CIEM dự báo kịch bản cao cho tăng trưởng năm 2024 có thể đạt 6,95%

(DNTO) - Các chuyên gia thuộc Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng tăng trưởng GDP cả năm 2024 có thể chạm mốc gần 7% sau khi Việt Nam có quý tăng trưởng vượt tiềm năng thứ 4 liên tiếp.

CIEM dự báo kịch bản cao cho tăng trưởng năm 2024 là 6,95%. Ảnh: TL.
Trình bày báo cáo của nhóm nghiên cứu tại hội thảo “Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm và triển vọng cả năm 2024: Động lực mới cho tăng trưởng có chất lượng” ngày 9/7, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban, Ban Nghiên cứu tổng hợp (CIEM), đã đưa ra hai kịch bản cập nhật dự báo kinh tế vĩ mô trong năm 2024.
Theo đó, trong kịch bản 1, tăng trưởng GDP dự báo đạt 6,55% trong năm 2024. Xuất khẩu cả năm 2024 tăng 9,54% so với năm 2023. Chỉ số CPI bình quân cả năm 2024 tăng 4,31% so với năm 2023. Cán cân thương mại giữ được thặng dư ở mức 5,7 tỷ USD.
Kịch bản 2, tích cực hơn, dự báo tăng trưởng GDP ở mức 6,95% trong năm 2024. Xuất khẩu cả năm 2024 tăng 11,64% so với năm 2023. Chỉ số CPI bình quân cả năm 2024 tăng 4,12% so với năm 2023. Cán cân thương mại đạt thặng dư ở mức 7,3 tỷ USD.

Ông Nguyễn Anh Dương cho biết, tăng trưởng tương đối tích cực so với các nước trong khu vực; tăng trưởng GDP thực tế của Việt Nam đã vượt so với tiềm năng trong 4 quý liên tiếp; phục hồi tăng trưởng kinh tế diễn ra ở cả 3 nhóm ngành; thu hút FDI tiếp tục là điểm sáng…
Theo đó, kịch bản 1 giả thiết các yếu tố kinh tế thế giới tiếp tục duy trì phù hợp với đánh giá của các tổ chức quốc tế, và Việt Nam duy trì nỗ lực chính sách tương tự như đề ra trong nửa đầu năm 2024.
Lý giải về kịch bản 2 (GDP cao trong khi CPI lại thấp hơn so với kịch bản 1), ông Nguyễn Anh Dương cho biết kịch bản 2 giả thiết bối cảnh kinh tế thế giới có một số chuyển biến tích cực hơn như tăng trưởng toàn cầu phục hồi nhanh; nhà đầu tư gia tăng đầu tư vào các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam; và đặc biệt là sự phục hồi mạnh mẽ của chuỗi cung ứng toàn cầu.
“Chỉ số giá nhập khẩu hàng hóa quý 2/2024 giảm hơn 3% so với cùng kỳ năm trước. Điều này góp phần điều chỉnh chỉ số CPI giảm trong quý 2/2024 cũng như thời gian sắp tới”, ông Dương nhận định.
Ngoài ra, theo ông Nguyễn Anh Dương, kịch bản này cũng giả thiết Việt Nam thực hiện hiệu quả các giải pháp cải cách và điều hành kinh tế ở Việt Nam, qua đó giúp đạt kết quả tối đa về giải ngân đầu tư công và tín dụng, cải thiện môi trường kinh doanh...
Trước đó, báo cáo tại phiên họp Chính phủ thường kỳ và Hội nghị Chính phủ với các địa phương, ngày 6/7, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, dựa trên kết quả tăng trưởng của quý II, 6 tháng, với tương ứng ước đạt 6,93% và 6,42%, vượt cận trên kịch bản tại Nghị quyết số 01/NQ-CP và dự báo cả năm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã cập nhật 2 kịch bản tăng trưởng năm 2024.
Cụ thể, với Kịch bản 1, tăng trưởng cả năm đạt 6,5% (cận trên mục tiêu Quốc hội quyết nghị). Để đạt được con số này, tăng trưởng quý III chỉ cần đạt 6,5%, và quý IV là 6,6%, thấp hơn kịch bản tại Nghị quyết số 01/NQ-CP (6,7% và 7,0%). Kịch bản 2, tăng trưởng cả năm đạt 7%. Theo đó thì tăng trưởng quý III phải đạt 7,4%, quý IV phải đạt 7,6%, cao hơn kịch bản tại Nghị quyết số 01/NQ-CP 0,7 điểm phần trăm và 0,6 điểm phần trăm.
Đưa ra 2 kịch bản song Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị lựa chọn kịch bản tăng trưởng cả năm 6,5 - 7%, phấn đấu đạt mức cao 7%.
Để đạt được mục tiêu trong những tháng cuối năm, CIEM kiến nghị cải thiện chất lượng tăng trưởng; cải thiện năng lực đổi mới sáng tạo, thích ứng với các xu hướng lớn như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh; tăng năng suất lao động; hoàn thiện khung pháp lý cho các mô hình kinh tế mới như kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế sáng tạo.
Cùng với đó, Chính phủ cần có giải pháp điều hành chính sách kinh tế vĩ mô phù hợp. Theo CIEM, nếu chỉ tập trung nới lỏng tiền tệ và tài khóa để thúc đẩy tăng trưởng thì áp lực lạm phát sẽ gia tăng. Do đó, Chính phủ cần theo dõi diễn biến lạm phát, nhất là tác động của tăng lương và tăng giá các mặt hàng do nhà nước quản lý giá; đồng thời, giữ gìn dư địa tài khóa để ứng phó với các cú sốc trong tương lai; thực hiện hiệu quả các FTA; tập trung hơn vào tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, thay vì yêu cầu tuân thủ…
Trước đó, báo cáo tại phiên họp Chính phủ thường kỳ và Hội nghị Chính phủ với các địa phương, ngày 6/7, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, dựa trên kết quả tăng trưởng của quý II, 6 tháng, với tương ứng ước đạt 6,93% và 6,42%, vượt cận trên kịch bản tại Nghị quyết số 01/NQ-CP và dự báo cả năm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã cập nhật 2 kịch bản tăng trưởng năm 2024.
Cụ thể, với Kịch bản 1, tăng trưởng cả năm đạt 6,5% (cận trên mục tiêu Quốc hội quyết nghị). Để đạt được con số này, tăng trưởng quý III chỉ cần đạt 6,5%, và quý IV là 6,6%, thấp hơn kịch bản tại Nghị quyết số 01/NQ-CP (6,7% và 7,0%). Kịch bản 2, tăng trưởng cả năm đạt 7%. Theo đó thì tăng trưởng quý III phải đạt 7,4%, quý IV phải đạt 7,6%, cao hơn kịch bản tại Nghị quyết số 01/NQ-CP 0,7 điểm phần trăm và 0,6 điểm phần trăm.
Đưa ra 2 kịch bản song Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị lựa chọn kịch bản tăng trưởng cả năm 6,5 - 7%, phấn đấu đạt mức cao 7%.