Quỹ bình ổn xăng dầu 'phình' gấp đôi sau 3 tháng, tăng lên 4.600 tỷ đồng
(DNTO) - Chiều 3/3, Bộ Tài chính đã có thông báo về số dư Quỹ bình ổn xăng dầu (BOG) tính đến hết quý IV/2022, số dư trong quỹ B đạt 4.600 tỷ đồng.
Theo Bộ Tài chính, tính đến hết quý III/2022 (30/9/2022), quỹ BOG có dư khoảng 2.540 tỷ đồng. Đến hết quý IV/2022 (31/12/2022), số dư trong quỹ tăng gần gấp đôi, lên hơn 4.600 tỷ đồng.
Như vậy, trong quý IV/2022, các doanh nghiệp đã trích lập hơn 2.155 tỷ đồng. Trong đó, Tập đoàn xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) là doanh nghiệp trích lập nhiều nhất, với hơn 991 tỷ đồng, tiếp đến là PV Oil trích lập hơn 282 tỷ đồng,...
Theo Bộ Tài chính, tổng số tiền sử dụng quỹ BOG để bình ổn xăng dầu trong quý IV là 79,2 tỷ đồng. Trong đó, Petrolimex chi 27,6 tỷ, PV oil chi 13,3 tỷ đồng,...
Cũng theo báo cáo của Bộ Tài chính, lãi phát sinh trên số dư quỹ BOG là 2 tỷ đồng; lãi vay phát sinh trên số dư quỹ BOG âm trong quý IV/2022 là hơn 1,4 tỷ đồng.
Thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu có trách nhiệm trích lập, chi sử dụng, báo cáo, công khai về quỹ bình ổn giá xăng dầu và quản lý quỹ bình ổn giá xăng dầu theo quy định. Đồng thời, các đầu mối kinh doanh xăng dầu có trách nhiệm lựa chọn, mở tài khoản theo dõi riêng về quỹ bình ổn giá xăng dầu tại ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoạt động hợp pháp tại Việt Nam (ngân hàng); có trách nhiệm thông báo bằng văn bản tên, địa chỉ, thông tin liên lạc của ngân hàng nơi thương nhân đầu mối mở tài khoản quỹ bình ổn giá xăng dầu đến Bộ Tài chính (Cục Quản lý giá), Bộ Công Thương (Vụ Thị trường trong nước) và công bố thông tin theo quy định.
Việc trích lập quỹ bình ổn giá xăng dầu được thực hiện đồng thời với kỳ điều hành giá cơ sở. Quỹ bình ổn giá xăng dầu là quỹ tài chính không nằm trong cân đối ngân sách nhà nước; toàn bộ nguồn trích lập, chi sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu để tham gia điều tiết, hỗ trợ cho mục tiêu bình ổn giá xăng dầu trong nước theo điều hành giá xăng dầu của Bộ Công Thương.