Dở khóc dở cười với chuyện robot nhà hàng

(DNTO) - Chủ một nhà hàng lớn ở Anh từng sử dụng đến 4 chú robot phục vụ thực khách, và họ đã tiết lộ những hạn chế của chúng, đồng thời giải thích vì sao các tiếp viên người thực vẫn rất quan trọng.
Các chủ nhà hàng sử dụng từ 4 robot phục vụ trở lên cho biết, máy móc vẫn không thể thay thế hoàn toàn được tiếp viên người thật. Những ông bà chủ này đã tiết lộ vài nhược điểm, “thói quen xấu” của đội ngũ tiếp viên robot. Chẳng hạn, có một số thích “tám chuyện” quá nhiều với khách khiến có lúc chủ phải đối phó bằng cách tắt các chức năng tương tác chúng có.

Amy và Josh là cặp robot chủ chốt của Robotazia, một nhà hàng robot ở Anh. Ảnh Insider
Amy, Ella, Will và Josh là những nhân viên hầu máy làm việc trong một nhà hàng ở Anh với tư cách phục vụ. Công việc của nhóm là mang thức ăn đến các bàn, giao lưu với khách và thỉnh thoảng phải tự mình di chuyển tìm chỗ sạc lại pin. Bộ tứ robot vừa kể là điểm nhấn thu hút khách cho Robotazia, một nhà hàng ở Milton Keynes, Vương quốc Anh. Mặc dù vậy, chủ quán vẫn thú nhận, không bao giờ có ý đồ thay thế toàn bộ các tiếp viên người bằng đội ngũ thuần máy móc, bởi robot phục vụ có một số nhược điểm nổi bật.
Đặc biệt có tình trạng các rô-bốt hay biểu lộ động thái “né tránh” những vị khách đeo nhiều đồ trang sức. Có lẽ điều này liên quan ít nhiều đến tình trạng tín hiệu tương tác bị nhiễu khi máy móc tiếp xúc gần kim loại. Trong trường hợp như thế, có khi robot đã tiếp cận bàn để chuẩn bị phục vụ món, nhưng đột ngột thoái lui, không để khách kịp nhận đồ ăn thức uống.

Người máy tiếp viên Ella. Ảnh Insider
Chính vì thế mà nhiều chủ nhà hàng có khi phải kiểm tra trước xem khách có đeo nhiều đồ trang sức hay không để biết mà xử lý tình huống. Một drama trớ trêu khác là có những cô nàng robot lắm chuyện, hay lạm dụng chức năng tương tác để tán gẫu quá nhiều với khách, đến nỗi ông bà chủ điên đầu phải dùng biện pháp… tắt chức năng này!
Một tình huống dở khóc dở cười nữa cũng dễ làm những vị chủ nhà hàng “tá hỏa”. Khi robot thiếu năng lượng, tức cần nạp sạc, những anh, chị người máy lập tức bỏ ngang công việc đang làm dở, vội đi tìm điểm cấp điện, khiến giới chủ quýnh quáng trong các ngày nhà hàng bận rộn đông khách nhất, những hôm thứ Bảy cuối tuần chẳng hạn.
Trong giao tiếp, robot nhà hàng cũng có khả năng thể hiện một số cảm xúc nhất định. Ví dụ, nếu một khách hàng đến quá gần, có thể xuất hiện nước mắt trên khuôn mặt các “nàng”. Lúc “đói năng lượng”, tức cần sạc điện, đội ngũ này sẵn sàng bỏ ngang công việc đi tìm điểm nạp khiến nhiều lúc chủ đâm “quê độ” với khách. Họ chỉ còn cách chống chế bằng những lời lẽ đề cao “tài tự biến báo của các cô nàng tiếp viên máy khi đói nhiên liệu”.

Dù đã có người máy phục vụ cho các nhà hàng, tiếp viên người thực vẫn cứ rất quan trọng. Ảnh Insider
Nhà hàng vẫn còn phải cần đến các tiếp viên người thực vì robot không thể thực hiện một số tác vụ cơ bản khác. Người máy phục vụ dễ dàng giao khay thức ăn nhưng không thể dọn bàn. Chúng cũng chẳng thể kiểm tra xem khách nào đủ tuổi gọi rượu mạnh, cũng đâu biết cách vệ sinh thân thể hoặc tự thay pin.
Thế nên mới xảy ra tình trạng trái khoáy là, có vị chủ phải tốn tiền hai lần, tức thuê cả 4 người thực để hỗ trợ giúp ê-kíp robot của quán hoạt động bình thường. Tất nhiên, nhóm này còn kiêm thêm công tác bảo trì đội người máy vào mỗi thứ Ba hàng tuần. Tóm lại, dù sử dụng robot phục vụ đi nữa, con người vẫn là cốt lõi của hoạt động kinh doanh nhà hang, khách sạn.