Chuyên gia bàn chuyện ứng biến trước cuộc chiến thuế của ông Trump
![](https://media.doanhnhantrevietnam.vn/resize/50x50/files/user/2023/08/25/diepyen-084701.jpg)
(DNTO) - Việt Nam sẽ cần sự chuẩn bị và nhiều giải pháp để vượt qua giai đoạn thách thức với điểm tựa vững chắc từ nền tảng vĩ mô ổn định trong nước.
Động thái đánh thuế của Tổng thống Mỹ Donald Trump được cho là "giơ cao đánh khẽ" khi ông tạm ngưng chính sách thuế với hai nước Canada và Mexico sau khi đã đạt được thoả thuận của mình. Tính đến hiện tại, Trung Quốc là quốc gia duy nhất bị áp bổ sung 10% với các mặt hàng vào Mỹ. Ông Trump cũng áp mức thuế 25% với các sản phẩm nhôm thép xuất khẩu vào Mỹ, tuy nhiên đây được xem là biện pháp bảo vệ nền sản xuất trong nước.
Dù vậy, ông Trump vốn nổi tiếng với sự bất ngờ trong các chính sách và có phần khá lo ngại khi vị lãnh đạo này tập trung nhiều vào lợi ích của Mỹ cũng như giảm một số cam kết quốc tế đã có trước đó. Việt Nam vốn thâm hụt thương mại với Mỹ. Ông Trump cũng đang xem xét áp dụng thuế đối ứng, "có đi có lại" với các quốc gia đang áp thuế lên hàng hóa Mỹ. Và điều này khiến chúng ta có thể đứng trước nhiều rủi ro.
![Ảnh minh hoạ](https://media.doanhnhantrevietnam.vn/files/content/2025/02/17/chung-khoan65-1343.jpg)
Ảnh minh hoạ
PGS.TS Vũ Sỹ Cường, Kinh tế trưởng Viện Công nghệ và Phát triển tài chính, Giảng viên cao cấp, Học viện Tài chính cho biết, Việt Nam cần có kịch bản với các tình thế khó lường có thể xảy ra.
Cũng theo các chuyên gia tại Chương trình đối thoại “Kinh tế Việt Nam 2025: Thách thức, cơ hội và không gian bứt phá” ngày 17/2, sự khó lường có thể không chỉ đến từ các chính sách thuế mà khả năng còn từ các chính sách phi thuế quan khác.
Nếu hàng hoá Trung Quốc chỉ đơn thuần quá cảnh tại Việt Nam để xuất khẩu thì chắc chắn Việt Nam sẽ tránh các biện pháp từ Mỹ. Tuy nhiên, khi các doanh nghiệp Trung Quốc tham gia sản xuất thực tế trong Việt Nam, thì chúng ta phải tạo lòng tin với Mỹ bằng sự minh bạch trong xuất xứ hàng hoá, biết cách và khéo léo để không xảy ra rủi ro với Mỹ. "Bởi thực tế họ sẽ làm việc theo các bằng chứng cơ sở cụ thể", ông Cường cho biết.
Để làm được điều này, theo đề xuất của ông Cường, các cơ quan chức năng phải có các thông tin, số liệu cụ thể. Ví dụ các ngành xuất khẩu vào Mỹ hiện tại có bao nhiêu phần trăm nhập khẩu từ Trung Quốc, bao nhiêu từ nước khác... phải có thống kê chi tiết.
"Chúng ta cần bóc tách cụ thể số liệu, chính xác. Các thông tin số liệu cũng cần được cập nhật liên tục, đầy đủ từ đó mới có thể đưa ra các quyết định cụ thể làm gì, giải pháp nào", ông nhấn mạnh.
Đồng quan điểm với ông Cường, ông Nguyễn Bá Hùng, Kinh tế gia trưởng tại Việt Nam, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) bổ sung, Việt Nam cần tìm cách giảm nhẹ "cú sốc" có thể gặp phải từ tình hình quốc tế, bởi thực tế việc tìm thị trường xuất khẩu thay thế Mỹ là rất khó.
"Chúng ta cần chuẩn bị xuất phát điểm tốt, chú trọng đa dạng thị trường xuất khẩu để sụt giảm ở thị trường này thì tăng thị trường khác thay thế, tuy vậy, để được thị trường thay thế bù đắp không hề dễ", ông Hùng phân tích.
Theo góc nhìn của ông, hiện nay bản thân các doanh nghiệp trong nước đang tham gia khá khiêm tốn trong chuỗi giá trị của các doanh nghiệp khối FDI. Do đó, doanh nghiệp Việt cần tham gia sâu hơn trong chuỗi giá trị này, nâng cao tỷ trọng, coi như xuất khẩu tại chỗ nhằm thúc đẩy xuất khẩu của doanh nghiệp Việt, một cách hỗ trợ tích cực cho nền kinh tế.
Việc Mỹ căng thẳng với Trung Quốc có thể tạo thành dòng chuyển hướng thương mại có lợi cho nước thứ ba, bao gồm Việt Nam và nhiều nước trong khu vực. Trường hợp các chính sách của ông Trump không nhắm vào Việt Nam thì Việt Nam hoàn toàn được hưởng cơ hội từ dòng chảy thương mại này.
Cũng ông Nguyễn Bá Hùng, Việt Nam đang đứng trước nhiều yếu tố tích cực như chính sách cải cách bộ máy nhà nước tích cực, kỳ vọng đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng kinh tế của Chính phủ với các biện pháp rõ ràng.
"Rủi ro trong năm nay với chúng ta là các biến động quốc tế thường nhanh nhưng tôi tin, Việt Nam có ổn định vĩ mô an toàn, là động lực để chúng ta đạt được nhiều chỉ tiêu tăng trưởng đã đề ra", ông nhấn mạnh.
Theo các chuyên gia, trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam cần tận dụng vị thế chiến lược trong chính sách đối ngoại với Mỹ, đảm bảo các hoạt động minh bạch, tuân thủ các quy tắc và tiêu chuẩn quốc tế. Theo đó, khả năng tiếp cận thị trường và đàm phán các điều khoản trên thị trường quốc tế sẽ tốt hơn, góp phần mang lại nhiều lợi thế cho nền kinh tế.