Du học sinh quay về góp sức cho các startup công nghệ Việt Nam - Bài 2: Thế hệ cầu nối

(DNTO) - Những du học sinh tốt nghiệp quay về nước đã bắt đầu đảm nhiệm vai trò lãnh đạo trong các công ty công nghệ, sáng lập startup. Nhưng vai trò quan trọng nhất của họ là làm cầu nối cho Việt Nam chuyển mình sang một thời kỳ mới.

Sinh viên của đại học Harvard ăn mừng tốt nghiệp 2019. Sinh viên Việt Nam chiếm một lượng lớn trong số du học sinh quốc tế tại trường Mỹ. Ảnh: Nikke Asia
Hành trình du học của các sinh viên Việt Nam đã trải dài rộng hơn trước kia. Trong quá khứ, những vùng thuộc Xô-viết cũ đã là lựa chọn lý tưởng, nhưng nay các quốc gia phương Tây dần trở thành các lựa chọn phổ biến hơn.
Tại Mỹ, Việt Nam đứng thứ 10 về số lượng du học sinh trong hơn 1 thập kỷ qua. Vào 2022, Việt Nam chiếm vị trí thứ 5 và giữ vững cho đến nay - theo dữ liệu thống kê của chính phủ Mỹ.
Các chương trình du học nước ngoài rất được ưa chuộng tại Việt Nam, đến mức các trường đại học từ Phần Lan cho đến Hàn Quốc đều sở hữu số lượng lớn học sinh, sinh viên đến từ nước ta. Năm 2003, Quốc hội Mỹ đã tung ra một chương trình học bổng, Vietnam Education Foundation (VEF), trị giá 5 triệu đô la mỗi năm dành riêng cho du học sinh từ Việt Nam.
Tú Ngô, một nhà đầu tư tốt nghiệp từ Stanford, cho biết quỹ học bổng của Mỹ là một chuẩn mực điển hình cho chương trình du học thành công, bởi các sinh viên sau khi đến độ tuổi đi làm nay quay lại lập nghiệp trong nền kinh tế nước nhà.

Việt Nam dẫn đầu các nước Đông Nam Á trong số lượng du học sinh. Ảnh: Nikkei Asia
Những học giả sinh ra từ chương trình VEF nay đã lập những startups đáng nể như công ty Palexy, cung cấp dịch vụ hỗ trợ bán lẻ bằng trí thông minh nhân tạo, và “kỳ lân” ngành công nghệ của VNG, Zalo, dịch vụ nhắn tin mạng xã hội phổ biến hơn cả Facebook tại Việt Nam. Hơn thế nữa, các nhân tài Việt “ra lò” từ Harvard và Cambridge nay trở về nước để giữ vai trò lãnh đạo ở khắp các công ty công nghệ, trong đó có Tap Tap, một nền tảng khám phá game di động, Uber Vietnam và hãng vận tải Abivin.
"Hãy nhớ rằng, trong năm 2000, các trường đại học Mỹ không hiểu được tầm cỡ của sinh viên từ Việt Nam," cựu VEF, Giám đốc điều hành Sandy Đặng cho biết. Washington chỉ mới gỡ bỏ lệnh cấm vận thương mại đến Việt Nam sáu năm trước đó. Sự tập trung cho ngành khoa học và công nghệ của VEF đã kích hoạt một trào lưu vũ bão của người Việt đổ xô đến các trường học tại Mỹ, Đặng nói. "Điều này giúp cho ra đời một nhóm nhân tài rất thành công”.
Ngày càng có nhiều du học sinh tốt nghiệp lựa chọn quay về Việt Nam. Với nền kinh tế nước ta đang đạt mức tăng trưởng vũ bão, thu hút các công ty từ LG đến Alibaba, “dòng chảy chất xám” ra ngoài đã thuyên giảm rất nhiều. Con số xuất nhập cư giảm từ 162.571 người trong 2001 xuống chỉ còn 4.378 trong 2011, theo dữ liệu của World Bank.
Trái ngược với các triển vọng kinh tế, các quan chức Việt Nam phải thú nhận hệ thống giáo dục tại nước nhà vẫn đi sau các quốc gia trên thế giới. Nhiều doanh nghiệp than phiền sinh viên tốt nghiệp đại học được tuyển vào làm việc thiếu thốn khả năng xử lý vấn đề, phân tích chuyên sâu hay các kỹ năng thực tế khác.
Cách biệt giữa tham vọng của ngành công nghệ và thực trạng trải dài từ các công ty khởi nghiệp cho đến nhà máy sản xuất. Lực lượng lao động đang hấp thụ kiến thức từ việc sản xuất cho các hãng công nghệ tiên tiến như Apple, Samsung, Bosch và Canon. Nhưng khả năng thêm giá trị vào sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam chỉ đạt 55%, tỷ lệ thấp nhất trong bảng xếp hạng 8 nước châu Á được công bố bởi Harvard trong 2020.
Được giáo dục và huấn luyện ở nước ngoài là vô cùng quý giá, theo Nguyễn Đức Long, đại diện Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia. “Đó là một điều rất khó để tái tạo” tại nước nhà, ông nói. Các trường đại học trong nước vẫn đang dần trở nên tốt hơn, nhưng vẫn còn tồn tại nhiều trở ngại.

CEO Solano, Trần Anh Tuấn (Trái). Ảnh: Nikkei Asia
Trần Tuấn Anh, CEO của Solano, cho biết tại Việt Nam, từ giáo viên, các bậc phụ huynh đến các nhân vật có ảnh hưởng, đều tin tưởng và ép buộc ý tưởng rằng luôn chỉ có một câu trả lời đúng nhất, và lớp trẻ phải luôn tôn trọng cấp bậc, không được phép chống lại nó.
“Văn hóa tại Việt Nam không tạo nhiều cơ hội (cho sự sáng tạo)”, anh trả lời phỏng vấn tại văn phòng của mình, nơi có một không gian cho thành viên nhiều hãng startup cùng làm việc chung cho đến tận khuya.
Việt Nam được dự đoán đến 2025 sẽ trở thành quốc gia trong vùng Đông Nam Á có mức độ tăng trưởng mạnh mẽ nhất trong kinh tế mạng và đạt mức vốn đầu tư mạo hiểm nhiều nhất trong 2025 đến 2030, theo nghiên cứu của Google, Temasek và Bain.
Nhà đầu tư Tú Ngô nói những doanh nhân du học nay về lại nước nhà như Tuấn Anh sẽ trở thành cầu nối để vượt qua những trở ngại hiện có.
Tú Ngô nói: “Các nhà đầu tư thường nói Việt Nam có rất nhiều tiềm năng, nhưng trở ngại thật sự nằm trong việc tìm các nhà sáng lập, đối tác kinh doanh đáng tin cậy để gầy dựng các doanh nghiệp có trình độ quản trị và đạo đức cao. Chúng tôi tin rằng chính thế hệ nối tiếp này sẽ giúp thúc đẩy bước tiến, tạo nên hình hài mới cho doanh nghiệp Việt Nam”.