Cộng đồng doanh nghiệp san sẻ trách nhiệm, vượt khó trong đại dịch Covid-19
(DNTO) - Mọi người vẫn hay nghe đến cụm từ "Nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp vượt bão Covid-19", nhưng ở góc độ khác, nhiều doanh nghiệp đã hỗ trợ ngược lại Nhà nước khi tự tạo ra chuỗi giá trị, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp bạn hàng, đặc biệt có những đóng góp quan trọng đối với cộng đồng, xã hội…
Khi bàn về câu chuyện doanh nghiệp chia sẻ trách nhiệm thế nào với cộng đồng, xã hội và Nhà nước để vượt khó trong đại dịch, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh đã khái quát lại 3 giai đoạn khó khăn nhất mà cộng đồng doanh nghiệp đã trải qua.
Giai đoạn thứ nhất là những năm 1997-1998. Theo ông Ánh, khi đó chúng ta chỉ lo khủng hoảng khu vực sẽ gây ảnh hưởng lan tỏa đến Việt Nam. Giai đoạn đó tưởng chừng khó khăn, nhưng rồi chúng ta đã vượt qua một cách nhẹ nhàng.
Cuộc khủng hoảng thứ hai là giai đoạn 2008-2009. Khó khăn giai đoạn này đối với doanh nghiệp chủ yếu là vấn đề vốn và tài chính. Nhưng sau đó, nhờ những gói kích thích kinh tế, hỗ trợ về chính sách… của Chính phủ, những khó khăn dần ở lại phía sau.
Tuy nhiên, đến cuộc khủng hoảng thứ ba là giai đoạn dịch bệnh Covid-19 kéo dài từ 2019 đến hiện nay, thì những khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp cứ chồng chất.
Từ xưa tới nay, theo thông lệ mọi người vẫn nói “Con khóc mẹ mới cho bú”, khi gặp khó khăn, doanh nghiệp kêu cứu thì Nhà nước sẽ hỗ trợ. Nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng vậy, ở góc độ khác, nhiều doanh nghiệp còn giúp ngược lại Nhà nước. Sự san sẻ thể hiện ở việc doanh nghiệp đóng góp nhiều nhất vào Quỹ vaccine phòng chống Covid-19 của Chính phủ; nhiều doanh nghiệp nỗ lực duy trì sản xuất kinh doanh, duy trì công ăn việc làm cho người lao động... Tôi cho rằng, đây là những sự san sẻ vô giá của doanh nghiệp.
Chuyên gia Vũ Đình Ánh
Chuyên gia Vũ Đình Ánh chỉ ra: Dịch bệnh gây đứt gãy chuỗi giá trị, đứt gãy chuỗi cung ứng không chỉ trong nước mà còn trên toàn cầu.
“Trong giai đoạn này, doanh nghiệp gặp khủng hoảng ngay trong quá trình sản xuất, và đây là khó khăn lớn nhất mà doanh nghiệp phải đối mặt. Bởi trong 2 lần đại khủng hoảng trước đó, doanh nghiệp chỉ gặp khó về tài chính và ở chừng mực nhất định. Nhưng lần này, tất cả các yếu tố khủng hoảng cơ bản thì doanh nghiệp đều gặp phải. Đó là khủng hoảng về vốn; áp lực trả nợ căng thẳng; khó khăn về lao động; vấn đề lưu thông hàng hóa…”, ông Ánh cho hay.
Vậy câu chuyện san sẻ trách nhiệm của doanh nghiệp nằm ở đâu trong bối cảnh này? Tại Tọa đàm “San sẻ trách nhiệm vượt khó mùa dịch”, diễn ra ngày 29/11, ông Ánh nhấn mạnh rằng, sự chia sẻ đầu tiên của doanh nghiệp chính là việc tự tìm đường ra, tự cứu mình, nỗ lực thích nghi để vượt qua giai đoạn khủng hoảng của dịch bệnh.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp không chỉ vì bản thân mình, mà nhờ có lợi thế hơn đã san sẻ khó khăn với các doanh nghiệp khác khi cùng kết nối, tìm mọi cách để giúp doanh nghiệp bạn hàng giảm bớt khó khăn và thiệt hại do dịch bệnh gây ra.
“Từ khi đại dịch xảy ra, câu chuyện loạn giá kit, test thử Covid-19 cũng xuất hiện, tuy nhiên không ai đề cập đến. Nhưng chỉ đến khi đại diện doanh nghiệp thẳng thắn chỉ ra rằng, tại sao kit test Covid-19 trong nước lại có giá cao hơn giá trên thế giới. Trong bối cảnh khó khăn này, nếu giá kit thử giảm 1 đồng thôi cũng sẽ hỗ trợ cho doanh nghiệp rất nhiều… Tôi cho rằng, sự lên tiếng của doanh nghiệp cũng là một cách san sẻ, đóng góp cho xã hội. Tôi rất mong sự san sẻ của doanh nghiệp ngày càng đa chiều và hiệu quả hơn nữa”, ông Ánh bày tỏ.
Ở góc độ doanh nghiệp, bàn về câu chuyện san sẻ khó khăn trong đại dịch, bà Nguyễn Thị Ngọc Huệ, Giám đốc Chiến lược nguồn nhân lực, truyền thông và đối ngoại của AEON Việt Nam, bày tỏ: Đặt lợi ích của khách hàng, nhân viên và cộng đồng lên trên lợi ích của doanh nghiệp đã trở thành tôn chỉ mục đích của AEON suốt 10 năm kể từ khi có mặt tại Việt Nam. Ngay cả trong thời điểm hoạt động kinh doanh bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch bệnh, thương hiệu bán lẻ đến từ Nhật Bản vẫn sẵn sàng nói “Không” với lợi nhuận ngắn hạn để kiên trì theo đuổi sứ mệnh của một nhà bán lẻ và trách nhiệm công dân doanh nghiệp.
“Sự san sẻ của AEON thể hiện bằng việc duy trì tối đa lực lượng lao động, đảm bảo việc làm và thu nhập cho gần 4.000 nhân viên suốt 1,5 năm qua. Đồng thời, hỗ trợ nhân viên bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch bệnh. Nhưng về phía người lao động của AEON, họ cũng san sẻ với doanh nghiệp bằng việc đồng lòng chung lưng đấu cật với doanh nghiệp để vượt qua thời khắc khó khăn nhất trong lịch sử…”, bà Huệ cho biết.
Trong khi đó, ông Khuất Quang Hưng, Giám đốc Đối ngoại và Truyền thông Công ty Nestlé Việt Nam, bày tỏ: Mặc dù dịch bệnh Covid-19 kéo dài hai năm vừa qua, nhưng Nestlé cách đây hơn 2 tháng mới tăng vốn lên 132 triệu USD để tăng gấp đôi công suất, với mục tiêu đưa Việt Nam trở thành trung tâm cung ứng cà phê có giá trị cao trên thế giới, đưa hạt cà phê Việt Nam đi xa hơn trên thị trường thế giới.
"Với nỗ lực của Chính phủ Việt Nam, chúng tôi tin rằng dù đại dịch phức tạp thế nào đi nữa thì chúng tôi tự tin, cam kết đầu tư và đẩy mạnh các hoạt động phát triển bền vững thời gian tới', ông Hưng nói.