Đẩy mạnh phân phối bưởi Phúc Trạch trên môi trường số
(DNTO) - Bưởi Phúc Trạch đang được đẩy mạnh phân phối qua sàn thương mại điện tử, trong bối cảnh loại nông sản này đang vào vụ thu hoạch nhưng khó khăn trong tiêu thụ.
Theo báo cáo của huyện Hương Khê (Hà Tĩnh), năm 2021, sản lượng bưởi Phúc Trạch của địa phương là hơn 12.000 tấn. Năm nay đã có 159 tổ hợp tác trồng bưởi Phúc Trạch đăng ký được công nhận tiêu chuẩn VietGap. Đồng thời huyện Hương Khê tăng cường kiểm tra các đơn vị trồng bưởi Phúc Trạch để đảm bảo chất lượng sản phẩm đúng theo chỉ dẫn địa lý.
Ngoài ra việc xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc, bản đồ số sản phẩm bưởi Phúc Trạch được công ty Cổ phần I-check thiết lập, góp phần quản lý chất lượng sản phẩm và xuất xứ đối với loại quả này.
Theo huyện Hương Sơn, những năm trước đây, bưởi Phúc Trạch được phân phối theo phương thức truyền thống qua hệ thống siêu thị trong và ngoài tỉnh, các chợ đầu mối, các doanh nghiệp đầu mối thu mua, các chuỗi cửa hàng nông sản...
Tuy nhiên, đến vụ mùa năm nay, do tình hình dịch bệnh Covid-19 bùng phát, một số thị trường tiêu thụ lớn của bưởi Phúc Trạch như Hà Nội, TP.HCM giãn cách xã hội đã ảnh hưởng lớn đến sức tiêu thụ của sản phẩm.
Hiện lượng lớn bưởi Phúc Trạch chưa được các thương lái, doanh nghiệp thu mua và việc vận chuyển hàng hóa giữa các địa phương gặp rất nhiều khó khăn. Do vậy theo ông Đặng Ngọc Sơn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, bên cạnh kênh truyền thống, phải mở rộng thêm kênh phân phối qua thương mại điện tử và môi trường số cho bưởi Phúc Trạch.
Ông Bùi Huy Hoàng, đại diện Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết, hiện Cục đã triển khai hợp tác phân phối mặt hàng nông sản của các địa phương trên các Sàn thương mại điện tử như Sen Đỏ, Vỏ Sò (Viettel Post), Tiki, Shopee, Postmart, Lazada.
Tuy nhiên, để bưởi Phúc Trạch nói riêng và các mặt hàng nông sản khác của Hà Tĩnh như cam Khe Mây..., mở rộng kênh tiêu thụ trong giai đoạn chống dịch căng thẳng, trước hết cần có sự liên kết chặt chẽ để đảm bảo việc lưu thông thuận lợi giữa các tỉnh đồng thời vẫn đảm bảo các yêu cầu phòng dịch.
Thứ hai, tỉnh Hà Tĩnh cần chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền quảng bá hình ảnh nông sản tiêu biểu thông qua hình thức truyền thông đa kênh.
Thứ ba là địa phương cần cung cấp danh sách các Hợp tác xã, nhà vườn có sản phẩm nông sản chất lượng tốt, đạt tiêu chuẩn Vietgap cũng như các loại chứng nhận chất lượng, để Cục phối hợp với các Sàn thương mại điện tử đưa trái bưởi Phúc Trạch sớm phân phối trên môi trường trực tuyến.
Về phía đại diện các sàn thương mại điện tử cho biết sẽ đồng hành và hỗ trợ bà con nông dân đưa bưởi Phúc Trạch và các nông sản khác lên sàn. Sàn Postmart với hệ thống trên 13.000 bưu cục trên địa bàn cả nước cùng kinh nghiệm hợp tác với các đơn vị quản lý từ trung ương đến địa phương, cam kết sẽ tiêu thụ 500 tấn bưởi Phúc Trạch qua hệ thống Bưu điện các tỉnh.
Viettel Post Hà Tĩnh cũng sẽ phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan và sàn thương mại điện tử Voso sớm đưa trái bưởi Phúc Trạch phân phối trên sàn và đến tay người tiêu dùng.
Lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh lưu ý các địa phương cần phát huy tốt vai trò quan trọng của thương lái trong việc tiêu thụ sản phẩm nhưng cũng lưu ý cần có sự giám sát, tuyên truyền, không để xảy ra tình trạng lợi dụng tình hình dịch bệnh để ép giá nông dân.
Bên cạnh đó, quản lý tốt công tác cấp, sử dụng tem nhãn sản phẩm, tránh để các trường hợp sản phẩm trôi nổi, kém chất lượng làm ảnh hưởng đến thương hiệu bưởi Phúc Trạch.