Cuộc chạy bền cho xuất khẩu
(DNTO) - Thị trường cần nguồn hàng của Việt Nam không thiếu, ngay cả ở thị trường truyền thống và thị trường mới. Thế nhưng, hàng Việt ra quốc tế chưa đủ lớn do chính nội lực xuất khẩu nước ta còn yếu để đi đường dài.
Những ngày gần đây, đồng loạt đại diện của các ngành hàng xuất khẩu mũi nhọn như thủy sản, dệt may, da giày, gỗ... đều lên tiếng bày tỏ lo ngại về tình hình xuất khẩu ảm đạm trong những tháng cuối năm. Trong đó, 80% doanh nghiệp ngành gỗ dự báo mức doanh thu năm nay sẽ sụt giảm.
Thực tế cho thấy, con số xuất khẩu hàng hóa 7 tháng đầu năm đạt 217,3 tỷ USD, mặc dù khá khả quan so với năm trước, nhưng chỉ tăng trưởng 16,6%, thấp hơn nhiều so với mức tăng cùng kỳ là 30,9%.
Bên cạnh những thuận lợi cho xuất khẩu như việc khai thác hiệu quả các Hiệp định Thương mại tự do (FTA), đặc biệt là các FTA thế hệ mới, đầu tư nước ngoài tiếp tục gia tăng, đẩy mạnh giải ngân đầu tư công… thì Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cũng chỉ rõ nhiều khó khăn, thách thức trong công tác xuất nhập khẩu những tháng cuối năm.
Cụ thể là kinh tế toàn cầu tiếp tục khó khăn làm giảm sức cầu hàng hóa. Chiến sự tại Ukraine và việc Trung Quốc duy trì chiến lược “Zero Covid” khiến chuỗi cung ứng nguyên vật liệu tiếp tục khó khăn và đứt gãy. Giá nguyên liệu đầu vào, giá cước vận tải dù giảm nhưng vẫn ở mức cao, làm cản đà phục hồi kinh tế và tăng trưởng thương mại toàn cầu. Cùng với đó, lạm phát tăng cao ở nhiều quốc gia, là thị trường lớn của Việt Nam (Hoa Kỳ 9,1%, EU là 8,6%) gây sụt giảm nhu cầu nhập khẩu...
Đó là những nguyên nhân từ bên ngoài có thể tác động không nhỏ đến đất nước có độ mở kinh tế lớn như Việt Nam (trên 200% ). Thế nhưng, nguyên nhân sâu xa khiến xuất khẩu Việt Nam dù tăng trưởng nhanh trong những năm qua nhưng thực sự chưa bền vững, đó là câu chuyện nội lực của xuất khẩu.
Nhìn lại việc khai thác các thị trường xuất khẩu trong những năm qua có thể thấy, chúng ta vẫn chưa hoàn toàn chinh phục được thị trường truyền thống, chưa kể “đánh” sang các thị trường mới.
Ví dụ tại EU, một thị trường đã có mối làm ăn với Việt Nam trong hơn 30 năm nay, có kim ngạch xuất nhập khẩu với Việt Nam đạt hơn 36,8 tỷ USD trong 7 tháng đầu năm, hiện là thị trường lớn xuất nhập khẩu lớn thứ 2 của nước ta và đang rất thuận lợi nhờ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), nhưng cách tiếp cận của doanh nghiệp Việt Nam với thị trường này còn chưa chuyên nghiệp, chưa biết cách làm hài lòng khách hàng.
“Doanh nghiệp xuất sang EU hiện chủ yếu với một số đơn hàng nhỏ lẻ, thiếu liên kết, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế tại thị trường này. Vì vậy, Việt Nam cần đổi mới cách tiếp cận theo hướng linh hoạt, hai bên cùng có lợi, đáp ứng những yêu cầu cụ thể từ EU như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, năng lượng xanh. Chính phủ nên lựa chọn một số ngành hàng tiêu biểu, mũi nhọn và kiểm soát tốt chất lượng đầu ra để đưa vào thị trường EU như cách Thái Lan đang làm rất hiệu quả tại thị trường này”, ông Trần Ngọc Quân, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Bỉ cho hay.
Tương tự như EU, thì Mỹ và Trung Quốc, hai bạn hàng lớn, cũng chưa được doanh nghiệp Việt Nam khai thác tốt. Nếu như Mỹ thường xuyên ra đòn phòng vệ thương mại để kiểm soát hàng nhập khẩu, thì Trung Quốc cũng liên tục sử dụng biện pháp ngừng thông quan để kiểm dịch, ngoài kiểm soát về chất lượng hàng hóa.
Mặc dù đây không phải là biện pháp mới mà các thị trường này đưa ra, nhưng mỗi lần như vậy, doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam đều rất lao đao và chịu thiệt hại lớn. Điều này cho thấy việc phòng ngừa, chuẩn bị ứng phó với rủi ro của doanh nghiệp nước ta còn rất yếu kém.
Trong hai năm đại dịch, khi xuất khẩu hàng hóa gặp khó khăn, câu chuyện đa dang hóa thị trường xuất khẩu được nhắc đến nhiều, và đương nhiên đây là việc phải làm của một quốc gia coi xuất khẩu là một trong những mũi nhọn phát triển kinh tế.
Hiện ngoài EU, Mỹ, Trung Quốc, các thị trường nhỏ khác như Nam Phi, UAE, Italia, Canada, Úc, Arab Saudi, Ấn Độ, Philippines, Indonesia… cũng được các Thương vụ Việt Nam tại đây thông tin là có nhiều tiềm năng để Việt Nam đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa.
Như vậy có thể thấy, bạn hàng tiềm năng Việt Nam không thiếu. Quan trọng nhất là trước khi mở rộng thị trường xuất khẩu, cần chuẩn bị nội lực đủ mạnh. Bởi hiện tại, ngay cả ở các thị trường truyền thống, Việt Nam cũng chưa hoàn toàn tự tin cạnh tranh với các đối thủ cũng như gia tăng tỉ lệ hàng Việt vào thị trường này. Đây là sức mạnh “lõi” giúp xuất khẩu bền vững.
Bởi sẽ không một thị trường nào sẽ dễ tính mãi mãi, vì yêu cầu của người tiêu dùng với hàng hóa ngày một tăng lên khi đời sống được nâng cao. Do đó, kể cả châu Phi, châu Á hay Trung Quốc hiện cũng không còn là những thị trường dễ tính.
Đó cũng là lý do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan, phát biểu rằng: “phải lấy thị trường để phát triển sản xuất, chứ không phải sản xuất để tìm kiếm thị trường”. Bởi nếu Việt Nam sản xuất trước khi tìm kiếm thị trường thì sẽ rất khó khăn bởi đôi khi hàng hóa không phù hợp với tiêu chuẩn thị trường, văn hóa người dùng tại quốc gia đó.
Đương nhiên, việc tăng nội lực cho xuất khẩu không chỉ dừng lại ở việc nâng cao chất lượng hàng hóa, đáp ứng tiêu chuẩn thị trường nhập khẩu, mà còn câu chuyện cơ sở hạ tầng, logistics, đầu tư, nguồn nhân lực… vẫn còn nhiều điểm nghẽn mà Việt Nam chưa thể tháo gỡ. Vì vậy cần một chiến lược bài bản và tổng thể để đi đường dài cả, ở phía cơ quan quản lý lẫn doanh nghiệp.