàng
(DNTO) - Sau hơn 1 tháng Bộ Tài chính công bố đường dây nóng (số điện thoại, email) tiếp nhận nhanh thông tin phản ánh thắc mắc, kiến nghị của khách hàng về việc phân phối bảo hiểm qua ngân hàng, Bộ đã tiếp nhận được 178 cuộc điện thoại và 218 email của công dân về vấn đề này.
Chiều 30/3, Bộ tài chính đã họp báo thông tin một số kết quả thực hiện nhiệm vụ quý I/2023, nhiều vấn đề nóng được báo chí và dư luận quan tâm đã được giải đáp tại cuộc họp này.
Tại họp báo, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi, cho biết Bộ Tài chính đã tổ chức đoàn thanh tra chuyên đề về phân phối bảo hiểm qua ngân hàng đối với 4 doanh nghiệp bảo hiểm khi có ý kiến phản ánh “bắt tay” với ngân hàng để ép người vay tiền phải mua bảo hiểm, và hiện đang trong quá trình hoàn thiện kết luận thanh tra. Sau khi có kết luận, phát hiện vi phạm sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Trong khi đó, Cục phó Cục Giám sát bảo hiểm Doãn Thanh Tuấn cho biết, sau hơn 1 tháng Bộ Tài chính công bố đường dây nóng (gồm số điện thoại, email) tiếp nhận nhanh thông tin phản ánh thắc mắc, kiến nghị của khách hàng về việc phân phối bảo hiểm qua ngân hàng, Bộ đã tiếp nhận được 178 cuộc điện thoại và 218 email của công dân về vấn đề này.
Thực tế, hoạt động phân phối sản phẩm bảo hiểm qua ngân hàng thời gian qua đã phát triển nhanh chóng và có đóng góp nhất định vào tổng doanh thu của thị trường bảo hiểm Việt Nam (khoảng 20% tổng doanh thu phí của thị trường bảo hiểm nhân thọ và khoảng 14% tổng doanh thu phí của thị trường bảo hiểm phi nhân thọ). Tuy vậy, việc phát triển nhanh dẫn đến phát sinh một số bất cập trong việc quản lý chất lượng dịch vụ bảo hiểm qua kênh ngân.
Để chấn chỉnh tình trạng trên, đại diện Bộ Tài chính cho biết, trong năm 2023, Bộ Tài chính tiếp tục phối hợp với Ngân hàng Nhà nước thực hiện thanh tra, kiểm tra đối với cả doanh nghiệp bảo hiểm và các ngân hàng đối tác phân phối sản phẩm bảo hiểm, tránh hiện tượng ép khách hàng mua bảo hiểm.
Đề xuất đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với game online
Tại cuộc họp báo, đại diện Bộ Tài chính đã giải đáp các vấn đề báo chí đặt ra về đề nghị xây dựng Dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi). Trong đó, một số ý kiến băn khoăn về việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với dịch vụ trò chơi điện tử trực tuyến (game online).
Cụ thể, Dự thảo Luật đề xuất, trò chơi điện tử trực tuyến (game online) là loại hình giải trí gắn với sự phát triển của Internet, có sự tương tác giữa những người chơi với nhau và người chơi với máy chủ của doanh nghiệp qua máy tính cá nhân, máy chơi game, thiết bị di động. Ngoài game online do doanh nghiệp cung cấp trò chơi điện tử trên mạng, người chơi hiện nay cũng có thể chơi các game do tổ chức, cá nhân ở nước ngoài cung cấp qua biên giới vào Việt Nam và thanh toán qua cổng thanh toán, thẻ cào điện thoại, thanh toán trực tiếp qua ngân hàng, thẻ tín dụng.
Trả lời vấn đề này, ông Trương Bá Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế, cho biết Bộ Tài chính đang xin ý kiến về "đề nghị xây dựng Dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi)", chưa phải là dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi). Việc xây dựng đề nghị là theo đúng quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Tại đề nghị này, ông Tuấn cho biết Bộ Tài chính dự kiến sửa đổi một số nhóm nội dung trong Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, xem xét mở rộng cơ sở thuế, củng cố nguồn thu ngân sách. Trong đó, đặt vấn đề bổ sung một số nhóm đối tượng vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
"Bộ Tài chính đánh giá, ngành này có doanh thu lớn, lợi nhuận cao so với loại hình kinh doanh khác, thu hút mọi độ tuổi, đặc biệt là giới trẻ. Do đó, cần thiết nghiên cứu tính thuế tiêu thụ đặc biệt với game online để định hướng tiêu dùng".
Ông Trương Bá Tuấn nhấn mạnh hiện đề nghị này đang xin ý kiến các bộ ngành, địa phương, các bên liên quan để hoàn thiện đề nghị trình Chính phủ, trình Quốc hội bổ sung vào chương trình xây dựng Luật.
Do đó, Bộ Tài chính sẽ tiếp thu ý kiến của các bên liên quan trong quá trình hoàn thiện đề nghị xây dựng Luật. Lãnh đạo Vụ Chính sách thuế cũng nhấn mạnh các chính sách thuế khi đưa ra đều được lấy ý kiến, đánh giá tác động đầy đủ, kỹ lưỡng, thấu đáo.