Cần thận trọng trong ứng xử với áp lực lạm phát
(DNTO) - Mức lạm phát năm 2021 có thể cao hơn năm ngoái do một số nguyên nhân như: sự lên giá của bất động sản và chứng khoán làm tăng tài sản của các nhà đầu tư...
Mặc dù lạm phát cơ bản 4 tháng đầu năm 2021 so với cùng kỳ năm trước đều là mức thấp nhất trong 5 năm trở lại đây, song nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, cần thận trọng trong ứng xử với áp lực lạm phát, nhất là trong bối cảnh khó khăn của Covid-19 hiện nay.
Rủi ro đang tích lũy
Tổng cục Thống kê vừa công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4, theo đó, CPI tháng 4/2021 tăng 2,7% và CPI bình quân 4 tháng đầu năm 2021 tăng 0,89%, đây là mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016. Lạm phát cơ bản 4 tháng tăng 0,74%.
Theo Tổng cục Thống kê, lạm phát cơ bản bình quân 4 tháng đầu năm 2021 tăng 0,74% so với cùng kỳ năm 2020, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 0,89%) phản ánh biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực, thực phẩm và giá xăng, dầu tăng.
Mặc dù lạm phát cơ bản tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2021 so với cùng kỳ năm trước đều là mức thấp nhất trong 5 năm trở lại đây, nhưng theo PGS.TS. Phạm Thế Anh, chuyên gia kinh tế vĩ mô của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VERP), dù lạm phát chưa trở thành một mối đe dọa vĩ mô, nhưng rủi ro đang tiếp tục tích lũy.
“Đặc biệt, thị trường tài sản có nhiều dấu hiệu cho thấy đang trong tình trạng bong bóng, có thể mang lại rủi ro cho hệ thống tín dụng và hoạt động kinh tế”, PGS.TS. Phạm Thế Anh cảnh báo.
Chuyên gia của VERP phân tích, khi mức tăng giá trên các thị trường tài sản đủ lớn để tạo ra hiệu ứng của cải (wealth effect) thì mức tiêu dùng sẽ tăng đối với các mặt hàng không phải thiết yếu. Điều này dẫn tới sự lan tỏa của sự tăng giá từ thị trường tài sản sang thị trường tiêu dùng. Do đó, khó khăn trong điều hành chính sách tiền tệ hiện nay là làm sao để cân đối giữa mục tiêu tăng trưởng và kiểm soát lạm phát.
Thừa nhận những áp lực lạm phát đang lớn hơn khi các nước duy trì tiền tệ nới lỏng và tung ra nhiều gói hỗ trợ khổng lồ và dường như giá cả mọi thứ đều tăng, song TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế tin tưởng, có ít nhất 2 yếu tố quan trọng khiến lạm phát sẽ không tăng quá mạnh, đó là sức cầu tiêu dùng chưa thể hồi phục mạnh, người dân có xu hướng tiết kiệm nhiều hơn, trong khi vòng quay tiền chậm khi chưa đi vào tiêu dùng, sản xuất kinh doanh một cách quyết liệt và nhanh như trước đây.
“Vì thế, chúng tôi dự báo lạm phát năm nay chỉ ở mức 3,5-3,7%”, TS. Lực cho biết.
Đồng tình với quan điểm trên, PGS. TS. Tô Trung Thành, Khoa Kinh tế học, Đại học Kinh tế quốc dân cũng dự báo, lạm phát năm 2021 sẽ đạt mục tiêu dưới 4%, do thu nhập và theo đó nhu cầu tiêu dùng của người tiêu dùng còn khó khăn; trong khi đó, giá dầu và các hàng hóa cơ bản trên thế giới dự báo có mức tăng thấp; ổn định giá trị VND so với USD cũng giúp hạn chế được lạm phát nhập khẩu. Tuy nhiên, mức lạm phát năm nay có thể cao hơn năm 2020 do một số nguyên nhân như: sự lên giá của bất động sản và chứng khoán trong năm 2020 làm tăng tài sản của những nhà đầu tư, đồng thời các dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng tốt hơn trong năm 2021, theo đó gia tăng nhu cầu tiêu dùng nhiều hơn so với năm 2020, lan tỏa đến tăng giá cả tiêu dùng. Bên cạnh đó, lộ trình tăng giá các mặt hàng quản lý của Nhà nước có thể tiếp tục trong năm 2021 sau khi bị trì hoãn trong năm 2020.
“Thách thức lớn nhất đối với kinh tế Việt Nam năm 2021 là khả năng chống chịu của nền kinh tế sẽ như thế nào nếu làn sóng lây nhiễm dịch bệnh trở lại với sự xuất hiện của biến thể virus mới, mà sức chịu đựng của nền kinh tế phụ thuộc rất lớn vào dư địa của chính sách hỗ trợ của Chính phủ”, PGS. TS. Tô Trung Thành lo ngại.
PGS. TS. Tô Trung Thành cũng nhấn mạnh về việc quy mô chi tiêu ngân sách có thể gia tăng nếu đại dịch tái bùng phát và kéo dài, trong khi thu ngân sách trở nên khó khăn hơn do nền kinh tế rơi vào vòng xoáy suy giảm. Theo đó, thâm hụt ngân sách và nợ công sẽ trở nên căng thẳng hơn, điều này khiến cho dư địa tác động của chính sách tài khóa bị thu hẹp lại. Trong khi đó, rủi ro kinh tế vĩ mô có thể gia tăng khi tiếp tục nới lỏng mạnh hơn chính sách tiền tệ để hỗ trợ nền kinh tế.
Cần thận trọng trước áp lực lạm phát
Theo VERP, trong mọi tình huống, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát là hết sức cần thiết để chuẩn bị cho giai đoạn phục hồi sau bệnh dịch. Trong đó, hữu ích nhất trong bối cảnh hiện nay là các chính sách trọng cung, nhằm củng cố các yếu tố nền tảng của nền kinh tế. Cụ thể là các chính sách cải cách hành chính, nâng cao chất lượng bộ máy quản lý nhà nước, đặc biệt ở địa phương, nhằm cải thiện môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp và người dân.
Cùng quan điểm về việc ưu tiên ổn định vĩ mô và kiểm soát lạm phát nhưng TS. Cấn Văn Lực cho rằng, cần rất thận trọng trong ứng xử với áp lực lạm phát, nhất là trong bối cảnh khó khăn của Covid-19 hiện nay. Bài học năm 2011 cho thấy, nếu hành động quá mạnh để kiểm soát lạm phát sẽ khiến kinh tế không phục hồi được.
“Chúng ta cần khôn khéo trong ứng xử, tránh vội vã siết quá chặt vì lo ngại lạm phát. Bên cạnh đó, cần nhanh chóng chấn chỉnh các cơn sốt hiện nay, trong đó có sốt đất, vì những cơn sốt như vậy gây ra sự bất ổn, không bền vững và có thể dẫn đến bong bóng”, TS. Cấn Văn Lực khuyến nghị.