Tái cấu trúc doanh nghiệp trong dịch Covid-19 từ câu chuyện nhà vua và đôi giày
(DNTO) - Nói về việc tái cấu trúc doanh nghiệp, chuyên gia huấn luyện doanh nghiệp Simon Bùi Cao Sơn đến từ Sota Coach dẫn chứng từ câu chuyện nhà vua và đôi giày.
Tìm cách thay đổi bên trong
Nội dung của câu chuyện bắt đầu từ việc một nhà vua quyết định vi hành đến với những vùng đất xa xôi của đất nước. Ông muốn đi bộ để giao lưu với người dân. Sau vài tuần du hành, nhà vua trở về cung điện và rất vui khi chứng kiến đất nước ngày càng thịnh vượng.
Tuy nhiên, vì đi bộ quá lâu nên đôi chân của ông bị sưng phồng, đau đớn và ông phàn nàn về những con đường gập ghềnh, đầy sỏi đá. Nhà vua ra lệnh phải che phủ tất cả những con đường trong cả nước bằng da bò, để người dân có thể đi bộ thoải mái. Nhưng ý tưởng này khó thực thi vì hàng ngàn con bò sẽ phải bị giết để có đủ số lượng da, tiêu tốn khoản tiền khổng lồ.
Trong khi không vị quan nào dám lên tiếng phản bác, một người hầu cận của nhà vua đã đưa ra một ý tưởng khác. Người này nói, "thay vì che phủ những con đường bằng da, tại sao không cắt miếng da để bọc chân lại, như vậy có thể thoải mái đi trên đường mà không gây lãng phí?". Nhà vua nghe xong rất hoan nghênh ý tưởng khôn ngoan của vị quan và đã cho làm một đôi da che vừa chân (sau gọi là đôi giày) cho mình và yêu cầu tất cả thần dân mang giày.
“Doanh nghiệp ở thời điểm cũng giống như vậy, thay vì thay đổi điều kiện dịch bệnh ở bên ngoài như kiểu trải da bò khắp các con đường, hãy thay đổi nội tại doanh nghiệp như việc bọc da bò vào chân để đi, hay cụ thể hơn là thay đổi trong nội tại của doanh nghiệp”, ông Bùi Cao Sơn so sánh.
Không để “rồng ngủ quên”
Vị chuyên gia này cũng cho biết, ngay cả khi dịch bệnh được kiểm soát thì hành vi mua sắm của khách hàng vẫn thay đổi. Vì vậy, việc tái cấu trúc giúp doanh nghiệp tại thời điểm hiện tại không chỉ giúp vượt qua khủng hoảng mà còn phát triển bền vững trong thập kỉ tới.
“Nỗi sợ của doanh nghiệp không phải là dịch bệnh mà là sự nghèo đói, thua lỗ, không phát triển, thậm chí đó là sự đào thải. Đặc biệt trong khủng hoảng Covid-19, sự đào thải trên thị trường rất lớn và khắc nghiệt. Trong một thời gian ngắn, một doanh nghiệp đang có lãi nhưng có thể thua lỗ. Ở thời điểm hiện tại, hành vi khách hàng thay đổi, nhân sự thay đổi, chuỗi cung ứng thay đổi… buộc doanh nghiệp phải tái cấu trúc”, ông Bùi Cao sơn nhấn mạnh.
Thực tế cũng cho thấy có rất nhiều bài học nhãn tiền đến từ các thương hiệu có tuổi đời hàng chục năm, thậm chí hàng trăm năm, chỉ vì chậm chạp trong việc tái cấu trúc doanh nghiệp nên đã “sập tiệm” chỉ trong một thời gian ngắn.
Có thể kể đến như Nokia - thương hiệu từng thống trị thị trường điện thoại di động trong hàng chục năm- giờ đây chỉ hoạt động như một công ty kinh doanh viễn thông.
Laser Beer, một hãng bia tươi cao cấp, với ý tưởng bia tươi đóng chai, sử dụng công nghệ thanh trùng ưu việt, vẫn thất bại vì không thể đưa sản phẩm vào những nhà hàng, quán nhậu - nơi mà Tiger đang độc quyền.
Hay Brooks Brothers, biểu tượng của ngành thời trang Mỹ với lịch sử 200 năm, từng phục vụ nhiều vị tổng thống Mỹ, đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản do không kịp thích nghi với các xu hướng đang thay đổi.
Năm 2020, tại Việt Nam có tổng cộng 101,7 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 13,9% so với năm trước (theo Tổng cục Thống kê). Như vậy, tính trung bình mỗi tháng có gần 8,5 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Đây là con số chưa từng có trong 10 năm trở lại đây.
“Kể cả những doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khủng hoảng trong năm 2020 không chắc sẽ vượt qua được các giai đoạn tiếp theo nếu không thực hiện tái cấu trúc doanh nghiệp”, ông Bùi Cao Sơn nhấn mạnh.
Trong khi đó, tình hình dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến khá phức tạp, vẫn tác động nghiêm trọng đến hoạt động kinh tế.
Theo các nhà khoa học, thế giới chỉ có thể trở lại bình thường khi có 75-80% dân số được tiêm vaccine và đạt được trạng thái miễn dịch cộng đồng. Tuy nhiên, hiện số lượng vaccine được tiêm mới chỉ đạt hơn 119 triệu liều. Với tốc độ tiêm vaccine như hiện tại, thế giới cần tới 7 năm để trở lại cuộc sống bình thường (theo dữ liệu Vaccine Tracker của hãng tin Bloomberg). Và 84 quốc gia nghèo nhất thế giới sẽ không có đủ vaccine Covid-19 cho đến năm 2023 (theo cơ quan nghiên cứu kinh tế Economist Intelligence Unit).
Ông Bùi Cao Sơn nhận định, trong năm vừa qua, nhiều doanh nghiệp đã tìm cách thay đổi để sống chung với dịch bệnh, tuy nhiên việc thay đổi này mới chỉ để đối phó với khủng hoảng, chưa phải là tái cấu trúc để trường tồn.
Theo ông Sơn, doanh nghiệp muốn tái cấu trúc bắt đầu từ người lãnh đạo, cho đến từng nhân viên cũng phải “làm mới”. Bởi một trong những điểm yếu của doanh nghiệp Việt là chuỗi cung ứng thiếu nhất quán.
Phân tích cụ thể về điều này, ông Sơn cho biết, chuỗi cung ứng không chỉ là đầu vào của nguyên liệu sản xuất mà là cả chuỗi từ nguyên liệu, sản phẩm, maketing, hành chính…. tức là từ lúc tạo ra sản phẩm, tiếp cận khách hàng cho đến bán hàng thành công.
Do vậy, khi khủng hoảng xảy ra, doanh nghiệp sẽ bị giáng “đòn” rất mạnh vì đứt gãy chuỗi cung ứng cả bên trong và bên ngoài. Ở bên ngoài là việc cung ứng nguyên vật liệu phục vụ sản xuất bị ngắt, khiến khiến việc gia công, sản xuất bị đình trệ. Ở bên trong là ảnh hưởng của việc cắt giảm, thay đổi nhân sự. Vì vậy doanh nghiệp cấp thiết phải xây dựng lại quy trình làm việc, đào tạo nhân sự để chuỗi cung ứng trong doanh nghiệp nhất quán.