Chứng khoán tuần mới: Khó có thể kỳ vọng dòng tiền lớn sẽ gia nhập thị trường
(DNTO) - Giới phân tích nhận định, trong bối cảnh tuần tới (16-20/1) là tuần giao dịch cuối cùng trước kỳ nghỉ lễ Tết nguyên đán, khó có thể kỳ vọng dòng tiền lớn sẽ gia nhập thị trường. Giá trị trung bình phiên trên ba sàn có thể chỉ loanh quanh 10.000 tỷ đồng/phiên.
Trong tuần qua, thị trường chứng khoán Việt Nam đã tích lũy trong biên độ hẹp với thanh khoản sụt giảm. Thị trường đón nhận nhiều thông tin vĩ mô tích cực trong tuần qua như lạm phát Mỹ tiếp tục hạ nhiệt; Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã mua vào lượng lớn dự trữ ngoại hối trong tuần qua; toàn bộ 25 gói thầu tại 12 dự án thành phần cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2 đều được chỉ định thầu, và Bộ Công thương đã ban hành khung giá năng lượng tái tạo cho các nhà máy điện chuyển tiếp.
Mặc dù có nhiều thông tin hỗ trợ, chỉ số Vn-Index vẫn chưa thể bứt phá qua vùng cản mạnh 1.070 điểm do nhiều nhà đầu tư có tâm lý e dè giải ngân trong những tuần cận Tết nguyên đán. Vì vậy, chỉ số Vn-Index tuần qua chỉ tăng khiêm tốn 0,8% lên mức 1.060,2 điểm. Tương tự, HNX-Index cũng tăng nhẹ và đóng cửa tại 211,3 điểm (+0,3% so với tuần trước), còn UPCoM-Index giảm nhẹ còn 72.1 điểm (-0,9% so với tuần trước).
Thanh khoản thị trường giảm nhẹ với giá trị giao dịch bình quân 3 sàn giảm 7,0% lên mức 10.892 tỷ đồng. Khối ngoại đã có hành động bất ngờ khi mua ròng 4 phiên trong tuần và sau đó bán mạnh tại phiên cuối tuần, kết tuần ghi nhận giá trị bán ròng 1.515 tỷ đồng trên sàn HoSE (so với mua ròng 1.631 tỷ đồng trong tuần trước).
Khối ngoại cũng giảm giá trị mua ròng trên sàn HNX-Index xuống còn chỉ 12 tỷ đồng (-87% so với tuần trước) nhưng lại tăng giá trị mua ròng trên UPCoM-Index lên 28 tỷ đồng (so với mua ròng 2 tỷ tuần trước).
Ngành ngân hàng tiếp tục là ngành dẫn dắt tuần qua nhờ những thông tin tích cực liên quan đến kết quả kinh doanh. Các cổ phiếu Ngân hàng đồng loạt tăng giá, trong đó có VCB (+2,4%), ACB (+4,3%), VIB (+7,0%), và VPB (+2,4%).
Trụ cột khác của chỉ số Vn-Index là nhóm bất động sản chứng kiến sự phân hóa, chỉ có VHM (+4,2%), NVL (+5,2%) tăng mạnh, còn KDH (-5,8%), NLG (-12,9%), và CRE (-8,6%) điều chỉnh.
Dòng tiền cũng hướng tới các cổ phiếu xây dựng trên bối cảnh dự án cao tốc Bắc Nam trúng thầu hàng loạt, bao gồm VCG (+7,7%), HHV (+6,8%) và FCN (+5,4%).
Tiếp tục tích lũy chờ bứt phá sau Tết
Thị trường chứng khoán tuần qua đón nhận thêm một số thông tin vĩ mô tích cực bao gồm lạm phát Mỹ tiếp tục hạ nhiệt trong tháng 12 và xuống mức thấp nhất trong hơn một năm (kể từ tháng 10/2021; chỉ số sức mạnh đồng đô la (DXY) tiếp tục suy yếu; áp lực lên tỷ giá VND giảm, Ngân hàng Nhà nước bắt đầu mua vào dự trữ ngoại hối. Về mặt thông tin, có thể thấy nhiều yếu tố hỗ trợ cho xu hướng tăng của thị trường, điều thị trường thiếu hiện nay là sự đồng thuận của dòng tiền.
Trong bối cảnh tuần tới là tuần giao dịch cuối cùng trước kỳ nghỉ lễ Tết nguyên đán, khó có thể kỳ vọng dòng tiền lớn sẽ gia nhập thị trường. Giá trị trung bình phiên trên ba sàn có thể chỉ loanh quanh 10.000 tỷ đồng/phiên. Do vậy, giới phân tích cho rằng chỉ số Vn-Index có thể duy trì xu hướng tích lũy trong tuần tới trước ngưỡng cản 1.070 điểm, và kỳ vọng dòng tiền có thể quay trở lại thị trường mạnh mẽ hơn sau kỳ nghỉ lễ và giúp thị trường bứt phá qua ngưỡng kháng cự này để hình thành xu thế tăng điểm ngắn hạn.
Giới phân tích nêu khuyến nghị: Đối với những nhà đầu tư đang có sẵn cổ phiếu trong tài khoản, có thể tiếp tục nắm giữ cổ phiếu qua kỳ nghĩ lệ, chờ đợi sự bứt phá của các chỉ số chứng khoán khi có sự đồng thuận của dòng tiền. Đối với những nhà đầu tư chưa có cổ phiếu hoặc tỷ trọng thấp, có thể căn nhịp chỉnh đầu tuần tới để giải ngân thăm dò một phần lấy vị thế. Ưu tiên những cổ phiếu có câu chuyện tăng trưởng rõ nét trong năm 2023 như nhóm đầu tư công, năng lượng (điện, dầu khí), ngân hàng, bảo hiểm.