Còn nhiều 'nút thắt', thị trường địa ốc khó hút vốn ngoại
(DNTO) - Thủ tục phức tạp, hệ thống pháp lý chưa đồng bộ, đặc biệt là tín dụng và kênh trái phiếu doanh nghiệp bị "thắt cổ chai" khiến thời gian gần đây, vốn ngoại chưa mặn mà nhiều khi rót vào thị trường địa ốc.
Tại Hội thảo quốc tế “Tiềm năng phát triển thị trường bất động sản tại Việt Nam”, tổ chức sáng 13/7, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ KH&ĐT, cho hay hiện có 48 quốc gia/vùng lãnh thổ đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản, "bạo chi" nhất là Singapore, tiếp theo là Hàn Quốc, British VirginIslands và Nhật Bản.
Theo ông Tuấn, cả nước đã thu hút được hơn 37.500 dự án với tổng vốn đầu tư đạt gần 450 tỷ USD, trong đó đầu tư vào lĩnh vực bất động sản có 1.100 dự án với tổng vốn đầu tư đạt 66,4 tỷ USD, chiếm 15% tổng vốn đầu tư.
Tuy nhiên, môi trường đầu tư bất động sản tại Việt Nam cũng tồn tại một số vấn đề như thủ tục phức tạp, hệ thống pháp lý chưa đồng bộ, và đặc biệt là thời gian gần đây, tín dụng và kênh trái phiếu doanh nghiệp bị Nhà nước kiểm soát chặt chẽ... khiến vốn ngoại đang chảy chậm lại.
Cụ thể, tính đến ngày 20/5, tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam mới đạt gần 10,86 tỷ USD, giảm 7,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành kinh doanh bất động sản đã mất vị trí á quân, tụt hạng xuống đứng thứ 3 với tổng vốn đăng ký gần 1,16 tỷ USD, chiếm gần 11% tổng vốn đăng ký đầu tư, giảm 61% so với cùng kỳ năm trước (gần 3 tỷ USD), thế chân vào vị trí đó là hoạt động tài chính, ngân hàng.
Chia sẻ kinh nghiệm "hút" vốn ngoại, ông Hwang Sung Kwan, Chuyên gia Tổng công ty đất đai và nhà ở Hàn Quốc, cho rằng theo kinh nghiệm của Hàn Quốc, đồng hành phát triển đô thị là phát triển kinh tế.
"Có một khái niệm mới với Việt Nam là nền tảng UGPP, là chương trình đô thị hoá của Hàn Quốc. Tôi đề xuất một chương trình hợp tác song phương giữa Hàn Quốc và Việt Nam. Sự kết hợp kinh nghiệm, công nghệ Hàn Quốc để hỗ trợ Việt Nam - đất nước vốn có nhiều tiềm năng lớn, với phát triển bất động sản là phù hợp", ông Hwang Sung Kwan nói.
Cũng theo ông Hwang Sung Kwan, với việc đưa ra định hướng cụ thể, nhà đầu tư sẽ có cách nhìn rõ ràng hơn và dự án phát triển cần chi tiết tính giá từng thời điểm. Các nhà phát triển sẽ phân ra theo các hạng mục, công trình, khu vực đô thị thông minh. UGPP là đô thị bao trùm, vì con người, vì phát triển xã hội, mọi người dân được tiếp cận các dịch vụ phức hợp trong khu đô thị, kết nối thuận tiện.
"Đề xuất của chúng tôi là một hệ thống trong tiếp cận hạ tầng. Với một dự án khoảng 7.000 ha, có đủ các tiện ích từ nhà ở, văn phòng, trường học, bệnh viện, hạ tầng....Chúng tôi đang nỗ lực hết mình với đối tác Việt Nam để giải quyết các vấn đề nhà ở xã hội", ông Hwang Sung Kwan cho hay.
Còn theo ông Joseph Low, Chủ tịch Bộ phận Bất động sản Tập đoàn Keppel tại Việt Nam, lĩnh vực bất động sản đóng vai trò quan trọng đầu tiên trong hành trình hướng tới môi trường bền vững vì lĩnh vực này tạo ra khoảng 40% tổng lượng phát thải toàn cầu.
Hiện nay, nguồn cung nhà ở bị hạn chế bởi các thách thức đa dạng như vấn đề thanh khoản, thủ tục phê duyệt dự án không rõ ràng và phức tạp. Nếu không giải quyết, các vấn đề này sẽ làm tăng sự không ổn định trên thị trường, dẫn đến tăng chi phí xây dựng và cuối cùng là giá nhà cao hơn cho người dân Việt Nam.
Chúng tôi nhận thấy rằng Chính phủ đang cố gắng tinh gọn và tăng tốc quy trình phê duyệt, nhưng điều quan trọng là đảm bảo những nỗ lực này sẽ giúp giảm khoảng cách giữa nhu cầu và nguồn cung nhà ở.
"Nếu Chính phủ có thể tiến hành một nghiên cứu để xem xét quy trình tái phát triển và đưa ra các chính sách khuyến khích, ví dụ như tặng một phần diện tích trong các khu đất cũ, điều này sẽ khuyến khích các chủ đầu tư cải tạo những tòa nhà cũ để tối ưu hóa việc sử dụng đất ở khu vực trung tâm, cung cấp đủ quỹ đất để đáp ứng nhu cầu thị trường...", ông Joseph Low nhận định.
Đưa ra giải pháp để thu hút thêm vốn ngoại vào cho thị trường bất động sản, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, đề xuất Việt Nam cần tập trung giải quyết 5 vấn đề chính: Tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy định về pháp lý về thị trường bất động sản, đặc biệt là loại hình bất động sản mới (thành phố thông minh, bất động sản nghỉ dưỡng, bất động sản kết hợp với chăm sóc sức khỏe, condotel, officetel...) phù hợp với thông lệ quốc tế; chủ động thu hút đầu tư có chọn lọc, hướng đến các nhà đầu tư có năng lực tài chính tốt, có giải pháp gắn với mô hình chuyển đổi kinh tế xanh, bền vững; khẩn trương điều hành linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, đáp ứng nhu cầu dòng vốn tín dụng phục vụ phát triển thị trường bất động sản. Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, người mua nhà và nhà đầu tư được nhanh chóng tiếp cận nguồn vốn tín dụng...; tiếp tục hoàn thiện và nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng nói chung và cơ sở hạ tầng giao thông nói riêng để tạo nền tảng cho sự phát triển của thị trường bất động sản; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh hấp dẫn, cạnh tranh, thông thoáng, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về chính sách để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư, đặc biệt là đối với các dự án sử dụng đất lớn nhưng chậm triển khai.