Cổ phiếu trùm dầu mỏ thu lợi từ giá năng lượng tăng vọt
(DNTO) - Khi giá dầu và các loại nhiên liệu tiếp tục tăng theo sự đòi hỏi ngày càng lớn của nhu cầu, giá trị tài sản ròng của một số ông trùm dầu mỏ thế giới, đặc biệt là Hoa Kỳ, cũng nhảy vọt.
Với nguồn cung toàn cầu từ các kho dự trữ năng lượng bị thắt chặt và nhu cầu đòi hỏi ở khắp nơi khi nhiều quốc gia phục hồi sau đại dịch, giá dầu đạt gần mức cao nhất trong 7 năm qua, tăng khoảng 70%, lên đến 85 USD/ thùng, khiến giá các loại nhiên liệu khác cũng bị đẩy lên theo.
Tại Mỹ, xăng dầu đắt hơn bất kỳ thời điểm nào kể từ năm 2014, còn giá khí đốt tự nhiên hay than đá cũng đã tăng hơn gấp đôi năm nay cho dù các quốc gia khác như Trung Quốc hay Ấn Độ đều dồn dập sản xuất gấp rút. Trong bối cảnh ấy, giá trị cổ phiếu của các công ty dầu khí nhảy vọt, hầu hết đạt lợi nhuận hai con số, bao gồm Chevron (tăng 33%), Exxon Mobil (55%), Hess (58%), ConocoPhillips (89%), Occidental Petroleum (92%) và Diamondback Energy (122%).
Một số tay trùm dầu mỏ của Mỹ đang thực sự hưởng lợi. Harold Hamm, ông chủ của một trong những công ty dầu mỏ độc lập lớn nhất nước, Continental Resources, hiện sở hữu tài sản trị giá 15,8 tỷ USD, tăng từ 9,4 tỷ USD chỉ trong sáu tháng. Còn lãnh đạo Kaiser-Francis Oil Co., George Kaiser, bỏ túi thêm 5,8 tỷ đô la thành 10,5 tỷ USD. Trong khi đó Jeffrey Hildebrand của công ty dầu tư nhân Hilcorp hài lòng chứng kiến khối tài sản của mình tăng gấp ba, đến 6 tỷ đô la.
Cơn thủy triều giá dầu đã thực sự xoay chuyển kể từ năm ngoái lúc nó giảm sâu chớp nhoáng xuống dưới 0 USD/thùng vào tháng 4 năm 2020. Lý do là vì nhu cầu sử dụng giảm mạnh, nhiên liệu dư nhiều quá khiến các công ty hết chỗ chứa. Thế nhưng, khi các quốc gia dần dà phục hồi sau những đợt suy thoái kinh tế do đại dịch gây ra, sức tiêu thụ dầu đã tăng nhanh hơn mức các nhà sản xuất có khả năng cung cấp, cộng thêm tình trạng thiếu hụt than và khí đốt tự nhiên, giá dầu càng tha hồ phi mã.
Cơn sóng lớn này được dự báo là sẽ chưa dừng. Sau khi OPEC từ chối tăng sản lượng, các nhà phân tích tại Bank of America phỏng đoán giá dầu thô sẽ tăng trên 100 USD/thùng. Còn chuyên gia Goldman Sachs cũng ước tính nhu cầu dầu toàn cầu gần như đã phục hồi hoàn toàn sau chuỗi sụp đổ vì đại dịch, và sẽ đạt như trước khi có dịch, chỉ trong thời gian ngắn.
Hầu hết đều nhận định, giá dầu có thể đạt trung bình 85 USD/thùng trong ít nhất vài năm tới. Còn với tương lai xa hơn, khi những nỗ lực toàn cầu tập trung vào vấn đề biến đổi khí hậu tạo ra sự chênh lệch đáng kể trong dài hạn giữa cung và cầu dầu mỏ, hy vọng mới có biến động. Nhóm 6,7 ông lớn dầu khí thế giới đang cố gắng thu hẹp sản lượng dầu và thay vào đó là đầu tư vào năng lượng tái tạo, chấp nhận chi phí biên lợi nhuận thấp hơn.
Tuy nhiên theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, các quốc gia như Mỹ muốn cắt giảm được khí thải carbon vào năm 2050, họ sẽ chấp nhận đạt mức sử dụng dầu cao nhất vào năm 2025. Bên cạnh đó, dựa trên các khoản đầu tư hiện nay, sản xuất điện xanh xem ra chưa đủ để thay thế lượng dầu tiêu thụ, ít nhất cho đến năm 2035. Thế nên, cổ phiếu của các trùm dầu mỏ vẫn cứ còn thu lợi từ giá năng lượng vốn còn lâu mới hạ nhiệt.