'Nhà đầu tư chứng khoán đang chơi bóng bàn, phải có chiến lược giữ bóng'
(DNTO) - Theo ông Phạm Lưu Hưng, Kinh tế trưởng SSI, nhà đầu tư chứng khoán phải luôn có chiến lược cho việc tấn công và phòng thủ, nhìn ra được vấn đề: "Quả bóng xoáy xuống thì phải đánh cho nó lên chứ đừng cắm mặt tấn công đánh xuống".
Thị trường đã có một phiên nhuộm sắc xanh khiến cho giới đầu tư chứng khoán thở phào nhẹ nhõm. Sau khi mấp mé mốc 1.000 điểm, thị trường đã bật tăng hơn 28 điểm, chốt phiên hôm nay, 12/10, tại 1.034 điểm.
Một phiên hồi ngoạn mục của thị trường với hơn 550 mã tăng, 192 mã giảm giá và hơn 770 mã đứng giá. Trên cả ba sàn cũng ghi nhận hơn 50 mã tăng kịch trần.
Điểm sáng hôm nay là nhóm VN30 tăng khá tích cực, nổi bật là HPG tăng kịch trần 6,8% với 28 triệu cổ phiếu được giao dịch, đứng thứ hai trên sàn HoSE về khối lượng giao dịch, chỉ sau HAG. Tính chung toàn phiên, chỉ số VN30 tăng trên 3,3%, chốt tại 1.034 điểm.
Khối ngoại hôm nay có một phiên mua ròng mạnh, với giá trị mua ròng tăng bất ngờ trên 1.236 tỷ đồng, tập trung vào các mã HPG, SSI, KBC. Ở chiều ngược lại, nhà đầu tư ngoại lại xả mạnh với VND, VCG và TPB.
Toàn phiên ghi nhận hơn 12.800 tỷ đồng thanh khoản, riêng trên HoSE là hơn 11 ngàn tỷ đồng. Dòng tiền vẫn còn tương đối yếu, tuy nhiên với việc điểm số tăng mạnh trong phiên đã cho thấy tâm lý có phần tốt hơn của nhà đầu tư.
"Đây là một phiên hồi sau phiên giảm giá khốc liệt ngày hôm qua. Phiên hồi hôm nay sẽ giúp cho nhà đầu tư biết thị trường đang ở giai đoạn nào để có các ứng xử phù hợp chứ không phải thấy thị trường xuống là chạy hùa theo thì rất khó", ông Phạm Lưu Hưng, Kinh tế trưởng SSI cho biết trong chương trình Bí mật đồng tiền diễn ra ngày 12/10.
Cũng theo ông ví von, ở giai đoạn hiện nay, thị trường chứng khoán đang giống "môn thể thao bóng bàn".
"Quan trọng nhất là người chơi phải giữ được quả bóng ở trên bàn, luôn luôn có chiến lược cho việc tấn công và phòng thủ, nhìn ra được những thực tế hiện tại. Nếu quả bóng xoáy xuống thì phải đánh cho nó lên chứ đừng cắm mặt tấn công ngay lúc bóng xuống thì nhiều khi bóng rúc xuống luôn", ông chia sẻ.
Về quan điểm chỉ số P/B thấp hoặc nhỏ hơn 1 đang hấp dẫn và được các nhà đầu tư kỳ vọng, theo ông Hưng điều này cũng hoàn toàn không phải vậy.
Nếu thời kỳ tiền rẻ, mức định giá cổ phiếu sẽ khác. Nhưng hiện tại, lãi suất tăng, tín dụng khó, trái phiếu doanh nghiệp khó... thì mức độ định giá cũng sẽ khác. Nên việc so sánh định giá giữa các ngành sẽ khác nhau ở thời điểm.
"Ví như P/B ngành ngân hàng, quan điểm dài hạn, một ngành gia nhập thị trường rất kém bởi chúng ta không thể lập ngân hàng mới, ngoài ra đây là ngành phát triển nhanh khi kinh tế hồi phục. Vì vậy P/B nhỏ hơn 1 là hấp dẫn với ngành ngân hàng. Tuy nhiên với các ngành khác chưa chắc như vậy, như ngành thép, một ngành mang tính chu kỳ. Và với những ngành như vậy, định giá cao mới là lúc cần mua và định giá thấp chưa chắc đã là thời điểm mua tốt", ông Hưng cho biết.
Chia sẻ kinh nghiệm bản thân cho các nhà đầu tư, ông Hưng tiết lộ, với quan điểm đầu tư dài hạn, ông ít quan tâm đến biến động của thị trường cổ phiếu trong ngắn hạn, vì vậy việc thị trường xuống 5-10% thì mức độ chịu rủi ro cũng ít hơn. Việc ông quan tâm là có mua được cổ phiếu với giá rất rẻ không và khi bán chủ yếu nhìn vào triển vọng, nếu triển vọng không còn nhiều, ông sẽ bán.