Doanh nghiệp sẽ ‘chuyển vận’ khi chuyển đổi số?
(DNTO) - Chuyển đổi số không còn là từ thích hay không thích, nên hay không nên nữa, mà phải trở thành chuyện bắt buộc. Bởi xã hội thay đổi, công nghệ phát triển, đặc biệt là các đối thủ cạnh tranh chuyển đổi số một cách mãnh liệt. Nếu doanh nghiệp chậm chuyển đổi số có thể sẽ mất thị trường, khách hàng và cơ hội.
Chuyển đổi số và những lợi ích của doanh nghiệp
Ông Vũ Tuấn Anh, chuyên gia chuyển đổi số cho rằng, chuyển đổi số đóng vai trò rất quan trọng trong thời buổi hiện nay, nhất là từ sau khi dịch Covid-19 xuất hiện. Ông thẳng thắn bày tỏ: “Chuyển đổi số không còn là một từ thời thượng nữa mà nó đã trở nên bắt buộc trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta. Chuyển đổi số không còn là từ thích hay không thích, nên hay không nên nữa, mà phải trở thành chuyện bắt buộc. Bởi vì xã hội thay đổi, công nghệ phát triển và đặc biệt quan trọng là các đối thủ cạnh tranh chuyển đổi số một cách mãnh liệt”.
Theo ông Tuấn Anh, trong quá trình làm việc và tư vấn các doanh nghiệp, ông nhận thấy được một điều là nhiều chủ doanh nghiệp vẫn còn chậm trễ với công cuộc chuyển đổi số, mặc dù người chủ doanh nghiệp lại dùng công nghệ số nhiều nhất.
“Luật chơi trong tương lai sẽ là “cá nhanh nuốt cá chậm” chứ không còn phụ thuộc vào quy mô lớn hay nhỏ. Nghĩa là ngay cả các doanh nghiệp “cá mập”, nếu không chịu chuyển đổi số thì vẫn có thể có ngày chấm dứt, hoặc trở nên èo uột, nhường lại sân chơi cho lớp “đàn em” nhưng lại nhận dạng nhanh các quy luật cuộc chơi, thích nghi nhanh với xã hội 4.0”, ông Tuấn Anh nhấn mạnh.
Đưa ra những lợi thế khi doanh nghiệp chuyển đổi số, ông Phạm Nam Long, nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Công ty Abivin cho rằng, chuyển đổi số giúp doanh nghiệp tối ưu hóa tài nguyên bắt đầu bằng việc chuyển đổi các tài liệu, thông tin, cách giao tác vụ... sang nền tảng số. Từ đó, sử dụng các dữ liệu dạng kỹ thuật số để cải thiện quy trình vận hành hoạt động của doanh nghiệp.
“Để chuyển đổi số thành công, doanh nghiệp cần rà soát năng lực và nhu cầu của mình, tìm kiếm giải pháp phù hợp cũng như bám sát thực tế khi phát triển. Từ đó, doanh nghiệp sẽ triển khai từng bước và tiếp tục duy trì, cam kết vận hành”, ông Long nói.
Có thể thấy, chuyển đổi số và kinh tế số hiện nay đang là xu thế của toàn cầu, là quá trình không thể đảo ngược. Với sự xuất hiện của công nghiệp 4.0 và cú huých tái bùng phát của đại dịch, thế giới đang ở điểm đột phá của quá trình chuyển đổi số, thúc đẩy nhanh chuyển đổi số.
Doanh nghiệp ngại thay đổi
Dù tính cần thiết của chuyển đổi số rất rõ ràng, tuy nhiên, không ít doanh nghiệp hiện vẫn loay hoay, chần chừ và có phần ngần ngại khi chuyển đổi số.
Thực tế hiện nay cho thấy rằng đa phần các doanh nghiệp thường "thờ ơ" với việc chuyển đổi số. Có thế thấy phần lớn các doanh nghiệp e dè chuyển đổi số bởi sự thụ động, chưa quyết liệt trong việc thay đổi bộ máy, thiếu kỹ năng và thiếu nguồn tài nguyên cần thiết, cũng như công nghệ chưa đáp ứng được nền tảng số...
Phân tích về vấn đề này, TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh chia sẻ: “Người ta thường nghĩ chuyển đổi số cần rất nhiều tiền là không hoàn toàn đúng. Như chúng tôi quan sát và nhận thấy rằng: sản phẩm, kinh nghiệm, nguồn lao động, chất lượng nguồn nhân lực, cách thức sản xuất kinh doanh đâu là vấn đề được doanh nghiệp lựa chọn làm trước mới là quan trọng".
Ông Thành nêu ví dụ: “Chúng ta có thể quan sát rõ nhất là Tập đoàn Vingroup, khi chuyển sang lĩnh vực mới họ không vứt bỏ các lĩnh vực cũ của mình trước đó. Bởi lĩnh vực cũ là “con gà đẻ trứng vàng”, dẫu họ sản xuất ô tô, nhưng họ vẫn chú trọng vào lĩnh vực bất động sản”.
Ông Thành cũng nêu dẫn chứng về FPT. Doanh nghiệp này có thể bán hết các cửa hàng, tuy nhiên họ vẫn giữ lại một phần, bởi đó là nguồn thu để FPT dùng vào việc đổi mới sáng tạo và làm công nghệ số, đó là cách gắn với chiến lược của doanh nghiệp.
TS. Võ Trí Thành nhấn mạnh: “Để chuyển đổi số, hãy bắt đầu từ những việc nhỏ, tư duy chiến lược lớn, thiết thực, có hiệu ứng lan tỏa tốt”.
Nêu quan điểm của mình, ông Tuấn Anh cho rằng, nếu dũng cảm bước lên hành trình chuyển đổi số, thì đây sẽ là đòn bẩy rất tốt để doanh nghệp có thể tận dụng sức mạnh đặc thù, để vươn lên phát triển, xâm nhập thị trường toàn cầu và cạnh tranh bình đẳng với các đối thủ tại cấp độ quốc gia và toàn cầu.
"Chuyển đổi số là xu hướng bắt buộc, tuy nhiên, thực hiện chuyển đổi số không phải là tư duy ngày mai đi mua một phần mềm hay một công nghệ về áp dụng, mà cần quan tâm tới bối cảnh nguồn lực và những điều kiện riêng mà doanh nghiệp đang có", ông Vũ Tuấn Anh cho biết
“Doanh nghiệp nào chuyển đổi số trước sẽ có thị trường, có khách hàng và quan trọng nữa là khi doanh nghiệp chuyển đổi số trước sẽ nhận được những sự hỗ trợ nhiều hơn. Những doanh nghiệp chuyển đổi số chậm nhiều khi sẽ không có thị trường, khách hàng và không còn nhiều cơ hội”, ông Tuấn Anh nhấn mạnh.