Chuyên gia hiến kế giải cơn sốt vàng âm ỉ và kinh nghiệm quốc tế cho Việt Nam
(DNTO) - Theo chuyên gia, phải rạch ròi chức năng của vàng là hàng hóa hay dự trữ ngoại hối, để từ đó có "ứng xử" phù hợp với vàng. Thành lập sàn giao dịch vàng hay phát hành chứng chỉ vàng là "chốt chặn"quản lý cần tính đến ở thời điểm hiện nay khi công nghệ của chúng ta đã tốt hơn.
“Cơn bão giá vàng” đã qua bàn tay đầu cơ, thao túng thị trường
Sau đà tăng nóng, giá vàng miếng SJC đã dần ổn định trong khi giá vàng nhẫn cũng lùi xuống dưới mốc 77 triệu đồng/lượng. Ngân hàng Nhà nước đã thành công trong việc kéo giảm mức chênh quá cao của vàng miếng SJC so với giá thế giới và so với vàng nhẫn thông qua hình thức cung ứng vàng và cho các ngân hàng thương mại nhà nước bán vàng miếng SJC bình ổn giá.
Tuy nhiên, việc kéo giảm chênh lệch giá vàng là chưa đủ. Câu chuyện quản lý thị trường vàng vẫn chưa có đáp án cuối cùng, càng chưa thể có lời giải thấu đáo cho thói quen tích trữ vàng hàng trăm năm của người Việt. Bởi “căn bệnh” của thị trường vàng được các chuyên gia chỉ ra là chưa có giao dịch tập trung, thiếu minh bạch khi được phân phối qua mạng lưới các cửa hàng vàng sẽ khiến công tác quản lý khó khăn, nhất là khi giá vàng biến động.
Trước đó, thảo luận tại nghị trường Quốc hội, các đại biểu cũng không khỏi băn khoăn khi trong những tháng đầu năm, giá cả một số mặt hàng, dịch vụ tăng cao, nhất là giá vàng, tỷ giá USD dẫn đến một số tác động tiêu cực, khiến chỉ tiêu quan trọng về kinh tế - xã hội chưa đạt được theo kỳ vọng đặt ra.
“Vàng và USD trở thành ưu tiên lựa chọn dự trữ của nhiều gia đình, cá nhân. Nếu không có giải pháp tốt, không sớm kìm chế sẽ dẫn đến hiện tượng "vàng hóa" trong các giao dịch mua bán trong xã hội”, ĐBQH nhìn nhận.
Nhìn lại thị trường vàng trong nước từ đầu tháng 12/2023 đến nay, giá vàng trong nước diễn biến tăng bất thường. Giá vàng SJC đã có lúc đạt đỉnh vào 10/5/2024 ở mức 92,4 triệu đồng. Đây là mức giá cao nhất trong lịch sử của thị trường vàng Việt Nam. Biến động tăng giá vàng xảy ra có những thời điểm liên tiếp nhau. Thậm chí, có những ngày giá vàng leo dốc một cách thẳng đứng, biên độ thay đổi giá rất lớn qua mỗi lần tăng. Có thời điểm tăng 2 triệu, rồi giảm sốc 3 triệu/lượng; Giá mua - giá bán cách nhau 3-4 triệu đồng/lượng, trong ngày mức giá thay đổi đến 20 lần.
Các chuyên gia nhận định, đặc điểm của thị trường vàng Việt Nam là không có những sàn vàng tập trung, minh bạch mà người dân chủ yếu giao dịch tại các tiệm vàng, nên mặc nhiên mức giá mua và bán sẽ do các tiệm vàng ấn định, hay còn gọi là “nhà cái”, “nhà tạo lập thị trường” nhưng cũng chính là nhóm đầu cơ và có khả năng lũng đoạn thị trường, khiến tỷ giá trên thị trường tự do tăng nóng như thời gian vừa qua.
Rõ ràng, cơn sốt vàng vẫn âm ỉ. Nói như PGS.TS. Võ Thị Vân Khánh, Phó Trưởng bộ môn Quản trị kinh doanh (Học viện Tài chính), việc “sùng bái vàng”, thậm chí là “tiền tệ hóa vàng” sẽ tạo cơ hội cho những hoạt động tiêu cực, nhất là việc đầu cơ, trục lợi và lợi ích nhóm. Vì thế vẫn cần tiếp tục những giải pháp kiểm soát chặt chẽ, để loại bỏ những nguy cơ tiềm ẩn khó lường.
"Những cơn bão giá vàng đã qua có bàn tay của một số nhóm đầu cơ muốn nương theo sóng vàng thế giới để đẩy giá trong nước nhằm trục lợi. Phải làm “lộ sáng” các “nhà cái” thì thị trường vàng mới có thể ổn định, bền vững", chuyên gia nhấn mạnh.
'Dùng ngoại hối để bình ổn thị trường vàng sẽ phải trả giá quá cao'
Để ngăn vàng hóa nền kinh tế, cần tính đến đồng bộ nhiều giải pháp. Tại cuộc tọa đàm mới đây về chủ đề này, các chuyên gia tài chính và chính sách thuế nêu quan điểm rằng, phải rạch ròi cho được chức năng của vàng là hàng hóa hay dự trữ ngoại hối, để từ đó có ửng xử phù hợp với vàng. Thành lập sàn giao dịch vàng hay phát hành chứng chỉ vàng cũng là những phương thức quản lý cần tính đến ở thời điểm hiện nay khi công nghệ và công cụ quản lý của chúng ta đã tốt hơn.
