Doanh nghiệp bất động sản chiếm tỷ lệ lớn trong danh sách 'lỡ hẹn' thanh toán trái phiếu
(DNTO) - Trong số 54 doanh nghiệp vừa được HNX (Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội) nêu tên liên quan đến việc chậm trả lãi cho trái chủ, đáng chú ý doanh nghiệp bất động sản chiếm tỷ lệ lớn, tiếp đó là các doanh nghiệp liên quan đến năng lượng tái tạo.
HNX vừa có thông báo danh sách các tổ chức phát hành công bố thông tin bất thường và báo cáo theo yêu cầu từ ngày 16/9/2022 đến ngày 31/1/2023 có nội dung chậm thanh toán gốc, lãi.
Theo đó, có 54 doanh nghiệp nằm trong danh sách chậm thanh toán lãi trái phiếu doanh nghiệp. Doanh nghiệp bất động sản chiếm hơn 50% trong danh sách này với các tên tuổi như Công ty cổ phần Tập đoàn Danh Khôi, Công ty Cổ phần Đầu tư và Dịch vụ Đất Xanh Miền Nam, Công ty cổ phần địa ốc Sài Gòn Thương tín, Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Địa ốc Nova, Công ty cổ phần Greenhill Village...
Tiếp đó là nhóm doanh nghiệp liên quan đến năng lượng như Công ty cổ phần Điện mặt trời Trung Nam, Công ty cổ phần BCG Energy, Công ty cổ phần xử lý rác thải và năng lượng EU...
Được biết, thời gian "lỡ hẹn" của các doanh nghiệp trên chủ yếu rơi vào giai đoạn quý 4/2022 và tháng 1/2023, giai đoạn khó khăn của các doanh nghiệp bất động sản với việc niềm tin của nhà đầu tư bị lung lay sau khi nhiều lãnh đạo các tập đoàn lớn vướng sai phạm liên quan đến trái phiếu, chứng khoán; lĩnh vực huy động trái phiếu bị siết chặt với nhiều quy định mới, lãi suất ngân hàng tăng cao trước sức ép của lạm phát và tình hình thế giới...
Được biết, một số doanh nghiệp đã đề xuất các phương án để khắc phục việc chậm thanh toán của mình. Điển hình gần đây nhất, Novaland đưa ra các phương án gồm giãn thời hạn thanh toán tiền gốc trái phiếu trong thời gian phù hợp, hoặc hoán đổi tiền gốc trái phiếu với các sản phẩm do công ty đang đầu tư và phát triển với lô trái phiếu NVLH2123009 phát hành ngày 12/8/2021 với tổng giá trị huy động khoảng 1.000 tỷ đồng.
Sang năm 2023, gánh nặng trả lãi và gốc trái phiếu doanh nghiệp của các doanh nghiệp bất động sản còn khá nặng nề. Thống kê cho thấy, bất động sản là nhóm ngành chiếm tỷ trọng lớn nhất với 42,8% tổng giá trị đáo hạn trái phiếu riêng lẻ trong năm, tương đương 107 ngàn tỷ đồng, tăng 76% so với cùng kỳ; kế tiếp là nhóm ngành tài chính-ngân hàng với hơn 30% tổng giá trị đáo hạn, tương đương 77.650 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ.
"Trong bối cảnh chính sách tiền tệ thắt chặt, chi phí tài chính gia tăng và thắt chặt phát hành trái phiếu, một số tổ chức phát hành có ít cơ hội tiếp cận nguồn vốn nhằm tái cơ cấu tài chính và đáp ứng nghĩa vụ nợ ngắn hạn. Rủi ro về khả năng thanh toán tập trung ở một số lĩnh vực có tỷ lệ đòn bẩy cao và hay biến động theo chu kỳ như lĩnh vực bất động sản", VNDirect nhận định.
Như Novaland, việc thoả thuận với các trái chủ sẽ là biện pháp cần thiết ở hiện tại với các doanh nghiệp. Mặc dù vậy theo FiinRatings, nếu các doanh nghiệp đạt được thỏa thuận với các trái chủ về việc giãn nợ hoặc hoán đổi các sản phẩm cho các khoản gốc và lãi vay thì điều này chỉ hỗ trợ duy trì thanh khoản trong khoảng thời gian ngắn.
"Các doanh nghiệp này vẫn phải thực hiện các cam kết khác như các khoản nợ vay ngân hàng, các khoản phải trả liên quan đến hoạt động kinh doanh...", FiinRatings cho biết.