Thanh khoản thị trường đang cạn dần, vùng đáy khi nào lộ diện?
(DNTO) - Thanh khoản thị trường sụt giảm, thậm chí có khả năng thị trường có thể sẽ phải ghi nhận những phiên chỉ còn 5- 6 ngàn tỷ thanh khoản và điều này đang phản ánh chính xác mối cung cầu thị trường cũng như kỳ vọng của nhà đầu tư dành cho chứng khoán.
Thị trường chứng khoán đang trải qua những phiên giao dịch ảm đạm khi gia trị thanh khoảng đang ngày càng giảm sâu. Trên sàn HoSE, thanh khoản đã rơi xuống 9 ngàn tỷ mỗi phiên, khoảng 8,2 ngàn tỷ với ngày 19/10 và 8,3 ngàn tỷ ngày 20/10, cùng đó là sự xuống của chỉ số VN-Index khi chỉ còn 1.058 điểm chốt phiên ngày hôm qua.
Nhìn lại lịch sử, từng có giai đoạn thị trường đã ghi nhận những phiên giao dịch đạt trên 30 ngàn tỷ đồng, trung bình mỗi phiên khoảng 20-25 tỷ đồng trên sàn HoSE. Như vậy tính hiện tại, thanh khoản thị trường sụt giảm chỉ còn 1/3, đặc biệt xu hướng giảm điểm lại chưa có dấu hiệu dừng lại, nguy cơ cạn kiệt dần.
Thực tế khi khi thị trường sôi động, giá các loại cổ phiếu đi lên lên, thị trường sẽ hút mạnh dòng tiền đổ vào, sự sôi động được nhìn thấy rõ. Ngược lại khi dòng tiền đang cạn, đó là dấu hiệu thị trường đang suy yếu và dòng tiền dứt áo ra đi tìm cơ hội đầu tư khác.
"Có thể thấy nhà đầu tư tiếp tục giảm nhiệt giao dịch và có thể bắt đầu giai đoạn chán nản chọn giải pháp đứng ngoài thị trường là chủ yếu", chứng khoán SHS nhận định.
Thanh khoản cạn kiệt cũng đang cho thấy khó có thể xảy ra sự biến động trong thị trường, khó có thể kỳ vọng về một sự đột phá mới ở hiện tại, "nếu có chỉ là những nhịp giằng co trong biên độ hẹp", SHS cho biết.
Trong ngắn hạn, nhiều chuyên gia đang ví thị trường đang trong "mùa đông" với sự hạ nhiệt mạnh của dòng tiền trong bối cảnh lãi suất đang được các tổ chức tín dụng đẩy lên mức cao, cùng đó là những lo ngại về lạm phát, tỷ giá và quan trọng là sự bấp bênh của thị trường đang khiến cho nhiều nhà đầu tư ngậm ngùi cảnh thua lỗ.
Sẽ còn tiếp tục giảm sâu?
Đánh giá về thị trường hiện tại, ông anh Ngô Minh Đức, Giám đốc LCTV Investment, cho biết: "Trong phân tích kỹ thuật, khi khối lượng tăng dần, mức giá tăng dần và đồng pha nhau thì đấy là khi thị trường giá lên. Với thị trường hiện tại, giá đang đi xuống thì điều này ngược lại, giá giảm, khối lượng giảm dần, còn giảm đến đâu thì rõ ràng chưa đánh giá được".
"Chứng khoán đang chứng kiến thanh khoản giảm dần, thậm chí cũng có thể chúng ta sẽ phải chứng kiến các phiên thanh khoản chỉ còn đâu 5, 6 ngàn tỷ mỗi phiên thay vì trước đây lên tới 30 ngàn tỷ và điều này phản ánh chính xác cung, cầu thị trường và kỳ vọng nhà đầu tư danh cho chứng khoán", ông Đức cho biết.
Tuy nhiên 9 ngàn tỷ hay 4, 5 nghìn tỷ đã là cạn kiệt, đáy của thanh khoản ở đâu vẫn là câu chuyện khó đoán định bởi còn phụ thuộc vào phân tích các dấu hiệu vĩ mô.
"Tôi đầu tư theo xu hướng, xu hướng lớn nhất với tôi chính là lãi suất, lạm phát. Khi lãi suất và lạm phát ngừng tăng và Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu tuyên bố bơm tiền thì đỉnh của lãi suất lúc ấy mới là đáy của cổ phiếu, đáy của thanh khoản. Hiện tại thanh khoản thị trường sẽ cạn dần và cạn dần", ông Đức chia sẻ.
Các chuyên gia từ SSI cũng giữ góc nhìn thận trọng đối với xu hướng dòng tiền vào thị trường, ít nhất cho tới cuộc họp của Fed vào tháng 11.
Theo SSI, "bên cạnh rủi ro đến từ bên ngoài thì nhân tố nội tại có tác động không tích cực đến tâm lý thị trường ngày càng xuất hiện rõ ràng hơn, như tăng trưởng chậm lại hay Ngân hàng Nhà nước có thể tiếp tục tăng lãi suất điều hành nhằm ổn định môi trường tỷ giá". Mặt tích cực của thị trường hiện chủ yếu đến từ việc định giá đang ở mức thấp có thể giúp thu hút dòng tiền. Mặc dù vậy yếu tố này có thể chưa đủ mạnh và theo các chuyên gia SSI nhận định thì "ban đầu sẽ ở mức thăm dò".