Xu hướng chia nhỏ doanh nghiệp của các công ty lớn
(DNTO) - Để tồn tại và bắt kịp biến động trong thị trường cạnh tranh rất khốc liệt đang diễn ra, chiến lược chia nhỏ doanh nghiệp đang là cơn sốt mới nhất đối với các công ty toàn cầu khổng lồ.
Trung tuần tháng trước, đến lượt vài ông lớn tên tuổi thương trường như Johnson & Johnson (J&J), Toshiba và GE công bố kế hoạch tách thành nhiều đơn vị kinh doanh. Xu hướng các tập đoàn lớn chia nhỏ doanh nghiệp dường như đang bắt đầu khiến giới làm ăn cùng đặt nghi vấn tìm hiểu lý do.
Cụ thể, trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, J&J tách thành hai, một sản xuất các sản phẩm tiêu dùng và một cung cấp thuốc và thiết bị y tế. Những công ty Big Pharma khác bao gồm Pfizer, Merck và GlaxoSmithKline trong vài năm qua cũng đã phân chia thành các bộ phận lớn, hoặc đang có kế hoạch thực hiện như vậy.
Theo giới chuyên môn trong nghề y dược, lý do xảy ra hiện tượng này một phần đến từ... lòng tham của các nhà đầu tư. Nhóm rót tiền này sẵn sàng trả giá cao hơn cho các doanh nghiệp thuốc, công nghệ sinh học và thiết bị y tế đang phát triển nhanh chóng, hơn là mặn mà với mảng kinh doanh sản phẩm chăm sóc cá nhân và thuốc gốc của từng tập đoàn. Bằng chứng là cổ phiếu của J&J đã tăng gần 2% vào đầu phiên giao dịch ngay sau khi chia tách.
Tuy nhiên, nhìn vào động thái tương tự ở Toshiba và GE, người ta lại thấy các cuộc "ly hôn" của công ty không chỉ giới hạn ở lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Lý do đơn giản là, để tồn tại và bắt kịp xu hướng thị trường, các công ty phải xem xét ngành kinh doanh có lợi nhất của họ là gì, đâu là nơi nên dành phần lớn thời gian và sự tập trung. Một quy luật mới vừa xuất hiện, "Cạnh tranh rất khốc liệt. Đôi khi muốn phát triển, bạn phải phá bỏ để tái xây dựng”.
Những biến động nho nhỏ ban đầu nay đã trở thành làn sóng chia tay lớn. Các công ty bề thế trên khắp thế giới thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau đang bắt đầu cẩn trọng trong chiến lược chia nhỏ hoạt động. Gã khổng lồ công nghệ Dell gần đây đã tách mảng kinh doanh phần mềm và dịch vụ điện toán đám mây VMWare thành một công ty hoàn toàn riêng biệt. Nhà bán lẻ L Brands thì tách làm hai: Bath & Body Works và Victoria's Secret.
Riêng hãng điện toán IBM lại phân chia đơn vị dịch vụ công nghệ thông tin của mình thành một công ty mới có tên Kyndryl, để giờ đây nó linh hoạt hơn trong việc liên doanh với các đối thủ đám mây của IBM. Đa phần các công ty hành động tương tự nay đều cho rằng việc tách rời các bộ phận sẽ mang lại cho họ quyền tự chủ lớn hơn trong việc xây dựng các mối quan hệ kinh doanh mang ý nghĩa chiến lược mà một tập đoàn khổng lồ khó thực hiện.
Một lý do khác nữa, phân tách nhỏ tập đoàn cũng là một cách để công ty đảo ngược các quyết định mà ngay từ đầu các nhà đầu tư đã không hào hứng, nhưng bất đắc dĩ phải chấp nhận. Lấy ví dụ như trường hợp của những gã khổng lồ viễn thông Verizon và AT&T, chủ sở hữu của CNN Business, công ty mẹ WarnerMedia. Vài năm qua cổ phiếu của họ đã sa sút lớn trên thị trường, một phần do doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng chậm chạp, nhưng một phần cũng vì cả hai đã đi quá xa khỏi mảng kinh doanh cốt lõi khi thực hiện các giao dịch truyền thông nghe rất rầm rộ nhưng thiếu hiệu quả.
Sai lầm trước đây là thay vì chia tách, Verizon lại đi mua AOL và Yahoo rồi kết hợp chúng thành Verizon Media. Kết cục là chiến lược sáp nhập này dẫn đến thất bại. Nhận thấy cái hậu nhãn tiền ở Verizon, nay AT&T cũng đang có kế hoạch tách tập đoàn ra, tạo nên WarnerMedia để hợp nhất với đơn vị cáp và phát trực tuyến khổng lồ Discovery cho ra đời Warner Bros - Discovery.
Gần đây nhất, hôm 12/11 vừa qua, Tập đoàn Toshiba Nhật Bản cũng vừa công bố kế hoạch sẽ phân chia thành 3 công ty độc lập vào tháng 3/2024 bao gồm, một sẽ tập trung vào mảng hạ tầng, một sẽ hoạt động trong lĩnh vực thiết bị điện tử, phần còn lại sẽ giữ thương hiệu Toshiba và các tài sản khác.
Sau thông báo chia tách của GE, giới phân tích thương trường dự báo một số tập đoàn lớn khác của Mỹ như Emerson Electric, Roper Technologies và 3M có thể sẽ mạnh dạn triển khai các kế hoạch tinh giản cấu trúc, bằng cách chia nhỏ hoặc bán bớt mảng kinh doanh.
Tóm lại, xu thế các tập đoàn lớn chia nhỏ doanh nghiệp đang dần lớn mạnh là vì, nhờ có cấu trúc chi phí gọn nhẹ hơn họ sẽ vận hành linh hoạt ở các mảng kinh doanh riêng biệt, đồng thời cũng giúp giới đầu tư định giá họ dễ dàng. Đó được cho là con đường tốt nhất để nâng cao giá trị doanh nghiệp cho cổ đông, đặc biệt trước các thử thách quá cam go và khắc nghiệt của dịch bệnh Covid-19.