Bán tháo quá lớn, tâm lý chấp nhận buông bỏ?
(DNTO) - Thị trường chứng khoán đã mất hơn 38 điểm trong phiên cuối tuần trước áp lực bán mạnh mẽ, xuất hiện trạng thái đạp chân mạnh của nhà đầu tư hòng rút chân ra khỏi thị trường.
Ngay từ phiên sáng, thị trường chứng khoán đã đỏ lửa. Chiều bán gia tăng mạnh đến từ các cổ phiếu vốn hóa lớn, gồm nhóm ngân hàng và nhóm họ Vin đã khiến thị trường ngay lập tức lao dốc, VN-Index mất hơn 25 điểm trong phiên sáng.
Phép màu không xuất hiện trong phiên chiều khi thị trường tiếp tục mất thêm 13 điểm, đà bán tiếp tục tăng ở cả khối nội và khối ngoại, trong khi đó dòng tiền bắt đáy yếu, tâm lý lo sợ của nhà đầu tư dâng cao tạo hiệu ứng tiêu cực toàn thị trường.
Chốt phiên cuối tuần, VN-Index giảm hơn 38 điểm không giữ nổi mốc 1.020 điểm, HNX-Index giảm hơn 8 về 217 điểm và không hơn gì, UPCoM-Index giảm 2 điểm còn 78 điểm. Phiên giao dịch ghi nhận hơn 100 mã tăng giá, tuy nhiên lại có tới hơn 500 mã giảm giá và gần 700 mã đứng giá.
Nhóm chứng khoán đã có một ngày giao dịch ngoài mong đợi khi mất trung bình hơn 7%. Cả nhóm không hề có một mã nào tăng giá, trong khi có tới 17 mã giảm sàn. Tiêu biểu như SHS giảm hơn 9,5%, dư bán trong phiên hơn 4 triệu cổ phiếu; MBS cũng giảm 9,5%; VIG giảm 9,8%, SSI và VND đều giảm trên 6%.
Vốn là một nhóm "nhạy cảm" với thị trường, với những phiên giảm sâu như hôm nay, nhóm chứng khoán thường khó lòng trụ vững, tuy nhiên điều đáng nói là tốc độ mất giá quá lớn của nhóm đang đặt ra quá nhiều rủi ro cho nhà đầu tư.
Nhóm cổ phiếu họ Vin cũng không tìm được lực đỡ. Mã VIC mất 3%, VHM mất 4,1%, hai mã vốn hóa lớn đã cùng nhau hợp lực kéo thị trường đi xuống. Trong một tháng giao dịch vừa qua, VHM đã mất tới 17%; VIC mất gần 10%.
Khối ngoại cũng tích cực xả hàng với giá trị bán ròng đạt hơn 400 tỷ đồng, ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường chung.
Nhìn tổng thể thị trường trong phiên với xu hướng bán mạnh mẽ đang cho thấy tâm lý bi quan, có phần hoảng sợ của nhà đầu tư chứng khoán. Sau thời gian dài chờ đợi, nhiều nhà đầu tư đã không thể gồng lỗ đành chấp nhận buông hàng. Cùng đó, áp lực call margin trong các phiên giảm điểm thường rất lớn dù một số công ty chứng khoán đã cắt giảm tỷ lệ cho vay ở các cổ phiếu vốn hóa trung bình.
Những biến động bên ngoài và nhiều thông tin nội tại cũng góp phần tác động đến thị trường như trong phiên hôm nay. Nhiều doanh nghiệp cũng bắt đầu rục rịch công bố báo cáo tài chính quý 3 và không ít doanh nghiệp có kết quả kinh doanh không như mong đợi khiến tâm lý nhà đầu tư thận trọng hơn. Rút tiền về và nghe ngóng chờ đợi hiện đang là động thái của nhiều người trong bối cảnh hiện nay.
Thị trường luôn bị chi phối bởi lòng tham và nỗi sợ hãi, hiện chứng khoán đã đi vào giai đoạn nhiều khó khăn cần nhà đầu tư cần xây dựng chiến lược và tâm thế mới. Với những phiên như hôm nay có thể là thất bại của ai đó nhưng lại là cơ hội với nhiều người, đặc biệt là những người theo phong cách đầu tư dài hạn. “Hãy tham lam khi người khác sợ hãi”, câu nói bất hủ của tỉ phú Warren Buffett vẫn được nhiều người nhắc lại.