Chú trọng đầu tư cho thiết kế riêng, có doanh nghiệp gỗ bội thu mức tăng trưởng trên 300%
(DNTO) - Muốn đáp ứng được nhu cầu tăng trưởng trở lại của tệp khách hàng, doanh thu, doanh nghiệp chế biến gỗ phải vượt qua thách thức về nền tảng số, đẩy mạnh đầu tư cho các sản phẩm có thiết kết riêng (ODM) trong xuất khẩu, để khẳng định năng lực của gỗ Việt ở những phân khúc có giá trị gia tăng cao.
'Chen chân' vào nền tảng số Wayfair, Amazon, Amass... để đột phá sức mua
Trong 2 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 2,4 tỷ USD, tăng gần 44%. Đây là mặt hàng duy nhất thuộc nhóm ngành nông, lâm, thủy sản ngay từ tháng đầu tiên của năm đã cán mốc xuất khẩu 1,5 tỷ USD. Tín hiệu lạc quan hơn khi một số doanh nghiệp gỗ nội thất đã có đơn hàng đến đầu quý 2.
Với vị thế là nhóm các nước có tỷ trọng xuất khẩu gỗ hàng đầu thế giới, ngành gỗ Việt Nam đã mở rộng thị trường xuất khẩu, thâm nhập sâu hơn vào các thị trường quan trọng như Mỹ, EU, Hàn Quốc, Nhật Bản và hiện diện nhiều hơn tại các thị trường mới nổi như UAE, Ấn Độ...
Chia sẻ cơ hội cho doanh nghiệp ngành gỗ phát triển thị trường, tại “Hội thảo thương mại điện tử xuyên biên giới – cơ hội tăng trưởng toàn cầu cho xuất khẩu sản phẩm gỗ nội thất Việt Nam”, ngày 8/3, bà Nguyễn Thanh Yến My, Quản lý tài khoản cấp cao Amazon Global Selling Việt Nam khẳng định, thời gian qua phân khúc thị trường xuất khẩu truyền thống đã và đang gặp nhiều thách thức do tăng trưởng kinh tế toàn cầu thấp, nhu cầu tiêu dùng toàn cầu còn yếu, hàng rào bảo hộ gia tăng, nhiều quốc gia tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt.
Trong khi đó, doanh số thương mại điện tử (TMĐT) hàng nội thất và thủ công mỹ nghệ vẫn tăng trưởng vượt bậc. Việc tận dụng kênh TMĐT xuyên biên giới đang là xu thế và là hình thức xuất khẩu mới giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa mở rộng tệp khách hàng, từ đó gia tăng doanh thu.
"TMĐT ngành nội thất dự báo sẽ tăng mạnh 118,6 tỷ USD vào năm 2027. Qua khảo sát cho thấy các sản phẩm nội thất như kệ để giày, khung giường, tủ quàn áo bàn làm việc gấp gọn, kệ nhà bếp, kệ phòng tắm, sản phẩm quà tặng cá nhân hoá…đang bán rất tốt trên các sàn điện tử", bà My thông tin.
Đồng thời cho hay, Việt Nam hiện có rất nhiều nhà máy sản xuất đồ gỗ, nội thất, hàng thủ công mỹ nghệ có kinh nghiệm gia công, nguồn nguyên vật liệu đa dạng, lao động có tay nghề. Bên cạnh đó, hàng hoá từ Việt Nam dễ dàng nhập khẩu vào các khu vực thị trường rộng lớn nhờ ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do.
"Đặc biệt, ngoài Mỹ, thời gian qua, nhiều nhà cung ứng Trung Quốc mua đồ nội thất Việt Nam và bán ra toàn cầu thông qua TMĐT xuyên biên giới. Vì vậy, nếu tăng mạnh số lượng doanh nghiệp tham gia bán hàng qua các nền tảng số như Wayfair, Amazon, Amass... hiệu quả xuất khẩu đồ gỗ, nội thất Việt Nam sẽ tăng lên ấn tượng.
Ở góc độ doanh nghiệp, bà Nguyễn Phạm Lệ Uyên, Giám đốc Kinh doanh Công ty CP Nguyên Phong Metal cho biết, 4 năm qua đã chuyển hướng sang hoạt động trên môi trường TMĐT xuyên biên giới, và đã chứng minh được tính hiệu quả nổi bật cho định hướng này của công ty. Theo đó, ngay trong năm 2020, Nguyên Phong Metal đã ký được đơn hàng đầu tiên trị giá tới 45.000 USD với một khách hàng ở Canada, nhờ đó, công ty đã “sống sót” được trong 2 năm đại dịch Covid-19.
Đến nay, thị trường của Nguyên Phong Metal đã được mở rộng tới rất nhiều nước như Mỹ, Australia, Italia, Tây Ban Nha, Pháp… Mới đây, Nguyên Phong Metal đã nhận được 44 yêu cầu báo giá, đạt tỷ lệ tăng trưởng 13,9%. Thời gian tới, doanh nghiệp này dự định sẽ phát triển thêm mặt hàng mới, bởi khi đã xây dựng được uy tín, khách hàng sẵn sàng mua thêm và công ty muốn tranh thủ cơ hội này để mở rộng doanh thu.
"TMĐT là kênh rất hiệu quả để giúp doanh nghiệp đi ra thế giới. Kinh doanh qua TMĐT toàn cầu hầu như không có ngày nghỉ, không có giờ nghỉ. Nên cơ hội nhận được đơn hàng là rất cao”, bà Lệ Uyên chia sẻ.
