Đừng để tin đồn làm ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán Việt Nam
(DNTO) - Khối lượng đặt mua đặt bán sụt giảm mạnh, thanh khoản lao dốc, doanh nghiệp điêu đứng khi cổ phiếu giảm sàn liên tục. Nhà đầu tư hoang mang khi nhiều tin đồn đua nhau xuất hiện trên thị trường chứng khoán.
Chưa bao giờ chứng khoán lại phải đối mặt với nhiều tin xấu như hiện nay: Lãi suất tăng, tỷ giá đẩy cao, sự thắt chặt từ chính sách tài chính và tiền tệ..., kèm theo là các tin đồn thất thiệt, vị lãnh đạo doanh nghiệp A, B đang bị điều tra, công ty C đang nằm trong hồ sơ theo dõi của công an, rồi hình ảnh đoàn cảnh sát đứng trước cổng một tập đoàn nào đó…
Sau nhiều vụ án liên quan đến lãnh đạo nhiều tập đoàn lớn trước đó, nhà đầu tư đã dễ dãi hơn trong việc tiếp nhận thông tin. Mặc dù không có chứng cứ cụ thể nào, nhưng những thông tin đồn thổi đua nhau xuất hiện trên thị trường chứng khoán cũng khiến họ lo ngại, thậm chí hoang mang và tất nhiên, tác động mạnh đến các quyết định đầu tư của họ.
Phiên giao dịch ngày 26/10, thanh khoản toàn thị trường chưa đến 9 ngàn tỷ đồng, khối lượng đặt mua sụt giảm, VN-Index mất hơn 4 điểm, chỉ còn 993 điểm, giảm nhẹ 0,4% so với phiên hôm qua. Thị trường tiếp tục ghi nhận nhiều mã liên tục nhiều phiên giảm sàn thậm chí có tình trạng bán tháo, đặc biệt là nhiều cổ phiếu bất động sản như DXG, TDH, HDG..., nhóm chứng khoán có VND.
Chứng khoán giảm sâu xuống dưới 1.000 điểm, giá cổ phiếu lao dốc, đặc biệt những biến động thị trường diễn ra nhanh và bất thường hơn khiến nhà đầu tư thậm chí không kịp trở tay. Thời điểm hiện tại có lẽ đã không còn thích hợp với trường phái đầu tư lướt sóng ngắn hạn.
Tâm lý của nhà đầu tư khá bi quan. Từng có phiên như ngày 21/10, lực bán tháo dồn dập áp đảo thị trường khiến VN-Index mất tới 38 điểm. Nhà đầu tư nhỏ lẻ đã không thể gồng được lỗ trong thời gian quá dài. Việc chấp nhận buông bỏ ra khỏi thị trường hoặc ngồi im chờ đợi là điều dễ hiểu.
Hệ lụy trên một phần đến từ những ám ảnh tin đồn. Theo nhiều chuyên gia, các thông tin đồn thổi rỉ tai nhau hoặc trên các hội nhóm trên mạng xã hội, khiến nhiều mã chịu cảnh bán tháo, gây tổn thất cho doanh nghiệp, thậm chí ảnh hưởng đến hoạt động của thị trường chứng khoán.
Không phải các lý do đến từ bên ngoài mà ngay chính các thông tin trong nước đang ảnh hưởng đến thị trường. Báo cáo vĩ mô tích cực, GDP trong nước tăng trưởng tốt, lợi nhuận sau thuế so với cùng kỳ của hơn 500 doanh nghiệp vừa công bố tăng 20,8%... những thông tin tốt không đủ sức nâng đỡ thị trường trước sức ép của tin đồn.
Nhà đầu tư ứng xử ra sao trước tin đồn?
Ngày hôm nay, sau bốn phiên giảm sàn, VNDirect (VND) đã có thông báo đính chính những thông tin lệch lạc bị đồn thổi, nhằm trấn an dư luận và nhà đầu tư. Cách đây ít ngày, Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (NVL) cũng lên tiếng về một văn bản được cắt ghép đưa thông tin sai sự thật về tập đoàn. Rồi nhiều tập đoàn phải lên tiếng về những hình ảnh đâu đó không liên quan bị gán ghép cho họ.
Động thái từ chính các doanh nghiệp có lẽ ít nhiều thuyết phục nhà đầu tư. Nhưng điều nhà đầu tư mong đợi hơn là thông tin chính thống từ phía các cơ quan chức năng. Thông tin càng minh bạch rõ ràng, thị trường càng nhiều cơ hội để phát triển.
Trả lời báo chí, PGS TS. Phạm Thế Anh, Trưởng Bộ môn Kinh tế vĩ mô, Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết, "Sự thiếu thông tin minh bạch cho nhà đầu tư, nhất là trong thời điểm hiện nay chưa có một cơ quan nào đứng ra giải thích hay phủ nhận những tin đồn một cách chính thống, quyết liệt".
Theo ông, việc xử lý tốt vấn đề truyền thông vẫn chưa được cơ quan chức năng coi trọng, trong khi đây là vấn đề quan trọng ảnh hưởng đến thanh khoản toàn hệ thống. Và khi có một sự đứt gãy, đổ vỡ trên thị trường tài chính có thể truyền dẫn và gây ra khủng hoảng kinh tế.
Trong bối cảnh hiện nay, việc nhìn nhận khách quan, không nên đổ đồng cho các mã cổ phiếu trong cùng nhóm ngành là điều mà nhà đầu tư cần nắm rõ.
Ở góc độ của nhà đầu tư, chuyên gia Phạm Lưu Hưng, kinh tế trưởng của SSI Research, phân tích, hiện đang có hai quan điểm trái chiều của nhà đầu tư trên thị trường. Thứ nhất, một số người suy nghĩ cực đoan cho rằng, trái phiếu đã đến kỳ đáo hạn, doanh nghiệp lấy tiền đâu để trả, liệu có phá sản hay không? Rồi tin đồn khiến họ không hiểu đúng hay sai nhưng cũng có thể dẫn đến việc cổ phiếu bị bán tháo mặc cho doanh nghiệp giải thích sao cũng không được.
"Kịch bản xấu khiến nhiều nhà đầu tư hoang mang hoảng sợ và cổ phiếu đã giảm sẽ khó trở lại với mức trước khi tin đồn xảy ra. Theo tôi, suy nghĩ này là không nên", ông Hưng cho biết.
"Ngược lại, nhiều nhà đầu tư lại suy nghĩ khá thoải mái như thị trường kiểu gì cũng được cứu, nhà nước để các doanh nghiệp chết sao được. Lối suy nghĩ ấy cũng không hợp lý bởi quá thờ ơ với diễn biến thị trường", ông Hưng lý giải.
Ví dụ, ngành bất động sản khó thật nhưng không có nghĩa các doanh nghiệp đều gặp vấn đề. Có doanh nghiệp làm sai nhưng cũng sẽ có doanh nghiệp làm đúng, có doanh nghiệp vẫn có trợ lực để hoạt động tốt. Do đó, nhà đầu tư cần nhìn nhận và phân tích thị trường cân bằng hơn.