Chuyên gia: Ưu tiên sử dụng chính sách tài khóa để phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội
(DNTO) - Các chuyên gia kinh tế tán thành với quan điểm của Chính phủ trong triển khai chương trình phục hồi, phát triển là ưu tiên sử dụng chính sách tài khóa hơn là chính sách tiền tệ, trong đó có việc sử dụng chính sách tài khóa để hỗ trợ chính sách tiền tệ, như việc dùng 40.000 tỷ đồng để hỗ trợ lãi suất.
Tại cuộc thảo luận về giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, thúc đẩy phục hồi nhanh và phát triển bền vững, chiều 30/7, do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì, các chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, Trần Đình Thiên, Nguyễn Đình Cung tán thành với quan điểm của Chính phủ nói chung và trong triển khai chương trình phục hồi, phát triển nói riêng là ưu tiên sử dụng chính sách tài khóa hơn là chính sách tiền tệ, trong đó có việc sử dụng chính sách tài khóa để hỗ trợ chính sách tiền tệ, như việc sử dụng 40.000 tỷ đồng để hỗ trợ lãi suất.
TS. Trần Đình Thiên cũng ủng hộ quan điểm được Thủ tướng nhiều lần nêu rõ là cần phản ứng chính sách một cách hết sức linh hoạt, để bảo đảm "cân bằng động" phù hợp tình hình. Trong khi đó, TS. Võ Trí Thành cho rằng Việt Nam có đủ nguồn lực, kinh nghiệm và công cụ để thực hiện cả 3 lựa chọn sáng tạo, phù hợp nhưng cũng đầy thách thức là "ổn định kinh tế vĩ mô, phục hồi tăng trưởng và gắn với phát triển bền vững".
Nhiều chuyên gia trong và ngoài nước thống nhất cho rằng lạm phát tại Việt Nam chủ yếu là do chi phí đẩy, trong đó nguyên nhân chủ yếu do giá xăng dầu từ tác động trên thế giới. Đây là điểm cần lưu ý khi triển khai các giải pháp, với khuyến nghị cần kiểm soát chặt chẽ giá cả các mặt hàng liên quan tới giá xăng dầu, nhất là các mặt hàng giảm giá chậm so với giá xăng dầu.
Phát biểu tại cuộc thảo luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, bên cạnh những thành tựu và kết quả đạt được, tình hình kinh tế - xã hội còn nhiều tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức.
Cụ thể, đà tăng trưởng tốt nhưng nền tảng để tăng trưởng ổn định và bền vững còn rất khó khăn. Sức ép lạm phát lớn và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Môi trường kinh doanh chưa có đột phá. Thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản tính minh bạch chưa cao, thiếu tính ổn định và bền vững. Nền kinh tế Việt Nam đang trong trạng thái chuyển đổi với những khó khăn nội tại.
Những tồn tại và hạn chế này có nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó Thủ tướng nhấn mạnh những hạn chế về nguồn nhân lực, bên cạnh những mặt được rất cơ bản. Thủ tướng khẳng định: Quan điểm định hướng chỉ đạo điều hành kinh tế vĩ mô trong thời gian tới là tuyệt đối không được chủ quan, nắm chắc diễn biến tình hình quốc tế, trong nước, tăng cường năng lực phân tích, dự báo và kỷ luật, kỷ cương trong chỉ đạo điều hành, sử dụng chủ động, linh hoạt và phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các công cụ chính sách để thực hiện ưu tiên kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm các cân đối lớn, củng cố và phát triển các loại trường vốn, thị trường bất động sản một cách an toàn, lành mạnh, hiệu quả và bền vững, góp phần hỗ trợ, thúc đẩy phục hồi nhanh và phát triển bền vững, kiểm soát dịch bệnh, dự báo được rủi ro, nâng cao khả năng chống chịu và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Đây là một mục tiêu ưu tiên vừa mang tính cấp bách, vừa mang tầm chiến lược và cũng là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong thời gian còn lại của năm 2022 và những năm tiếp theo.
Tiếp tục thực hiện chính sách tài khoá mở rộng hợp lý
Về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, Thủ tướng nêu rõ, thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng, chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ với chính sách tài khoá và các chính sách khác để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.
Tiếp tục thực hiện chính sách tài khoá mở rộng hợp lý, bảo đảm hiệu quả, tăng thu, tiết kiệm chi, điều chỉnh các công cụ chính sách một cách phù hợp để vừa hỗ trợ tổng cầu, thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, vừa góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an toàn tài chính quốc gia.
Nhấn mạnh nguyên tắc chủ động, thận trọng, linh hoạt, sáng tạo, bình tĩnh, hiệu quả, sát tình hình và phù hợp điều kiện, hoàn cảnh đất nước, Thủ tướng lấy ví dụ: Trong điều kiện lạm phát chủ yếu do chi phi đẩy thì chính sách tiền tệ càng phải thận trọng, chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; nếu thị trường thế giới thu hẹp thì phải đẩy mạnh thị trường trong nước, sử dụng phù hợp các công cụ tài khóa như thuế, phí, lệ phí, đầu tư công… Có những vấn đề cần tập trung trọng tâm, trọng điểm như đầu tư công, có vấn đề phải mở rộng như an sinh xã hội. Có những vấn đề trước mắt cần giải quyết như giá cả, có những vấn đề lâu dài như nhân lực, hạ tầng chiến lược…
Cùng với đó, tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát thị trường, giá cả, điều hành hết sức linh hoạt, nhất là đối với các mặt hàng chiến lược, thiết yếu cho sản xuất, đời sống, trong đó có xăng dầu, lương thực, thực phẩm và sắp tới là các mặt hàng, dịch vụ liên quan tới năm học mới sắp tới…; tăng cường phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại.
Đẩy mạnh phát triển thị trường nội địa, đồng thời đa dạng hóa các thị trường quốc tế, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu hàng Việt Nam, thúc đẩy xuất khẩu bền vững.
Tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách để khơi thông, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực thúc đẩy phục hồi nhanh và phát triển bền vững...
Khẳng định Chính phủ luôn cầu thị và mong muốn tiếp tục lắng nghe các ý kiến từ các chuyên gia, nhà khoa học, tổ chức quốc tế, Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương tổng hợp, chắt lọc, tiếp thu các ý kiến, hoàn thiện các báo cáo, tài liệu, đề xuất Chính phủ và cấp có thẩm quyền theo quy định.