Bộ Xây dựng: Sóng tăng giá chung cư chững lại cuối quý 2/2024, người mua có tâm lí chờ đợi
(DNTO) - Báo cáo mới nhất của Bộ Xây dựng ghi nhận, lượng giao dịch căn hộ chung cư và nhà ở riêng lẻ trong quý 2/2024 có xu hướng giảm so với quý 1 và cùng kỳ năm ngoái, do giá nhà đã neo mức cao và tâm lý người mua đang ở trạng thái chờ đợi.
Lượng giao dịch căn hộ chung cư và nhà ở riêng lẻ trong quý 2 có xu hướng giảm
Sáng 14/8, công bố thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản quý 2/2024, Bộ Xây dựng cho hay: Theo khảo sát và tổng hợp báo cáo của một số tỉnh, thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM, giá căn hộ chung cư tăng trung bình khoảng từ 5% đến 6,5% và 25% theo năm tùy từng khu vực và vị trí. Giá bán chung cư tăng không chỉ ở những dự án mới mở bán mà còn ở nhiều căn hộ cũ, đã qua sử dụng nhiều năm.
“Tuy nhiên, tình trạng này cũng chỉ xảy ra trong một giai đoạn ngắn, đồng thời có dấu hiệu chững lại vào cuối quý do giá đã ở mức cao và tâm lý người mua đang ở trạng thái chờ đợi”, Bộ Xây dựng đánh giá.
Ghi nhận tại Hà Nội, một số dự án căn hộ chung cư có sự tăng giá cao như tại khu đô thị Royal City, The Pride (tăng 33%); Mỹ Đình Sông Đà - Sudico tăng (tăng 32%); Vinhomes West Point (tăng 28%)... Một số khu đô thị đã cũ như khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính, giá chung cư cũng tăng 25%; khu chung cư tái định cư tại Nam Trung Yên có mức tăng 20%, … Những nơi có giá bán biến động tăng chậm hơn không dưới 3 tỷ thì người mua phải tìm đến các khu vực xa trung tâm như Tây Mỗ (Nam Từ Liêm), Hoài Đức, Sài Đồng (Long Biên)…
Còn tại TP.HCM, chung cư cũng không nằm ngoài xu thế tăng giá. Biến động giá rao bán căn hộ chung cư TP.HCM phân khúc trung cấp (giá 35-55 triệu đồng/m2) tăng 2%; cao cấp (giá trên 55 triệu đồng/m2) tăng 5% so với cùng kỳ năm 2023.
Tuy nhiên, theo nhận định của các báo cáo phân tích thì giá căn hộ chung cư tại TP.HCM có thể sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới do nguồn cung dự án mới triển khai ra thị trường đang khan hiếm, nhất là khu vực nội thành.
Cụ thể như: dự án căn hộ chung cư City Garden (quận Bình Thạnh) rao bán trung bình 85 triệu đồng mỗi m2, tăng 18% so cùng kỳ năm ngoái; dự án Antonia (Quận 7) và Masteri Thảo Điền (Quận 2) lần lượt tăng 11% và 10%. Dù giá cao nhưng lượng giao dịch căn hộ chung cư và nhà ở riêng lẻ trong quý 2 có xu hướng giảm so với quý 1/2024.
Theo thống kê của Bộ Xây dựng, trong quý 2 có gần 25.890 giao dịch căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ, bằng 72,2% so với quý 1/2024, bằng 87,08% so với cùng kỳ năm 2023.
Nguồn cung ước tính tăng khoảng 20%, thị trường phân hóa rõ nét
Bộ Xây dựng cho biết, nguồn cung bất động sản sau một thời gian hạn chế đang chuyển biến theo chiều hướng tích cực, ước tính tăng khoảng 20% so với 06 tháng đầu năm 2024, được đóng góp chủ yếu từ phân khúc căn hộ cao cấp, hạng sang với chất lượng sản phẩm và mức giá bán phục hồi rõ nét cùng với nhiều hơn các sản phẩm thấp tầng khi các đại dự án đang hoàn tất các khâu cuối cùng gia nhập thị trường.
Thị trường ghi nhận sự quay trở lại của hàng loạt dự án cũ được tái khởi động và dự án mới mở bán. Số liệu cho thấy trong nửa đầu năm, 18 dự án nhà ở thương mại hoàn thành, 23 dự án được cấp phép mới. Đối với dự án xây dựng hạ tầng để chuyển nhượng quyền sử dụng đất xây dựng nhà ở, 32 dự án hoàn thành và 16 dự án được cấp phép. Đối với phân khúc nhà ở xã hội, 8 dự án đã được hoàn thành trong 6 tháng vừa qua.
Lượng giao dịch dự kiến sẽ tăng khoảng 20% so với nửa đầu năm do nguồn cung dự kiến chỉ “bật tăng" vào thời điểm cuối năm, vẫn được đóng góp chủ yếu bởi loại hình căn hộ. Thanh khoản trên thị trường thứ cấp cũng được cải thiện và sẽ có chuyển biến rõ nét nhất vào thời điểm cuối năm khi nỗ lực của cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp bất động sản phát huy hiệu quả tốt hơn.
Về sức mua, thị trường ghi nhận khoảng 253.000 giao dịch thành công, tăng khoảng 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Bộ Xây dựng chỉ ra rằng, phần lớn lượng giao dịch chủ yếu tập trung vào phân khúc đất nền. "Hà Nội có sự tăng trưởng nguồn cung cũng như thanh khoản trong nửa đầu năm, song sự phục hồi chưa đồng đều và có sự phân hóa khá rõ. Trong khi biệt thự, nhà phố vẫn yếu, phân khúc căn hộ, đất nền được quan tâm nhiều", Bộ Xây dựng chỉ rõ.
Mới đây, Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) cũng cho rằng, trong khoảng thời gian chờ các bộ Luật mới "ngấm", thị trường sẽ tiếp tục phục hồi chậm rãi, bền vững, với kết quả tốt dần lên. Đến cuối năm, quá trình phục hồi sẽ có tiến triển rõ nét và tiếp tục phân hóa theo phân khúc và khu vực nhưng với mức độ phân hóa đồng đều hơn.
"Ở góc độ nhà đầu tư, thị trường có sự phân hóa theo hai hướng. Một nhóm có xu hướng săn hàng "ngộp" khi một số người đang gặp gánh nặng tài chính sẵn sàng giảm giá để thoát hàng. Còn lại là những khách hàng tìm kiếm các sản phẩm căn hộ cao cấp từ những nhà phát triển lớn, mua ngay giai đoạn mở bán để được hướng chính sách về giá", VARS đánh giá.