Hoạt động khai thác bitcoin ở Trung Quốc khiến tình trạng biến đổi khí hậu thêm tồi tệ
(DNTO) - Theo nghiên cứu, khoảng 75% hoạt động khai thác bitcoin trên thế giới được thực hiện ở Trung Quốc, nơi có điện giá rẻ và tương đối dễ dàng tiếp cận với các nhà sản xuất chế tạo phần cứng chuyên dụng. Hoạt động này đang đe dọa các mục tiêu về biến đổi khí hậu toàn cầu
Không giống như hầu hết các hình thức tiền tệ được phát hành bởi một đơn vị như ngân hàng trung ương, bitcoin dựa trên một mạng lưới phi tập trung và phải mất công “khai thác” mới có được. Quy trình “đào” chúng trên máy tính tiêu tốn một lượng lớn điện năng, đặc biệt là khi nhiều dàn máy cùng lúc tiến hành trên quy mô lớn.
Trung Quốc có thể sẽ khó đạt mục tiêu giảm phát thải đề ra do tình trạng carbon tích tụ thêm từ khai thác bitcoin. Theo nghiên cứu, khoảng 75% hoạt động khai thác loại tiền ảo này trên thế giới được thực hiện ở Trung Quốc, nơi có điện giá rẻ và tương đối dễ dàng tiếp cận với các nhà sản xuất chế tạo phần cứng chuyên dụng. Hệ lụy là, lượng carbon “con đẻ” của những nhà xưởng bitcoin trong quốc gia này nhiều bằng số khí thải từ một trong mười thành phố lớn nhất đất nước.
Năm ngoái, Chủ tịch Tập Cận Bình công bố Trung Quốc đang đặt mục tiêu trung hòa lượng carbon vào năm 2060, sau khi đạt mức phát thải cao nhất vào năm 2030. Nhưng hiện trạng khai thác bitcoin có nguy cơ làm trật bánh đường ray kế hoạch đó.
Các chuyên gia nhận định, nếu không có các biện pháp can thiệp thích hợp cũng như những chính sách khả thi, hoạt động blockchain bitcoin chuyên sâu ở Trung Quốc có nguy cơ nhanh chóng phát triển thành một mối đe dọa làm suy yếu nỗ lực giảm phát thải đang toan tính của quốc gia này.
Trên toàn thế giới, việc khai thác bitcoin tiêu thụ năng lượng ước tính khoảng 128,84 terrawatt/giờ mỗi năm, nhiều hơn cả điện lưu của Ukraine và Argentina cộng lại, trở thành nguyên nhân làm suy yếu các nỗ lực bền vững toàn cầu. Nếu không có bất kỳ can thiệp chính sách nào, mức tiêu thụ năng lượng hàng năm đến từ nỗi nhức nhối bitcoin tại Trung Quốc dự kiến sẽ đạt đỉnh vào năm 2024 ở mức 296,59 Twh, và tạo ra 130,50 triệu tấn khí thải carbon tương ứng, vượt qua tổng mức tiêu thụ năng lượng của Ý hoặc Ả Rập Xê Út.
Một số động thái chấn chỉnh nguy cơ này đã xuất hiện. Do không đạt mục tiêu đánh giá của chính phủ trung ương về việc sử dụng năng lượng vào năm 2019 và bị Bắc Kinh phê bình, khu vực Nội Mông của Trung Quốc vào tháng trước cho biết, họ đang có kế hoạch cấm các dự án khai thác tiền điện tử mới và đóng cửa những hoạt động hiện có từ tháng 4/2021, cũng như sẽ không phê duyệt bất kỳ dự án mới nào nhằm cắt giảm mức tiêu thụ năng lượng.
Động cơ khai thác bitcoin chuyên sâu của Trung Quốc có thể không chỉ là kiếm tiền (giá trị của bitcoin đã tăng từ 7.000 đô la lên gần 60.000 USD trong năm ngoái), mà còn nhuốm mùi hơi hướng chính trị. Tỷ phú Peter Thiel của thung lũng Silicon đã bày tỏ lo ngại rằng, bitcoin có thể được sử dụng như một vũ khí tài chính của Trung Quốc chống lại Hoa Kỳ khi có khả năng đe dọa làm suy yếu đồng USD. Nhân vật đồng sáng lập PayPal và Palantir này đã đầu tư vào các công ty bitcoin trong quan điểm “với bitcoin, kỹ thuật số tương đương với vàng”.