Cụ thể, ông Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLaw, đặt vấn đề, phải hướng đến xem xét có nên xây dựng các sàn vàng vật chất hay không, bởi nhu cầu của người dân hiện nay không chỉ dừng lại ở việc tham gia vàng vật chất, mà còn muốn kinh doanh trên các sàn vàng trạng thái.
"Trên thế giới, có nhiều quốc gia công nhận sàn vàng trạng thái, còn việt Nam thì hoàn toàn không có. Việc thiếu sàn giao dịch vàng, trong khi nhu cầu của người dân có, dẫn tới những hoạt động lừa đảo từ đối tác từ nước ngoài hay thậm chí cả ở Việt Nam cũng lôi kéo nhau kinh doanh trên sàn vàng trạng thái. Nếu không sớm có cơ chế quản lý, sẽ có thêm nhiều người dân bị mất tiền vào các ứng dụng hoặc những sàn trạng thái đó. Điều này gây nguy hiểm cho nền kinh tế và làm tăng tình trạng tội phạm lừa đảo”, ông Hà lo ngại.
Dẫn chứng thêm, ông Phạm Xuân Hòe, nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước), cho biết tại Trung Quốc, Thái Lan đều triển khai quản lý thị trường vàng gắn với thị trường tài chính (hàng hóa phái sinh). Qua đó giúp người dân không phải “ôm” quá nhiều với vàng vật chất và nhà nước cũng có thể huy động được vàng trong dân.
“Việt Nam đã có sàn hàng hóa là sàn cà phê, sàn cá tra do Bộ Công thương quản lý. Bản chất nó vẫn là các sàn tài chính, bởi đó là hợp đồng tương lai, hợp đồng kỳ hạn. Có nghị định khung về vấn đề này và cho phép thí điểm 3 - 5 năm, sau đó sẽ tổng kết, đánh giá, tránh để tình trạng thí điểm chưa xong đã cho bùng nổ để rồi quay lại thắt chặt”, ông Hòe kiến nghị và cho rằng, nên cho phép các công ty chứng khoán, quỹ đầu tư… triển khai nghiệp vụ này. Người dân có thể tham gia đầu tư qua quỹ để giảm bớt rủi ro.
Ở một góc nhìn khác, TS. Nguyễn Hữu Huân, Giảng viên Đại học Kinh tế TPHCM (UEH), cho rằng, vấn đề vàng hóa gây ra nhiều tác hại với nền kinh tế đặc biệt là ổn định kinh tế vĩ mô. Vì thế, các ngân hàng trung ương trên thế giới luôn tìm cách quản lý, thậm chí là cực đoan để cấm vàng vật chất lưu thông trên thị trường, bởi nếu người dân cứ giữ vàng sẽ ảnh hưởng tới đồng nội tệ.
Vị chuyên gia dẫn chứng, một số quốc gia như Hoa Kỳ ở những thời điểm nhất định đều cấm người dân sở hữu vàng nguyên chất. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ bán cho người dân tín chỉ vàng (ETF) ghi nhận số vàng mà họ nắm giữ. Người dân có thể mua bao nhiêu lượng vàng cũng được nhưng Nhà nước sẽ phát hành tín chỉ thay vì vàng nguyên chất. Ngân hàng trung ương vẫn nắm giữ vàng nguyên chất làm dự trữ ngoại hối. Người dân có thể mua bán tín chỉ đó với nhau và bán lại cho ngân hàng trung ương.
Trên thế giới, khi đồng nội tệ mất giá, một số quốc gia cũng thực hiện việc phát hành ETF để điều phối thị trường. Thị trường vàng vật chất sẽ không còn hấp dẫn vì khi cầm tờ giấy và cầm cục vàng là khác nhau rất nhiều. Đồng thời, nó cũng tạo ra sự minh bạch.
"Thay vì cấm người dân nắm giữ vàng nguyên chất, nhà nước nên có những quy định khuyến khích người dân đem vàng gửi cho ngân hàng trung ương với mức lãi suất thấp. Như vậy, ngân hàng trung ương có thể tính toán được và trả lời cho câu hỏi đầy tranh cãi là số lượng vàng thực sự trong dân là bao nhiêu", ông Huân nêu quan điểm.
Tại họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm, ngày 23/7, Phó Thống đốc Đào Minh Tú, cho hay, Ngân hàng Nhà nước đang rốt ráo thanh tra, kiểm tra hoạt động đầu cơ, lũng đoạn thị trường vàng.
Về lâu dài, căn cơ làm sao để thực sự bình ổn thị trường vàng không hề đơn giản, Ngân hàng Nhà nước vẫn tiếp tục có nghiên cứu để đưa ra chính sách phù hợp. Trên nguyên tắc sẽ sửa đổi Nghị định 24 nhằm đảm bảo quản lý hiệu quả, ngăn chặn tiêu cực trên thị trường vàng, bình ổn thị trường vàng, cho phù hợp với tình hình thực tế và xu hướng hội nhập quốc tế.