Doanh nghiệp Việt linh hoạt để vượt 'bão' Covid-19
(DNTO) - Dịch Covid-19 bùng phát trở lại khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó vì chuỗi cung ứng đứt gãy, sản xuất bị ảnh hưởng vì khó lưu thông hàng hóa. Vấn đề sống chung với dịch, vừa đảm bảo an toàn và phát triển kinh tế, có được các đơn hàng đang là bài toán hóc búa của doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay.
“Linh hoạt” là từ khóa của doanh nghiệp Việt khi gặp bão Covid-19
Từ khi đại dịch Covid-19 xuất hiện và diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tất cả các quốc gia trên thế giới. Nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng nên chịu nhiều tác động tiêu cực của dịch bệnh trong các lĩnh vực kinh tế – xã hội. Các hoạt động sản xuất, cung ứng và lưu chuyển thương mại, hàng không, du lịch, lao động và việc làm bị đình trệ, gián đoạn do ảnh hưởng của dịch bệnh. Doanh nghiệp là đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề, nhiều doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động hoặc phá sản, giải thể, thu hẹp quy mô sản xuất kinh doanh.
Ông Lê Phụng Thắng, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Thương mại CITICOM cho biết, năm ngoái khi dịch xảy ra lần đầu tiên, hầu hết các doanh nghiệp đều không có kịch bản gì vì khá bất ngờ và rơi vào tình huống không biết làm thế nào.
“Sang năm 2021, lại một lần nữa dịch ập đến. Một năm trôi qua làm cho chúng ta thêm trải nghiệm. Ngay từ đầu năm khi có thông tin dịch diễn ra, các doanh nghiệp, doanh nhân không còn thấy sợ nữa, chúng tôi chỉ có một từ duy nhất là “linh hoạt”. Bởi vì các kịch bản trong suốt năm vừa qua đều đã trải qua, nên lần này khi dịch tái bùng phát, cứ đến tình huống nào thì chúng tôi chỉ việc mở “túi gấm” ở tình huống đó ra giải quyết”, ông Thắng chia sẻ.
Cũng theo ông Thắng, khó khăn lớn nhất trong năm 2020 chính là sự hoang mang. Năm ngoái vào tháng 3 cả xã hội thực hiện giãn cách, tháng 4-5-6 các doanh nghiệp bắt đầu “ngấm đòn”, sau đó có nhiều doanh nghiệp đi xuống.
“Nhưng phải nói là tính ứng biến, linh hoạt của doanh nghiệp rất cao trong thời gian đó. Vì vậy, chúng tôi đã chọn từ khóa là “linh hoạt” để áp dụng cho suốt năm 2020, và khả năng sẽ tiếp tục trong cả năm 2021”, ông Thắng nói.
Thứ hai nữa theo ông Thắng, khi tính linh hoạt được áp dụng thì các doanh nghiệp chấp nhận câu chuyện mọi thứ không thể đều đều, có lúc sản lượng sẽ giảm rất nhiều, nhưng sau đó khi tình hình tốt hơn, ảnh hưởng của Covid-19 ít đi thì doanh nghiệp sẽ tăng ca sản xuất lên, đảm bảo kế hoạch cả năm được thực hiện.
Theo số liệu của Bộ Công thương, riêng trong tháng 1/2021, kim ngạch xuất khẩu tăng 50% so với năm ngoái, ước đạt xuất siêu khoảng 1,3 tỉ USD. Năm ngoái khi Covid-19 diễn ra, có nhiều đơn hàng vẫn được đặt, nhiều doanh nghiệp vẫn có năng lực sản xuất, nhưng do đứt gãy nguồn cung nên không thể hoàn thiện sản phẩm.
Trước bối cảnh khó khăn bởi dịch Covid-19, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đã nhanh chóng chuyển hướng đi mới, thực hiện nhiều giải pháp để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh như: đẩy mạnh hoạt động thương mại điện tử; chuyển đổi sản phẩm, dịch vụ chủ lực; tích cực tìm kiếm thị trường mới cho nguyên liệu đầu vào cũng như thị trường tiêu thụ sản phẩm đầu ra.
