Coi trọng phát triển dịch vụ ngân hàng cá nhân trong năm 2022
(DNTO) - Dự báo trong giai đoạn 2021 -2025, lĩnh vực Ngân hàng tiếp tục có sự tăng trưởng mạnh mẽ, trong đó có phân khúc dịch vụ ngân hàng bán lẻ.
Nhu cầu về các dịch vụ ngân hàng bản lẻ của doanh nghiệp và người dân ngày càng tăng cao, khiến định hướng tập trung phát triển dịch vụ ngân hàng bán lẻ đang trở thành xu hướng tất yếu, đây được coi là chiến lược phát triển trọng tâm của nhiều ngân hàng nhằm đa dạng nguồn thu, giảm thiếu rủi ro hoạt động và đạt hiệu quả kinh doanh.
TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho rằng, đại dịch Covid-19 gây ảnh hưởng vô cùng nghiêm trọng đến người dân và doanh nghiệp, song nhờ chủ động ứng dụng công nghệ các tổ chức tín dụng, công ty tài chính, các trung gian thanh toán đã cho ra đời nhiều sản phẩm, dịch vụ ngân hàng hiện đại, tiện ích như: mobile banking, internet banking, QR code….
Đặc biệt sau khi được Ngân hàng Nhà nước cho phép, các ngân hàng đã sử dụng công nghệ để định danh khách hàng (EKYC), các sản phẩm dịch vụ ngân hàng đã đáp ứng nhu cầu của người dân, đảm bảo an toàn, tiết kiệm thời gian, hỗ trợ khách hàng ở vùng sâu, vùng xa, khó khăn tiếp cận dịch vụ ngân hàng.
Thực tế cho thấy, phát triển các sản phẩm cá nhân thúc đẩy quá trình bán lẻ phát triển hơn, trên cơ sở đó đấy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế. Dư nợ cho vay bán lẻ ngày càng chiếm tỷ lệ cao, từ 40-50% đối với các ngân hàng trung bình, có các ngân hàng tỷ trọng cho vay bán lẻ chiếm đến 60%” - TS. Nguyễn Quốc Hùng cho biết.
Bên cạnh kết quả đạt được, các chuyên gia trong lĩnh vực tài chính ngân hàng cũng chỉ ra các dịch vụ ngân hàng bán lẻ còn nhiều bất cập, như: tỷ lệ khách hàng cá nhân tiếp cận và sử dụng dịch vụ ngân hàng, đặc biệt là các dịch vụ ngân hàng hiện đại vẫn còn ở mức khiêm tốn, do mức thu nhập của phần lớn dân cư còn thấp.
Kênh phân phối ngân hàng bán lẻ chưa thực sự đa dạng, phương thức giao dịch và cung cấp các dịch vụ chủ yếu vẫn là giao dịch trực tiếp tại quầy, các hình thức giao dịch từ xa dựa trên nền tảng công nghệ thông tin tuy đã phát triển nhưng chưa phổ biến. Thông tin dữ liệu về khách hàng cá nhân còn thiếu, cơ chế phối hợp, hợp tác, chia sẻ dữ liệu thông tin giữa các cơ quan, doanh nghiệp… chưa có quy định rõ ràng, nên các ngân hàng gặp nhiều khó khăn trong việc khai thác thông tin khách hàng để phát triển các sản phẩm tài chính cá nhân.
Chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Trí Hiếu chia sẻ một số kinh nghiệm Quốc tế để thúc đẩy phát triển mạng lưới tài chính cá nhân: “Ở bên Mỹ các trường học phổ biến về vấn đề tài chính, mọi người có thể nắm được những điều cơ bản về vấn đề tài chính ngân hàng nên vấn đề bảo mật rất cao do ý thức tự bảo vệ mình của khách hàng. Xu hướng chuyển đổi số là đương nhiên, mới có 40% dân số tiếp cận dịch vụ ngân hàng, vì vậy cần có phương thức để người dân Việt Nam sử dụng dễ dàng như mobile money”.
Để nắm bắt cơ hội, các chuyên gia khuyến nghị hệ thống ngân hàng cần nhanh chóng đổi mới mô hình kinh doanh, trong đó đẩy mạnh hơn nữa việc phát triển và hoàn thiện các dịch vụ tài chính cá nhân thích ứng với điều kiện “bình thường mới”; đồng thời tăng cường hợp tác, phát triển mở rộng hệ sinh thái ngân hàng số nhằm mang đến cho khách hàng cá nhân các sản phẩm, dịch vụ tài chính số đa dạng, đáp ứng nhu cầu và gắn kết khách hàng.