Tái định cư: Cần nhất là sự đồng thuận của người dân
(DNTO) - Tiến Sĩ Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao của Savills Việt Nam đã chia sẻ về việc thu hồi diện tích đất liền kề công trình hạ tầng để tái định cư và bán đấu giá.
Theo quy định trong Luật đất đai 2013, trong trường hợp nhà ở, đất ở của các cá nhân tổ chức nằm trong khu vực giải tỏa mặt bằng để thực hiện mục đích công hoặc mục đích thương mại, nếu đáp ứng đầy đủ các điều kiện do Nhà nước quy định, sẽ được bố trí các phương án tái định cư phù hợp. Người có đất thu hồi được bố trí tái định cư tại chỗ nếu tại khu vực thu hồi đất có dự án tái định cư hoặc có điều kiện bố trí tái định cư.
Theo đề án được phê duyệt mới đây của UBND Thành phố, người có đất bị thu hồi trong dự án hạ tầng và phần đất thu hồi thêm sẽ được tái định cư tại chỗ và diện tích đất dôi dư sau khi tái định cư sẽ được quy hoạch lại và bán đấu giá để lấy kinh phí đầu tư cho chính dự án đó. Phương án thu hồi thêm đất và tái định cư sẽ được đưa ra lấy ý kiến của cộng đồng dân cư bị ảnh hưởng. Nếu đa số người dân đồng ý (khoảng 2/3) thì phương án sẽ được phê duyệt. Đối với thiểu số người dân không đồng ý phải lựa chọn: hoặc chấp thuận phương án hoặc bị nhà nước thu hồi đất.
Theo ông Sử Ngọc Khương, phương án đền bù hiệu quả nhất cho người dân, không nằm ở việc giá đất được đền bù là cao hay thấp mà cốt cốt lõi của vấn đề là nằm ở sự đồng thuận của người dân. Phương án được chọn phải quan tâm và cân nhắc đến sinh hoạt, tập quán, và công việc của những người bị ảnh hưởng.
Ông Khương lấy ví dụ như nếu như quy hoạch tái định cư với các cư dân trong một tòa chung cư tại Quận 1, thì đơn vị phụ trách việc giải tỏa cần cân nhắc đến việc những người dân này đã quen thuộc với nếp sinh hoạt và làm việc, cho nên việc tái định cư họ ở một chỗ khác là một bài toán liên quan sâu sắc đến đời sống thường ngày và mưu sinh của họ.
Còn đối với những nơi tái định cư tại chỗ, thì sự đồng thuận của người dân tại khu vực này như thế nào cho thỏa đáng rất quan trọng. Trong trường hợp này thì nếu những dự án này thuộc dự án công, nhận đầu tư của Nhà Nước như trường học, bệnh viện, công viên... thì thường sẽ có sự ủng hộ mạnh mẽ từ người dân. Còn nếu là những dự án mang tính chất thương mại và phục vụ lợi ích của một số nhà đầu tư nào đó như khu chung cư, công ty, cơ sở sản xuất..., thì sự đồng thuận của người dân là yếu tố quyết định”.
Trên thực tế trong nhiều năm vừa qua, nước ta đã chứng kiến nhiều vụ tranh chấp đất đai vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ từ người dân trong việc đền bù giải tỏa và tái định cư. Đa số trong những trường hợp này, các đơn vị quản lý thường tập trung cân nhắc đến giá trị đất, ví dụ như là tái định cư tại chỗ thì làm sao cho giá trị bằng mà diện tích nhỏ hơn, hay là tái định cư xa để có diện tích lớn hơn và bằng giá trị. Nhưng theo TS Khương, đó chỉ là điều kiện cần, nhưng chưa đủ. Yếu tố quan trọng để làm thỏa mãn nhu cầu của người dân liên quan đến mưu sinh và hành vi, tập quán sống của những người bị ảnh hưởng. Vì thế vấn đề đền bù tái định cư là một vấn đề liên quan sâu sắc đến đô thị học và đồng thuận người dân, và việc giải quyết chỉ bằng góc nhìn tài chính không chưa đủ.
Theo ông Khương:“Trên thế giới, những căn hộ 25-30 mét vuông không phải là hiếm, nhưng tại sao tại nhiều nơi lại thành tổ uyên ương mà không phải là ổ chuột? Đây là do vấn đề về quản lý. Hiện tại, địa bàn TP.HCM và Hà Nội còn rất nhiều khu chung cư cũ đã xuống cấp và những khu tự phát không quy hoạch từ trước năm 1975, cho nên việc chỉnh trang đô thị là rất cần thiết. Vì thế giải quyết được nhu cầu cuộc sống của người dân rất quan trọng trong quá trình hiện đại hóa đô thị”.