Cải thiện môi trường kinh doanh: Cần gỡ 'rào cản' từ gốc để doanh nghiệp đỡ khổ
(DNTO) - Theo phản ánh từ các doanh nghiệp, dù Chính phủ có nhiều hỗ trợ nhưng những quy định, văn bản với nội dung “dễ cho cơ quan quản lý, khó cho doanh nghiệp” đang khiến niềm tin của họ bị "bào mòn". Nhiều khó khăn của doanh nghiệp còn bắt nguồn từ chính cấp thực thi, chứ không đơn thuần từ hệ thống quy định.
Đề xuất nhiều nhưng thực hiện vẫn chưa 'rốt ráo'
Trong báo cáo gửi tới Thủ tướng Chính phủ cách đây không lâu của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), có phản ánh, một số doanh nghiệp bị xuất toán các hóa đơn, chứng từ của các công ty đã phá sản hoặc giải thể tại thời điểm kiểm tra, mặc dù đó là chi phí hợp lý tại thời điểm phát sinh hóa đơn. Một số doanh nghiệp có nhiều hoá đơn bị loại với lý do là “chi nhiều quá” và thường rơi vào các khoản chi phí tiếp khách, xăng xe, quảng cáo... Có doanh nghiệp bị xuất toán các khoản lãi vay ngân hàng với lý do “vay nhiều quá”.
Tuy nhiên, trong phần giải trình, doanh nghiệp đều nêu căn cứ pháp lý mà họ tuân thủ. Đơn cử, với chi phí quảng cáo, sau khi Thông tư 96 của Bộ Tài chính có hiệu lực, mức 15% khống chế đã được bỏ. Điều này có nghĩa là việc xuất toán chi phí quảng cáo của doanh nghiệp là do khâu thực thi, chứ không phải do quy định.
Ngay trong các vướng mắc gửi Thủ tướng Chính phủ, Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam lại góp thêm đề xuất… cũ. Đó là việc một số doanh nghiệp đầu tư nhà máy chế biến hồ tiêu chất lượng cao đang bị áp mức thuế thu nhập doanh nghiệp là 20% thay vì 15%.
Theo quy định, 20% áp dụng cho hình thức sơ chế sản phẩm tương tự các xưởng sản xuất thủ công, chứ không phải là các doanh nghiệp có nhà máy chế biến hồ tiêu đạt chuẩn. Hiệp hội Hồ Tiêu Việt Nam tiếp tục đề nghị cho phép các doanh nghiệp này áp mức thuế 15% dành cho doanh nghiệp chế biến.
Đây cũng là kiến nghị lên Chính phủ của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) liên tục từ đầu năm 2021 trong việc nghiên cứu, làm rõ 2 khái niệm “sơ chế” và “chế biến”, từ đó ban hành văn bản định nghĩa rõ ràng, phù hợp với thực tế thị trường và theo kịp các công nghệ chế biến hiện đại…
Bà Mai Thị Thùy, Chủ tịch Hiệp hội Nữ doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội chỉ rõ rằng, có nhiều doanh nghiệp hội viên trong Hiệp hội của bà cũng đang gặp quá nhiều khó khăn khi xin cấp phép mặt bằng đất đai để đầu tư sản xuất. Thậm chí có nhiều dự án khi triển khai phải qua “nhiều cửa” khiến cho Công ty phải xoay như “chong chóng” vì thủ tục rườm rà.
Cụ thể, bà Thùy thông tin, có doanh nghiệp liên quan đến lĩnh vực mây tre đan tại Phú Xuyên trong Hiệp hội được phân một lô đất hàng nghìn m2 cho sản xuất, kinh doanh cách đây 10 năm, nhưng sau đó lại bị địa phương thu hồi lại. “5-7 năm nay, doanh nghiệp này đã làm đơn tới khắp nơi nhưng vẫn chưa có được mặt bằng cho sản xuất”, bà Thùy bức xúc.
Cùng với đó, nhiều điều kiện kinh doanh sửa đổi gây khó khăn hơn cho doanh nghiệp. Trên thực tế, tình trạng lạm dụng các điều kiện kinh doanh, đặt ra các yêu cầu không cần thiết hoặc vượt quá mục tiêu kiểm soát rủi ro, diễn ra khá phổ biến. Điều này dẫn tới hệ quả hoạt động kinh doanh bị cản trở, bị can thiệp quá mức, việc gia nhập thị trường và cạnh tranh trên thị trường bị bóp méo, trong khi các lợi ích công cộng vẫn không được bảo vệ...
