Chủ quan khi tìm hiểu đối tác và các điều khoản hợp đồng, nhiều doanh nghiệp gặp rắc rối

(DNTO) - Nhiều doanh nghiệp quên mất bước tìm hiểu sâu về đối tác nên rơi vào tình trạng tranh chấp khi kí hợp đồng thương mại.

Nhiều doanh nghiệp vẫn chủ quan khi tìm hiểu đối tác cũng như các điều khoản hợp đồng. Ảnh: T.L.
Không hiểu bạn hàng vẫn kí hợp đồng
Thông tin gửi về Hội nghị Giao ban Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài mới đây, Thương vụ Việt Nam tại Bắc Kinh, Trung Quốc cho biết thời gian gần đây, Thương vụ nhận một số được đơn, thư (email) của doanh nghiệp Việt Nam đề nghị hỗ trợ giải quyết vướng mắc, tranh chấp thương mại với các đối tác tại Trung Quốc, trong đó, chủ yếu là tranh chấp hợp đồng mua bán sắt thép, kim loại.
Qua tiếp xúc, nghiên cứu các vụ việc và hồ sơ (hợp đồng, chứng từ...) doanh nghiệp cung cấp, Thương vụ cho biết lộ rõ một số vấn đề nổi cộm.
Cụ thể, các doanh nghiệp tìm kiếm đối tác qua internet và quá tin tưởng vào trang web của đối tác mà coi nhẹ bước tìm hiểu sâu (ví dụ như đề nghị cung cấp giấy đăng ký kinh doanh công ty, địa chỉ, số điện thoại cố định... để đối chiếu), xác minh thông tin, năng lực (thông qua cơ quan đại diện, Thương vụ của Việt Nam tại nước/địa bàn sở tại, thậm chí thông qua đối tác khác của đối tác).
Thứ hai, các hợp đồng thương mại còn quá sơ sài, chưa theo chuẩn mực thông lệ thương mại quốc tế. Bên cạnh đó, các điều kiện hợp đồng chưa được chặt chẽ, đặc biệt là điều khoản thanh toán, cơ quan giải quyết tranh chấp…
"Vì vậy, đề nghị các cơ quan chức năng trong nước, địa phương, hiệp hội ngành hàng tăng cường công tác phổ biến, hướng dẫn và tuyên truyền đến doanh nghiệp. Về phía doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ, không có cán bộ chuyên sâu ngoại thương, chưa có kinh nghiệm thương mại quốc tế cần quan tâm, lưu ý", Thương vụ Việt Nam tại Bắc Kinh khuyến nghị.
Xuất nhập khẩu tiếp đà suy giảm

Trung Quốc đang nỗ lực thực hiện các giải pháp để kích cầu tiêu dùng, trong bối cảnh thương mại sụt giảm. Ảnh: TTXVN.
Thông tin cập nhật về tình hình thị trường Trung Quốc, Thương vụ Việt Nam tại Bắc Kinh cho biết, mặc dù đã bước sang tháng thứ 2 của 6 tháng cuối năm song nhiều chỉ số của kinh tế Trung Quốc vẫn chưa đạt được như kỳ vọng.
Theo số liệu thống kê của Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc, chỉ số quản trị nhà mua hàng (PMI) tháng 7 đạt 49,3 điểm, mặc dù tăng so với các tháng trước đó nhưng vẫn dưới ngưỡng 50 điểm.
Chỉ số CPI tháng 7 giảm 0,3% kéo theo CPI của 7 tháng giảm 0,2 điểm phần trăm chỉ tăng 0,5% so với cùng kỳ, điều này càng tăng thêm nghi ngờ của các chuyên gia kinh tế phương Tây về nguy cơ giảm phát của Trung Quốc.
Nhìn từ góc độ nội nhu, mặc dù là mùa tiêu dùng trong kỳ nghỉ hè đầu tiên sau khi kết thúc đại dịch Covid-19 nhưng doanh số bán lẻ tiêu dùng hàng hóa dịch vụ tháng 7 chỉ tăng 2,5%, giảm 0,6 điểm phần trăm so với tháng 6 (tăng 3,1%), trong đó, ngay cả doanh số bán lẻ dịch vụ tháng 7 cũng giảm 0,3 điểm phần trăm so với tháng 6, với mức tăng 15,8%.
Hoạt động xuất nhập khẩu tháng 7 vẫn tiếp tục đà suy giảm, theo số liệu của Hải quan Trung Quốc, kim ngạch ngoại thương tháng 7 giảm 13,6% tính theo USD, trong đó, xuất khẩu giảm 14,5%, nhập khẩu giảm 12,4%. Lũy kế tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 7 tháng giảm 6,1% so với cùng kỳ, trong đó, xuất khẩu sang các thị trường chính của Trung Quốc như Nhật Bản, EU, ASEAN ghi nhận sụt giảm sâu hơn so với 6 tháng đầu năm.
Trong bức tranh tổng thể ngoại thương Trung Quốc, hoạt động xuất nhập khẩu của Trung Quốc với Việt Nam cũng ghi nhận sự sụt giảm, theo số liệu của Hải quan nước này, kim ngạch xuất nhập khẩu tháng 7 chỉ đạt 17,4 tỷ USD, giảm 9,3% so với cùng kỳ; trong đó, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 6,38 tỷ USD, giảm 4,5% và nhập khẩu từ Trung Quốc đạt 11 tỷ USD, giảm 12,7%.
Tuy vậy, vẫn có một số tin vui với doanh nghiệp Việt Nam. Cuối tháng 7, Hải quan Trung Quốc phê duyệt cho 129 mã số vùng trồng và 38 cơ sở đóng gói sầu riêng và một số mã số ngành hàng thủy sản cho các doanh nghiệp Việt Nam. Trong tháng 8, Hải quan Trung Quốc đã tiến hành kiểm tra thực địa (theo hình thức trực tuyến) để đánh giá rủi ro đối với trái dừa Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Bên cạnh đó, chỉ trong vòng một tháng, Trung Quốc đã ban hành các gói chính sách nhằm cải thiện, kích thích tăng trưởng kinh tế, đặc biệt từ nay đến cuối năm bao gồm các lĩnh vực tiêu dùng, thu hút đầu tư nước ngoài, khu vực kinh tế tư nhân..., trong đó phải kể đến là “Biện pháp khôi phục và mở rộng tiêu dùng”, đây là chính sách nhằm giải quyết tình trạng thiếu cầu, thúc đẩy tiêu dùng trong nước.