Bộ Y tế hướng dẫn doanh nghiệp TP.HCM kích hoạt các phương án phòng, chống dịch
(DNTO) - Các doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa và làm chậm lây lan dịch Covid-19 tại nơi làm việc cũng như cộng đồng. Để ứng phó với dịch bệnh, Tổ công tác Bộ Y tế đã hướng dẫn các doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM kích hoạt các phương án phòng, chống dịch Covid-19.
Ngày 21/7, Tổ công tác của Bộ Y tế đã có buổi làm việc và đưa ra nhiều tư vấn, hướng dẫn cho các doanh nghiệp ở TP.HCM phòng, chống dịch Covid-19. Theo đánh giá từ Tổ công tác của Bộ Y tế, trong bối cảnh hiện nay, nếu các doanh nghiệp không quyết liệt phòng, chống dịch thì dịch sẽ diễn biến phức tạp hơn. Đặc biệt trong môi trường đông công nhân, khi xuất hiện nhiều ca mắc Covid-19, tốc độ lây nhiễm sẽ rất cao.
Kiểm tra hàng loạt doanh nghiệp có nguy cơ cao về dịch bệnh, Tổ công tác đã có những điều chỉnh, yêu cầu thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch bệnh. Nhiều công ty còn chưa có kế hoạch phân công cụ thể nhiệm vụ cho các thành viên trong Tổ Covid-19 của doanh nghiệp.
Theo đó, Tổ công tác Bộ Y tế cho rằng, doanh nghiệp cần kích hoạt ngay các phương án phòng, chống dịch. Quyết định phong tỏa tạm thời cơ sở sản xuất kinh doanh hoặc từng phân xưởng/dây chuyền sản xuất/tổ sản xuất/khu vực sản xuất/vị trí làm việc có trường hợp mắc bệnh (F0) trên cơ sở tình hình thực tế. Cách ly các trường hợp ca nhiễm Covid-19 tại chỗ ở cơ sở sản xuất, doanh nghiệp và thông báo ngay cho cơ quan y tế để chuyển cách ly, điều trị, thực hiện khoanh vùng, khử khuẩn theo quy định.
Có mặt tại doanh nghiệp có nhiều ca nhiễm nhất vừa phát hiện tại Khu chế xuất Linh Trung 2, TP Thủ Đức vào ngày 21/7, Tổ công tác đã đưa ra nhiều giải pháp quan trọng.
PGS.TS Nguyễn Văn Sơn, Phó viện trưởng Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường, thành viên Tổ công tác của Bộ Y tế nhấn mạnh: Cần quyết liệt khống chế. Trước tiên phải tách hết ca nhiễm để thực hiện các bước cách ly, điều trị. Cùng với đó cách ly F1 nghiêm ngặt.
Theo lãnh đạo doanh nghiệp này, có hơn 400 lao động đăng ký làm việc trong bối cảnh dịch bệnh. Từ ngày 15-19/7, thực hiện xét nghiệm đã phát hiện 87 ca nhiễm Covid-19, những ca này đã được đưa đi cách ly theo dõi sức khỏe. Doanh nghiệp tạm thời dừng hoạt động để ứng phó...
Từ thực tế, ông Sơn nhận định và vạch ra giải pháp: Ở chung, vệ sinh chung, ăn chung, 87 ca dương tính lại rải rác trong tất cả các phân xưởng thì nguy cơ lây nhiễm rộng rất cao. Phải tức tốc yêu cầu người lao động nghiêm túc thực hiện 5K, phân xưởng nào ở yên phân xưởng đó. Không để xảy ra tình trạng người lao động hoang mang, lo lắng. Khi khởi động lại cũng phải chuẩn bị chu đáo.
Đưa ra giải pháp khi doanh nghiệp khống chế được dịch và hoạt động trở lại, PGS.TS Nguyễn Văn Sơn nhấn mạnh: Phải có đầy đủ kế hoạch, cam kết phòng dịch. Doanh nghiệp phải chủ động chuẩn bị trước. Với các F1, F2, sau 14 ngày nếu kết quả các xét nghiệm PCR đều âm tính thì có thể đi làm trở lại.
Tại nhiều doanh nghiệp khác trong Khu chế xuất Linh Trung 2 xuất hiện lẻ tẻ vài ca nhiễm nhưng đã được đưa đi cách ly, điều trị. F1 cách ly tại phòng riêng ở doanh nghiệp. Đối với trường hợp này, ông Sơn tư vấn cho Ban quản lý Khu chế xuất Linh Trung 2 có thể để doanh nghiệp hoạt động.
"Khi doanh nghiệp đã bóc tách ca nhiễm ra ngoài, cách ly F1 và có xét nghiệm âm tính, không có F2 thì không đáng lo. Tuy nhiên, cần phối hợp giám sát chặt chẽ. Kế hoạch phòng, chống dịch phải được chuẩn bị chi tiết, phân công cụ thể nhiệm vụ từng cá nhân trong Tổ Covid-19 của công ty", ông Sơn nói.
Tại doanh nghiệp sản xuất hàng thiết yếu nhưng vẫn sử dụng xe đưa đón lao động từ chỗ ở đến chỗ làm, ông Sơn đặc biệt lưu ý doanh nghiệp: Phải kiểm soát chặt chẽ cả lúc công nhân về chỗ nghỉ. Khi lên xe đưa đón thì theo thứ tự, đảm bảo đầy đủ 5K.
"Doanh nghiệp phải có trách nhiệm kết nối, giám sát việc thực hiện quy định phòng, chống dịch đối với người lao động của mình khi đưa họ về các khu nhà nghỉ, nhà trọ. Định kỳ tổ chức xét nghiệm, khi phát hiện có ca nhiễm phải kích hoạt ngay phương án phòng, chống dịch đã lập sẵn", ông Sơn tư vấn.