Đòi hỏi các bộ, ngành phải thực sự vào cuộc với tư duy mới
Cải cách môi trường đầu tư, kinh doanh và phát triển doanh nghiệp có thể được xem là một trong những điểm sáng chính sách trong 5 năm qua tại Việt Nam. Chưa bao giờ, những từ khoá như “môi trường kinh doanh”, “đơn giản thủ tục hành chính”, “tạo thuận lợi cho doanh nghiệp”… lại được nhắc đi nhắc lại không chỉ ở cấp Chính phủ, mà còn ở nhiều cơ quan khác, ở nhiều diễn đàn chính sách khác.
Nhất là trong bôí cảnh hiện nay, nền kinh tế vừa "tỉnh giấc" sau kỳ ngủ đông dài, rất cần đẩy nhanh việc thực thi các chính sách để thẩm thấu doanh nghiệp, tạo đà hồi phục và bứt phá.
"Phần việc phải làm lớn nhất trong năm 2022 sẽ là cắt giảm danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện và dỡ bỏ sự chồng chéo, mâu thuẫn, không hợp lý, khác biệt của các quy định pháp luật trong hoạt động đầu tư, kinh doanh. Đây là 2 nhiệm vụ cốt lõi mà Chính phủ vừa giao các bộ, ngành thực hiện các nhiệm vụ cải thiện môi trường kinh doanh so với các năm trước, nhưng cũng sẽ là những phần việc khó khăn hơn", bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Cải cách môi trường kinh doanh, nhận định.
Cụ thể, với nhiệm vụ cắt giảm danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện và cải cách điều kiện kinh doanh, mới đây ngày 5/1, Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan nghiên cứu, rà soát danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện. Hướng xử lý được xác định ngay từ đầu là thu hẹp phạm vi một số ngành nghề, đưa ngành nghề ra khỏi danh mục nếu có biện pháp quản lý khác hiệu quả hơn. Cùng với đó là kiểm soát việc đề nghị bổ sung ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh mới.
Hơn thế, việc thực hiện đưa các ngành nghề ra khỏi danh mục nếu yêu cầu quản lý thiếu cơ sở khoa học, thiếu cơ sở thực tiễn, không có mục tiêu quản lý hoặc không có mục tiêu quản lý rõ ràng sẽ phải hoàn thành trong năm 2023.
“Ngay trong năm 2022, sẽ phải hoàn tất việc rà soát đánh giá danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, làm cơ sở cho các đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan. Không chỉ dừng lại ở cải cách các quy định như cách làm thuần túy trước đây, mà còn tập trung vào cải cách việc thực thi các quy định thông qua việc cải cách các quy định trên thực tế,” bà Thảo nói.
Đặc biệt, theo bà Thảo, cải thiện môi trường kinh doanh sẽ hút đầu nước ngoài, thúc đẩy xuất khẩu, đổi mới sáng tạo, tăng trưởng. Với những mục tiêu “tham vọng” để có thể giảm chi phí tuân thủ, giảm các quy định, tăng cường hơn nữa hiệu quả hoạt động cho các doanh nghiệp trong bối cảnh phục hồi.
Tuy nhiên, hiện nay tình trạng khác biệt giữa các quy định của pháp luật đang được bộc lộ là rào cản đáng kể, làm chùn chân các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước, cả trong thủ tục đầu tư và đầu tư công.
“Để giải quyết sự khác biệt theo yêu cầu của Chính phủ trong Nghị quyết 02, rất cần tư duy cải cách theo hướng đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp. Phải coi doanh nghiệp là đối tác chứ không phải là đối tượng bị quản lý khi tiến hành rà soát, đánh giá và đề xuất sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật. Lâu nay, chúng ta đã nói đến những yêu cầu này, nhưng vào thời điểm doanh nghiệp và nền kinh tế đang trong thời điểm phục hồi, cần hỗ trợ để giảm tác động tiêu cực của dịch bệnh, thúc đẩy doanh nghiệp tiếp tục tái cơ cấu, đầu tư dài hạn, thì những đòi hỏi này càng trở nên cấp bách”, bà Thảo nhấn mạnh.