Mốc 1.000 điểm bị thủng, một thời kỳ mới của chứng khoán?
(DNTO) - Thị trường giảm mạnh hơn 30 điểm, mốc quan trọng 1.000 điểm dễ dàng bị xuyên thủng, nhiều mã chứng khoán gây chú ý như VHM liên quan đến tỷ phú Phạm Nhật Vượng hay BID, SSI, TCB, VND... bất ngờ rơi giá sàn.
Sau phiên giao dịch cuối tuần trước, ngày 21/10, khi VN-Index mất tới 38 điểm đã gây nhiều bất ngờ cho nhà đầu tư. Ngay cả với các chuyên gia kinh nghiệm cũng cho biết, đó là phiên giao dịch nằm ngoài mọi kịch bản mà họ đã đưa ra.
Nỗi buồn chưa kịp nguôi thì hôm nay, 24/10, thị trường chứng khoán lại ghi nhận tiếp một phiên giao dịch sóng gió, khi VN-INdex mất hơn 33 điểm. Tính chung cả hai phiên, thị trường mất tổng cộng hơn 70 điểm, ngưỡng quan trọng 1.000 điểm bị đánh thủng dễ dàng mà không hề gặp một lực cản nào. Chốt phiên, chỉ số này còn 986 điểm.
Toàn thị trường có tới 250 mã giảm sàn, trong đó có nhiều mã gây chú ý như VHM của tỷ phú Phạm Nhật Vượng bất ngờ rơi cảnh giá sàn với tỷ lệ giảm 6,9%; BID, TCB đều giảm sàn với mức giảm 6,9%; SSI và VND, những cổ phiếu sáng của ngành chứng khoán cũng rơi vào cảnh tương tự với mức giảm khoảng 6,8%.
Khối ngoại lại ngược chiều mua ròng nhẹ với giá trị mua ròng đạt hơn 71 tỷ đồng trên sàn HoSE, tập trung vào các mã như HAG, SHB, DCM.
Việc quá nhiều mã từng được xem là "ngôi sao" trên sàn, thậm chí có mã nằm trong Top 10 những mã có giá trị vốn hóa trên thị trường, bị nhà đầu tư xả bán, trong khi lực hấp thụ quá yếu, đang cho thấy dòng tiền dửng dưng, thiếu động lực tham gia, thậm chí có xu hướng ra đi.
Thống kê tính đến cuối tháng 9 vừa qua, số dư tiền gửi của khách hàng tại hơn 30 công ty chứng khoán lên tới gần 67 ngàn tỷ đồng, dù có giảm đáng kể so với đầu năm là hơn 82 ngàn tỷ đồng, nhưng nếu so với cuối quý 2 là trên 70.000 tỷ đồng thì lượng sụt giảm dường như không đáng kể. Đâu đó một dòng tiền lớn vẫn đang trực chờ tìm cơ hội để giải ngân.
Tuy nhiên, với đà giảm mạnh của thị trường thời gian qua, khi nhiều nhà đầu tư đã rơi vào cảnh ôm hàng gồng lỗ, tâm lý bi quan chán nản dần ngấm sâu vào thị trường, thì để giữ được dòng tiền ấy ở lại không hề đơn giản. Phiên giao dịch hôm nay phải chăng cũng chỉ là "giọt nước tràn ly" khi dòng tiền cũng đã soạn sửa ra đi từ trước đó? Thị trường chứng khoán phải chăng đã mất đi sức hút với dòng tiền đầu tư?
Chứng khoán trong nước có lẽ đang chuyển mình bước sang một thời kỳ mới, nhiều thách thức hơn, thời mà thị trường vốn đang ngày càng khó khăn, áp lực và niềm tin của nhà đầu tư đã phần nào bị "nguội".
Rủi ro lãi suất tăng và triển vọng kinh doanh suy giảm đang khiến nhiều mã cổ phiếu rơi vào vùng rẻ lịch sử, đồng thời áp lực rút tiền khỏi thị trường sẽ xuất hiện khi mà nhu cầu thanh khoản tăng lên và sức hút từ việc tăng lãi suất, Công ty Cổ phần Quản lý quỹ đầu tư SGI (SGI Capital) cho biết trong một báo cáo gần đây.
"Tháng 10 và quý 4 hứa hẹn sẽ còn nhiều tin xấu khiến thị trường biến động mạnh, thử thách tâm lý và niềm tin của nhà đầu tư", các chuyên gia cho biết. Mặc dù vậy, theo SGI Capital, "đó cũng là lúc thị trường chào mời chúng ta những cơ hội với giá tốt nhất" và rủi ro của thị trường đang giảm đi đáng kể khi nhiều tin xấu dần bộc lộ và được phản ánh vào giá.
Ở một góc nhìn lạc quan, theo các chuyện gia, lãi suất tiền gửi ngân hàng đã tăng lên mặt bằng 7-8%/năm, nhưng đà giảm của thị trường hiện nay đang mang lại nhiều hơn các cơ hội với mức sinh lời trên 20%/năm cho kỳ đầu tư 1-3 năm tới.
"Chúng ta thận trọng với khả năng còn có các diễn biến xấu bất ngờ, nhưng sẵn sàng để có thể tham lam khi thị trường sợ hãi", SGI chia sẻ.