Câu chuyện đằng sau scandal OpenAI - Bài 2: Hoài bão OpenAI
(DNTO) - Để hiểu được những tranh chấp ngấm ngầm bên trong OpenAI, ta cần phải điểm lại hành trình của công ty khởi nghiệp này và mối quan hệ với Microsoft.
Bài 1: Ngày Phục sinh rối loạn
Giấc mơ của Kevin Scott
Kevin Scott, Giám đốc công nghệ Microsoft, là nhà lãnh đạo có bề dày kinh nghiệm và một hành trình đáng nể. Scott từng làm việc cho hãng quảng cáo AdMob, sau này trở thành một phần quan trọng của Google, và rồi làm việc tại LinkedIn, nơi ông trở nên nổi tiếng với khả năng truyền cảm hứng cho các dự án một cách lạc quan nhưng cũng rất thực tế.
Kevin Scott, xuất thân từ một quá khứ khiêm tốn, ôm ấp một ước mơ sử dụng trí thông minh nhân tạo để nâng tầm những ai thường bị bỏ bê bởi ngành công nghệ. Đó là những cộng đồng gắn liền với tuổi thơ và quá khứ của ông, những người nông dân, người lao động chân tay, vốn tháo vát nhưng thiếu kiến thức chuyên sâu.
Một giấc mơ như thế có thể bị xem là nông nổi, trái ngược với lo ngại tự động hóa sẽ thay thế những ngành nghề thủ công. Nhưng Kevin Scott tin vào tương lai lạc quan của trí thông minh nhân tạo, ông tin rằng trí thông minh nhân tạo có thể hỗ trợ cho những người lao động phổ thông trong công việc của họ.
Scott nói trí thông minh nhân tạo có thể “thay đổi tình trạng phải có người thắng, người thua, biến nó thành một bước phát triển bình đẳng cho xã hội”.
Satya Nadella, đảm nhận vai trò Giám đốc điều hành Microsoft vào 2014, đồng tình với giấc mơ đó và mời Kevin Scott vào vị trí Giám đốc công nghệ.
Nếu muốn thành công trong ngành trí thông minh nhân tạo, Microsoft sẽ phải vượt qua Google, một đối thủ đáng gờm. Google sử dụng hàng triệu đô la để chiêu dụ bất kỳ tài năng nào trong ngành A.I. về đầu quân cho họ. Trong khi đó Microsoft chưa có mấy thành quả, dù đã bỏ ra hàng trăm triệu đô la đầu tư vào các dự án nội bộ. Các giám đốc điều hành hiểu rằng Microsoft quá đồ sộ, với hơn 200 ngàn nhân viên và tầng tầng lớp lớp quy củ, không có khả năng thích ứng linh động cho ngành A.I.
Chính vì thế Kevin Scott phải tìm kiếm đến các startup bên ngoài, trong số đó một tên tuổi nổi bật hơn cả: OpenAI, một hãng có thông điệp sứ mệnh: “Chúng tôi mong muốn tạo ra trí tuệ nhân tạo tổng hợp có khả năng vượt trội hơn con người trong hầu hết các công việc có giá trị kinh tế, mang lại lợi ích cho toàn nhân loại”.
OpenAI vào cuộc
Scott vui mừng khi gặp một loạt các tài năng trẻ tại OpenAI, những người sẵn sàng từ chối hàng triệu đô la từ các hãng công nghệ lớn để làm việc 18 tiếng một ngày trong một tổ chức hứa hẹn sản phẩm của họ sẽ không “gây hại cho nhân loại hoặc tập trung quyền lực quá mức”.
Trong hàng ngũ của của OpenAI gồm có Ilya Sutskever, khoa học gia hàng đầu, lo lắng chuẩn bị cho sự trỗi dậy của công nghệ A.I., một công nghệ cao cấp đến mức nó có thể giải quyết tất cả mọi vấn đề của nhân loại, hay dẫn đến sự hủy diệt diện rộng. Trong khi đó, Samuel Altman, một doanh nhân dễ mến, quyết tâm biến A.I. thành một sản phẩm có ích và đem lại lợi nhuận.
Kevin Scott cảm nhận tinh thần của OpenAI là hoàn hảo. Họ là những bộ não vượt bậc đi kèm với nhiệt huyết đáng sợ để mang thành quả của họ lên đường “cứu thế cho nhân loại”.
Sutskever bàn luận với Scott, nói trí thông minh nhân tạo có thể biến những ngành như chăm sóc sức khỏe “tốt hơn hàng triệu lần” so với ngày nay. Một sự tự tin như thế có thể làm nhiều nhà đầu tư ái ngại, nhưng nó lại làm Scott hứng thú.
Scott đặc biệt trân trọng Mira Murati, Giám đốc công nghệ của OpenAI. Cũng giống như Scott, Murati có tuổi thơ nghèo khó ở đất nước bị chiến tranh tàn phá, Albania. Một giáo viên đã nói với cô rằng nếu cô có thể cố gắng vượt qua những hố bom để đến trường thì họ cũng sẽ cố gắng dạy. Ở tuổi 16, Murati đoạt học bổng ở Canada và từ đó thăng tiến. Một người theo chủ nghĩa lạc quan nhưng thực tế, cô là nhân tài phù hợp cho công nghệ A.I.
Murati từng nói: “Đôi khi người ta hiểu lầm sự lạc quan với chủ nghĩa duy tâm bất cẩn. Nhưng nếu đã dám hoài bão, thì phải thật sự cẩn trọng và suy tính kỹ càng, nếu không thì bạn sẽ phải đón nhận nhiều rủi ro”.
Sự lạc quan của OpenAI trái ngược với không khí bi quan thường có ở Microsoft, nơi nhiều người cho rằng trí thông minh nhân tạo là một “cuộc chơi dữ liệu”, nơi mà không ai có thể vượt qua Google.
Cuộc hợp tác giữa OpenAI và Microsoft rất hợp lý. Ở phía OpenAI, họ đang cần một “mạnh thường quân” với hầu bao rộng rãi để hỗ trợ cho các hoài bão đắt giá, cũng như hạ tầng cơ sở máy tính phục vụ cho tính toán. Để thu hút đầu tư, OpenAI đã mở một nhánh kinh doanh riêng, cho phép các đối tác nắm giữ cổ phần.
Tuy vậy, cấu trúc công ty của OpenAI có phần lập dị. Nhánh kinh doanh của họ vẫn được quản lý bởi hội đồng điều hành từ nhánh tổ chức phi lợi nhuận, vốn bao gồm một hỗn hợp các giáo sư, doanh nhân, các nhà hoạt động từ thiện,... không có mấy thành tích trong ngành công nghệ. Điều này cho phép hội đồng quản trị có khả năng bảo vệ công nghệ của OpenAI, đảm bảo nó luôn có lợi cho nhân loại chứ không tạo ra các hiểm họa vì theo đuổi lợi tức.
Nadella và Scott cùng nhiều lãnh đạo khác của Microsoft đã sẵn sàng chấp nhận những đặc điểm kỳ lạ đó của OpenAI. Đến 2019, Microsoft đồng ý đầu tư hàng tỷ đô la vào hãng startup non trẻ. Như thế, gã khổng lồ công nghệ đã sở hữu 49% cổ phần của nhánh kinh doanh OpenAI, quyền thương mại hóa các phát minh hiện tại và tương lai, và tích hợp chúng vào Word, Excel, Outlook và các sản phẩm khác.