Cổ phiếu ngành chăn nuôi heo: 'Cửa sáng' phía trước
(DNTO) - Giá thịt heo tăng cao trong tháng 5 và được dự đoán tiếp tục tăng trong bối cảnh nguồn cung giảm, sức mua tăng trở lại. Lợi nhuận các doanh nghiệp trong ngành dự đoán sẽ có sức bật mới, với hai cổ phiếu ngành chăn nuôi heo được đặt nhiều kỳ vọng là BAF và DBC.
Dù đà tăng không quá gấp và mạnh, ngược lại khá bền bỉ và kiên trì là nhóm cổ phiếu ngành chăn nuôi heo trong hơn một tháng qua.
Mã BAF của Công ty cổ phần Nông nghiệp BAF Việt Nam tăng hơn 18% trong hơn một tháng giao dịch vừa qua, từ mức giá 20.400 đồng/cp ngày 28/4 chốt phiên hôm nay, ngày 31/5, BAF đã có thị giá 24.100 đồng/cp.
Dù đang nằm trong diện bị cảnh báo, mã HAG của Công ty cổ phần của Hoàng Anh Gia Lai cũng đảo chiều tăng giá. Trong một tuần giao dịch vừa qua, HAG đã tăng gần 6%, nếu tính theo tháng, HAG cũng giữ mức tăng hơn 7%.
Đáng chú ý, cổ phiếu DBC của Công ty cổ phần Tập đoàn Dabaco Việt Nam đã tăng hơn 36% trong tháng qua Phiên giao dịch cuối cùng của tháng 5 hôm nay, DBC đã tăng mạnh hơn 5,2%, chốt tại 20.000 đồng/cp, trong khi ngày đầu tháng, thị giá mới chỉ dừng ở 14.800 đồng/cp.
Nhìn chung, các cổ phiếu của ngành chăn nuôi có xu hướng tăng điểm khá tích cực. Ngoài sự ảnh hưởng từ thị trường chung khi VN-Index cũng tăng điểm khá tốt trong tháng qua, mức tăng khoảng 3,3%, thì đà tăng của nhóm còn đến từ triển vọng tích cực với các doanh nghiệp trong ngành.
'Cửa sáng' ở giá thịt heo
Tháng 5 ghi nhận giá thịt heo tăng mạnh hơn 10% so với tháng trước. Theo nhận định của nhiều chuyên gia, mức giá này sẽ còn tiếp tục.
Nửa cuối năm 2023, được đánh giá là giai đoạn phục hồi của giá heo hơi trong nước nhờ nhu cầu gia tăng với mặt hàng này. Lạm phát hạ nhiệt có thể kích cầu chi tiêu của người dân. Hiện tại, thịt heo vẫn là món ăn chủ đạo trong bữa ăn người dân bởi sự dễ ăn, dễ chế biến mà nhiều thực phẩm khác khó thay thế như thịt bò hay thịt gà.
Xu hướng giảm của tiêu thụ thịt heo từng xuất hiên nay đang có dấu hiệu dần chững lại và ổn định hơn ở một mức độ nhất định. Dự báo tốc độ tăng trưởng tiêu thụ thịt heo của Việt Nam trong giai đoạn 2018-2026 được cho sẽ tăng lên 25%, đến năm 2026, theo Fitch Solution.
Trong khi đó, nguồn cung nội địa giai đoạn cuối năm lại có khả năng sụt giảm mạnh khi nhiều hộ chăn nuôi (chiếm 38% sản lượng nội địa) e ngại tái đàn do giá heo giảm thời gian qua và giá thức ăn chăn nuôi cao. Nguy cơ từ dịch tả lợn châu Phi cũng đe doạ không nhỏ với ngành chăn nuôi.
Tại Trung Quốc, thị trường tiêu thụ nhiều thịt heo trong nước, nguồn cung cũng được nhận định giảm vào cuối năm do ảnh hưởng từ số lượng quy mô đàn nái.
Một nguyên nhân cần tính đến khi quan sát đó là giá thức ăn chăn nuôi vẫn duy trì ở mức tương đối cao dù đã có phần hạ nhiệt hơn vào cuối năm ngoái. Báo cáo của USDA dự báo, sản lượng ngũ cốc toàn cầu sẽ đạt hơn 1.440 triệu tấn trong vụ mùa 2022/2023, con số này sẽ giảm gần 60% so với cùng kỳ. Nguyên nhân là nhiều nước giảm diện tích gieo trồng do hạn hán kéo dài đến cuối năm khi hiện tượng El Nino khả năng cao sẽ trở lại. Theo đó, giá ngũ cốc khả năng duy trì ở mức cao trong năm 2023.
Như vậy, có thể thấy, trong bối cảnh nguồn cung bị đe doạ bởi nhiều yếu tố, chi phí đầu vào tăng cao, giá heo hơi sẽ khó giữ nguyên như hiện tại.
Theo nhận định của VNDirect, giá lợn hơi quý 2 sẽ tăng 9,7% so với quý trước và cải thiện rõ rệt hơn trong quý 3 và quý 4 ở mức 11,6%/4,0% so với quý trước lên mức 62.000 - 65.000/kg.
"Trong 2023, chúng tôi kỳ vọng giá lợn hơi bình quân tăng 5% so với cùng kỳ lên mức 59.000/kg", các chuyên gia cho biết.
Điểm mặt hai cổ phiếu BAF và DBC
Việc giá heo tăng lên sẽ giúp biên lợi nhuận các doanh nghiệp trong ngành chăn nuôi được cải thiện, tiền đề quan trọng giúp cổ phiếu nhóm ngành này hưởng lợi. VNDirect cho biết, các doanh nghiệp sản xuất thịt có thể ghi nhận biên lợi nhuận gộp cải thiện từ 1,0-1,5 điểm % trong năm 2023.
Hai mã cổ phiếu được các công ty chứng khoán khuyến nghị tích cực nhất hiện nay thuộc về BAF và DBC.
Với BAF, các chuyên gia kỳ vọng ở nỗ lực mở rộng quy mô trang trại nuôi heo, xây dựng thêm các nhà máy cám để đảm bảo tự chủ nguồn thức ăn chăn nuôi. Ngoài ra, theo VNDirect, doanh thu BAF được kỳ vọng tăng nhẹ 2,1% so với cùng kỳ, trong khi LN ròng cải thiện 6,0%, tương đương với kế hoạch kinh doanh của công ty.
Tại DBC, động lực chính của doanh nghiệp này đén từ nỗ lực tái đàn trong bối cảnh quy mô đàn heo đang ở mức thấp, đặc biệt là việc phát triển thành công vacxin cho dịch tả lợn, dự kiến nhà máy vắc-xin sẽ bắt đầu đưa vào chạy thử trong tháng 6 này và cho ra sản phẩm thương mại vào quý 4. VNDirect dự phóng DBC ghi nhận lợi nhuận ròng gấp hơn 23 lần so với năm 2022.
Dù vậy, nhà đầu tư cũng cần lưu ý những rủi ro có thể xảy ra với các doanh nghiệp như giá các nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi cao có thể tăng hơn; nhu cầu thịt suy giảm hay giá lợn hơi không được như kỳ vọng do các yếu tố tác động bất ngờ nào đó.