Doanh nghiệp Việt vẫn thấy được những cơ hội để phát triển và cải thiện năng lực
Đưa ra giải pháp để vượt qua thách thức, ông Vũ Hải Bằng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Woodland cho hay: Thách thức lớn nhất mà doanh nghiệp phải vượt qua là tạo sự ổn định của sản phẩm từ giá cả đến chất lượng trong bối cảnh nhiều biến động khó lường do tình hình dịch Covid-19.
Các doanh nghiệp chấp nhận tăng chi phí, mở rộng kho hàng, bến bãi; chấp nhận dòng tiền quay vòng chậm hơn nhưng đổi lại giữ được chữ tín với khách hàng, đảm bảo việc làm cho người lao động.
“Trước đây chúng tôi làm đến đâu xuất đến đấy, có thể lưu trữ trong vòng 1 tuần đến 2 tuần. Hiện nay công ty cho phép trữ hàng thành phẩm lên tới 4 thậm chí 6 tuần sản xuất liên tục. Có nghĩa trong trường hợp có khó khăn về xuất hàng, khan hiếm container thì chúng tôi vẫn duy trì được sự ổn định”, ông Bằng nói.
Mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch, doanh nghiệp Việt vẫn có thể thấy được những cơ hội để phát triển và cải thiện năng lực. Đối với các doanh nghiệp nông sản, trong năm nay đã bắt đầu tính đến tăng giá trị cho sản phẩm xuất khẩu thay vì tăng sản lượng. Nhiều doanh nghiệp đã bắt tay với chính khách hàng của mình để tìm đầu ra cho những sản phẩm mới.
Ông Đỗ Hoàng Phương, Giám đốc Công ty xuất nhập khẩu thực phẩm Toàn Cầu cho biết: “Doanh nghiệp đã đầu tư vào chất lượng sản phẩm, đây là gốc của vấn đề, và khách hàng trả tiền cho điều đó để chúng tôi nâng cao giá trị. Khi đạt được điều đó, chúng tôi nâng cao được công suất lên”.
Nêu giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) lưu ý, cần cân nhắc mức độ hấp thụ vốn của nền kinh tế, bởi hiện nay nhiều doanh nghiệp chưa chắc đã “tiêu được tiền”.
“Doanh nghiệp đang gặp khó khăn về cả nguồn cung và cầu. Nguồn nhập khẩu nguyên vật liệu đang bị hạn chế trong khi nhu cầu tiêu thụ và xuất khẩu không cao. Do đó, hỗ trợ doanh nghiệp bằng các giải pháp cải thiện cung và cầu là điều quan trọng nhất hiện nay. Tiếp đó, cần giám sát chặt việc sử dụng nguồn hỗ trợ để bảo đảm hiệu quả chính sách”, ông Thành nhấn mạnh.
Cũng theo ông Võ Trí Thành, giai đoạn bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 cũng là cơ hội để các doanh nghiệp kiểm chứng lại sức chịu đựng và khả năng thích nghi với tình hình mới; tự đánh giá về thực trạng sản xuất kinh doanh, điểm mạnh, điểm yếu và lợi thế cạnh tranh, trên cơ sở đó cải tiến mô hình sản xuất kinh doanh theo hướng hiệu quả và bền vững.
“Ảnh hưởng của dịch Covid-19 còn tạo ra thay đổi về nhu cầu đối với sản phẩm, dịch vụ; đem lại cơ hội gia nhập các thị trường ngoài thị trường truyền thống cho doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng. Bên cạnh đó, các chính sách hội nhập quốc tế sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt có thể tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, hình thành chuỗi giá trị mới, đặc biệt cần tận dụng những lợi thế từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA)”, ông Thành nêu giải pháp.