Theo báo cáo của Amazon Global Selling vào cuối tháng 12/2023, top 5 ngành hàng bán chạy nhất của các doanh nghiệp Việt Nam trên Amazon là nhà bếp, nhà cửa, dệt may, sản phẩm chăm sóc sức khỏe, và tiện ích gia đình. Do đó, nếu nhạy bén, các sản phẩm gỗ nội ngoại thất Việt Nam hứa hẹn sẽ tạo được giá trị mới với những thương hiệu toàn cầu. Để tăng mức độ nhận diện và tiếp cận đa dạng tệp khách hàng, các chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp cần xem xét, đầu tư một cách bài bản cho hoạt động bán hàng trực tuyến, đa dạng hóa kênh bán hàng trong chiến lược kinh doanh của mình.
Thiết kế mở lối đi riêng
Bàn thêm về câu chuyện chiến lược cho ngành gỗ, ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TPHCM cho rằng, chuyển đổi từ sản xuất gia công (OEM) sang phát triển sản phẩm có thiết kế riêng (ODM), vượt trội, để nâng cao giá trị sản phẩm gỗ, nội thất “made in Việt Nam” là một trong những mục tiêu trọng yếu đặt ra hiện nay.
Thực tế, việc vừa thiết kế, vừa cung cấp thiết bị nội thất gỗ bằng chính thương hiệu bản thân không phải dễ. Có lẽ vì vậy mà nhiều doanh nghiệp nội thất gỗ của Việt Nam vẫn phải "chịu kiếp" gia công, vừa phải chịu biên lợi nhuận thấp, thậm chí luôn đối mặt với không ít rủi ro. Chẳng hạn, khi kinh tế châu Âu bất ổn, các doanh nghiệp khu vực này cũng e dè trong việc nhập khẩu, các doanh nghiệp Việt buộc phải chấp nhận các đơn hàng nhỏ lẻ, đồng nghĩa với việc chi phí sản xuất bị đội lên. Nhiều doanh nghiệp còn “ngậm ngùi” chịu rủi ro trong thanh toán khi phải cho nhà nhập khẩu trả sau.
Không chỉ vậy, thị trường gia công cũng tạo nên một cuộc đua khốc liệt giữa các doanh nghiệp trong nước. Thông thường, nhà nhập khẩu sẽ đưa mẫu thiết kế cùng lúc đến nhiều doanh nghiệp Việt Nam để đấu thầu. Và họ sẽ so sánh về giá để quyết định chọn thầu. Đó cũng là lý do trong cuộc cạnh tranh về giá khốc liệt này, biên lợi nhuận của các doanh nghiệp gỗ nội thất gia công chỉ đạt mức 5-7%.
"Trong xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng trong ngành gỗ, nội thất, nhiều nhà mua hàng quốc tế đang tìm kiếm những nhà cung cấp mới tại Việt Nam. Giá trị thiết kế riêng chiếm 50-60% giá thành sản phẩm. Điều đó lý giải vì sao những sản phẩm có thiết kế riêng thường tạo được biên lợi nhuận tốt cho doanh nghiệp”, ông Khanh nhấn mạnh.
Nói về xu hướng đầu tư cho thiết kế trong ngành gỗ, nội thất hiện nay, ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM cho biết, trong năm 2023 đã nổi lên một số doanh nghiệp gặt hái được thành công nhờ đầu tư vào thiết kế, cá biệt có doanh nghiệp đạt mức tăng trưởng trên 300%.
Cụ thể, chia sẻ từ việc quan sát các gian hàng tại Hawa Expo 2024 vừa diễn ra (từ ngày 6 đến 9/3), ông Nguyễn Liêm, Chủ tịch Hiệp hội chế biến gỗ Bình Dương đánh giá, hội chợ năm nay có sự vượt trội về mức độ "chịu chi" cho các gian hàng với rất nhiều mẫu mã mới, chất lượng được nâng cao hơn đáng kể, nhiều công ty đã nhận được phản hồi rất tích cực của các khách hàng và tiếp tục đem dòng sản phẩm mới mang thiết kế riêng để giới thiệu tới các khách hàng Mỹ và châu Âu...
Điển hình như gian hàng của Công ty CP Lâm Việt, hay Công ty ASAHI Furniture, để đạt doanh thu hiệu quả, toàn bộ tỷ trọng hàng ODM trong tổng xuất khẩu đã chiếm tới 50%. Đặc biệt, 70-80% số mẫu thiết kế của doanh nghiệp được khách hàng quốc tế như Mỹ và châu Âu đánh giá rất cao... Doanh nghiệp cho biết, sẽ tiếp tục đi vào chiều sâu, tập trung trưng bày những sản phẩm thể hiện kỹ thuật cao với những thiết kế độc quyền, giúp khách hàng dễ dàng nhận diện năng lực của doanh nghiệp.
Có thể nói, ngành sản xuất và xuất khẩu nội thất gỗ của Việt Nam vẫn còn tiềm năng và các doanh nghiệp đang có ưu thế lớn, nhất là với mức thuế suất được ưu đãi hiện là 0%. Dù vậy, hiện tại, chúng ta mới chỉ chiếm 2,68% trong con số 100 tỉ USD xuất khẩu nội thất gỗ toàn thế giới. Do đó, muốn thành công, việc giải bài toán đầu tư chuyên nghiệp của doanh nghiệp vẫn sẽ là đòi hỏi tiên quyết. Đây là hướng đi vững chắc nhất để các nhà máy “sáng đèn”, đẩy mạnh xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ.