Chủ tịch VREC & HREC: 'Cần có sự hỗ trợ để người nước ngoài an cư tại Việt Nam'
(DNTO) - Theo Chủ tịch CLB bất động sản VREC & HREC, việc an cư lạc nghiệp không chỉ cần thiết với người dân trong nước mà với cả người nước ngoài đang định cư tại Việt Nam. Nhu cầu của phân khúc này đang rất lớn nhưng số lượng giao dịch còn ít, nguyên nhân do các thủ tục, quy định không mấy thuận lợi.
Theo thống kê chung, hiện nhu cầu sở hữu nhà ở của người nước ngoài tại Việt Nam hơn 1 triệu căn hộ và bên cạnh đó nhu cầu sở hữu nhà ở của Việt Kiều lên đến hơn 3 triệu căn hộ. Sự tham gia của người mua nước ngoài được xem là yếu tố quan trọng góp phần giúp thị trường sôi động, kích thích dòng tiền ngoại hối đổ về.
Nhu cầu lớn đang mở ra nhiều cơ hội cho thị trường bất động sản trong nước, tuy nhiên thách thức với phân khúc này không phải là ít.
Nhằm góp phần đưa ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn và kết nối cung-cầu về nhà ở cho người nước ngoài và Việt kiều, Câu lạc bộ Bất động sản Việt Nam (VREC) và Câu lạc bộ Bất động Sản TP.HCM Minh (HREC) đã tổ chức hội thảo vào ngày 24/2, tại TP.HCM.
Phát biểu tại buổi hội thảo, ông Nguyễn Quốc Bảo, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư vốn và Bất động sản DT24.VN, Chủ tịch CLB BĐS VREC & HREC nhấn mạnh, với đầu tư FDI lớn đã giúp tỷ lệ người nước ngoài sinh sống và làm việc tại Việt Nam tăng cao trong những năm qua. "Có người đã ở 5, 10 năm, có người là ông chủ nhưng phần lớn họ thuê nhà hoặc ở khách sạn. Nhu cầu nhà ở của người nước ngoài thực sự lớn", ông Bảo cho biết.
Tuy nhiên, thủ tục mua đang là rào cản khá lớn với phân khúc khách hàng này, khiến lượng giao dịch thành công đang quá ít so với cầu thực tế. "Cần có sự hỗ trợ để mang lại sự an cư cho họ", ông Bảo nhấn mạnh.
"Nhu cầu thực khoảng 4 triệu căn, mỗi căn trung bình 2-3 tỷ, nếu đáp ứng được nhu cầu này, chúng ta sẽ có doanh thu cực lớn, và có như vậy mới có cơ hội lo cho nhà ở xã hội, những người có hoàn cảnh khó khăn trong nước", Chủ tịch VREC & HREC chia sẻ.
"Thay đổi về nhu cầu sản phẩm"
Đồng quan điểm với ông Nguyễn Quốc Bảo, ông Huỳnh Tuấn Kiệt, Giám đốc kinh doanh CBRE Việt Nam cũng cho biết, phía công ty ông đã thực hiện nhiều giao dịch với người nước ngoài, về nhu cầu đang rất cao tuy nhiên rất khó trong vấn đề giao dịch và pháp lý.
Với gần 5.000 giao dịch đã được CBRE thực hiện thì có 45% thuộc về khách hàng nước ngoài, nhu cầu đứng đầu là thuộc về khách hàng Hồng Kông, Đài Loan, Hàn Quốc, Singaporo... sau đó là châu Âu, Mỹ.
Theo ông Kiệt, bản thân phân khúc khách hàng này cũng đang có sự chuyển dịch rất rõ. Ở TP.HCM, trên 75% nhu cầu ở khu Đông. Chủng loại sản phẩm cũng thay đổi, khoảnh 5,6 năm trước đây là nhu cầu thích sản phẩm nhỏ một phòng ngủ nhưng hiện tại, những sản phẩm 2,3 phòng ngủ lại được quan tâm nhiều.
Cũng theo đại diện của CBRE, ngoài nhu cầu "an cư lạc nghiệp", người nước ngoài tại Việt Nam còn có mục đích đầu tư, gia tăng giá trị sản phẩm.
"Thách thức quá nhiều"
Chia sẻ tại hội thảo, Luật sư Nguyễn Sơn Tùng, Chủ tịch Luật Legal United Law, nhấn mạnh: "Bản thân tôi cũng thấy các thủ tục khó khăn chứ không nói gì người nước ngoài".
Hiện có nhiều câu hỏi mà bản thân doanh nghiệp bán nhà cũng khó trả lời như: Không biết doanh nghiệp có được bán cho người nước ngoài hay không? Có được bán vượt số lượng hay không?Có được bán nhà hình thành trong tương lai hay không?...
Thậm chí, "Có địa phương đồng ý có địa phương không đồng ý về việc có bán nhà hình thành trong tương lai cho khách hàng", ông Tùng cho biết.
"Thách thức quá nhiều", ông Tùng nhấn mạnh và chỉ rõ, thách thức đầu tiên là thiếu vắng các quy định pháp luật cần thiết và quan trọng để các cơ quan nhà nước vận dụng trong thực tiễn, nhất là với người nước ngoài. Tiếp theo là "thách thức về sự hiểu biết" về việc vận dụng pháp luật trong thực tiễn xuất phát từ các cư quan chức năng, công chứng; thách thức về vay vốn để sở hữu nhà, về hoàn thiện thủ tục
Ngoài ra, theo ông Tùng, thách thức ngôn ngữ, sự hiểu biết và tính chuyên nghiệp của nhà đầu tư cũng là điều cần tính đến.
"Chúng ta cần cởi mở hơn. Việc sửa đổi các điều luật cần mở thoáng ra thì thị trường mới phát triển", ông Tùng cho biết.